Vị đặc biệt đến từ nguồn nước…
Lỗ Khê là một làng nằm trong xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Khi xưa, Lỗ Khê là một phần của quê hương Kinh Bắc nổi tiếng nhưng từ năm 1961, Lỗ Khê được sát nhập vào Hà Nội. Người con của vùng Kinh Bắc bao đời đã ngấm từng câu ca, ngấm nghề làm mỹ nghệ. Khi chuyển về địa phận Hà Nội, họ vẫn giữ trong mình lửa nghề ấy.
Mê ca trù, các cụ cao niên xưa cứ rảnh tay là gõ, là hát. Và rồi tục hát ca trù ở sân đình, bên bếp lửa bập bùng, trên là nồi bánh chưng xanh ngát đã truyền được bao đời nay. Bánh chưng Lỗ Khê cũng có bí quyết nổi tiếng riêng, khiến cho một cô gái làng, đi lấy chồng làng khác, muốn làm bánh ngon như Lỗ Khê cũng không thể làm được.
Đó là niềm tự hào riêng có của người dân Lỗ Khê. Ông Hoàng Đức Minh, trưởng thôn Lỗ Khê khẳng định: “Không nơi đâu nấu được bánh chưng có vị đặc biệt như làng tôi. Thậm chí, một cô gái ở làng tôi, lấy chồng ở làng Hà Hương, cách Lỗ Khê khoảng vài trăm mét, mang theo công thức của làng, đặt đúng những nguyên liệu mà người làng làm nhưng bánh chưng vẫn không thể giống như bánh của làng Lỗ Khê”.
Chúng tôi tò mò gặng hỏi, ông Minh cho biết, thực chất ông cũng chưa thể biết chính xác tại sao lại có chuyện lạ lùng như vậy. Nhưng sau này, khi hỏi rất nhiều các cụ cao niên trong làng, ông mới ngộ ra rằng “có thể do nguồn nước ở Lỗ Khê tinh khiết, ngon nên bánh mới có đặc trưng đặc biệt như vậy”. Đó cũng là lý do mà đa phần các cô gái lấy chồng gần làng, cứ mỗi dịp Tết đến lại về làng gói bánh rồi mới mang về nhà chồng để dâng cúng tổ tiên.
Đó cũng là lý do để rất nhiều cơ quan, đơn vị tấp nập xe cộ, điện thoại để đặt bánh tại làng Lỗ Khê. Người ta ước tính, từ sau khoảng Tết ông công, ông táo, mỗi ngày làng xuất đi cả chục tấn bánh chưng, đặc biệt, bánh chưng còn theo từng cung đường sắt, vào tận miền Nam. Người làng chuộng bánh chưng đến mức, ngày giỗ ông bà, lễ về nhà mới cũng không thể thiếu bánh chưng.
Điều đặc biệt, bánh chưng ở đây được gói từ loại gạo nếp cái hoa vàng do chính người làng cấy cày 2 vụ. Có lẽ cũng vì vậy mà gạo đã ngấm loại nước tinh khiết của làng để lớn lên, rồi tặng lại cho những người con của làng vị bánh chưng đậm đà, không lẫn với các loại bánh khác. Người làng cũng không ngâm gạo nhiều, chỉ khoảng 1 tiếng là bắt đầu mang ra đãi. Đỗ cũng chỉ ngâm 2 tiếng là chuẩn bị vào khuôn bánh, làm nhân.
Muốn giữ nghề của cha ông…
Bà Phạm Thị Lành, 65 tuổi, mới gắn bó với nghề làm bánh chưng khoảng 15 năm nhưng gần như nổi tiếng khắp vùng. Bà hát trầu văn giỏi, là phó chủ nhiệm CLB văn hóa văn nghệ của làng đã cùng với làng chinh chiến ở nhiều cuộc thi và đều dành được giải thưởng lớn.
Yêu văn nghệ, ham công việc cộng đồng nhưng bà Lành cũng tâm huyết với nghề làm bánh chưng của cha ông. Ban đầu bà làm vì công cuộc mưu sinh nhưng càng ngày bà càng bị cuốn hút vào nghề. Tận tâm tận lực với nghề bánh của làng, bà luôn lựa chọn những nguyên liệu chất lượng nhất.
Bà Lành vừa rửa lá dong vừa chuyện trò với PV báo PLVN |
Gạo sẵn có trong làng, mỗi dịp chuẩn bị hàng Tết bà luôn dự trữ hơn chục tấn gạo để phục vụ bà con. Đỗ xanh bà cũng “nhòm” sẵn nơi cung cấp loại đỗ tròn, lòng xanh, cắn kêu tanh tách, vỡ đều. Lá dong được bà chuẩn bị đầu tiên, thuê thợ rửa cách ngày gói cả chục ngày để đảm bảo đến khi vào đỗ, vào gạo lá không còn xót một hạt nước nào.
Nhà bà Lành nấu bánh chưng quanh năm nhưng mỗi dịp Tết đến thì cái sân nhỏ bé nhà bà như trẩy hội. Mỗi người một công đoạn, luôn tay luôn chân để kịp phục vụ hàng ngàn bánh mỗi ngày. Đội quân đãi gạo riêng, đội quân đãi đỗ riêng, rồi thợ gói, thợ vào lò, thợ vớt bánh… bà chia việc rõ ràng để không khâu nào bị lỡ nhịp, mới kịp cung cấp hàng ngàn bánh đúng hẹn cho khách mỗi ngày.
Bánh chưng Lỗ Khê chủ yếu là loại bánh dài (bánh hình ống). Vì hình dáng khác biệt, tròn và dài, nên khi gói, phần quan trọng nhất là dàn dây go (loại dây vải, chắc chắn để cố định hình chiếc bánh), sau khi gói tạo hình, người gói mới dùng dây lạt mềm để gói chắc chắn, lúc này dây go sẽ được tháo ra. Sau khi đun đủ 8 tiếng, bánh sẽ được vớt ra và được thợ vớt lăn bánh bằng tay cho bánh rền hơn, giữ được lâu hơn. Đây cũng là một công đoạn riêng có của làng bánh chưng Lỗ Khê.
“Làm hàng Tết không ai tính chuyện kinh doanh đâu cô ạ, bởi thuê công thợ dịp Tết đắt lắm. Tôi làm vì muốn giữ nghề của cha ông là chính thôi” - bà trầm giọng xuống tâm sự. Rồi bà kể, có những lần vì cần kíp việc xã, việc thôn, bà phải thuê người gói bánh cho bà, mỗi ngày thuê lên đến 500.000 đồng nhưng bà đi làm việc thôn chỉ được phụ cấp 50.000 đồng/ngày. Nhưng bà nhất quyết không bỏ nghề, không thể lỡ hẹn với khách hàng.
Nhớ câu ca trù bên bếp lửa khi xưa…
Bà Lành bảo, thợ làm bánh bây giờ nhàn nhã hơn ngày xưa rất nhiều. Vì giờ nhà nhà nấu bánh chưng bằng than tổ ong nên chuyện thức đêm trông nồi bánh chỉ còn là quá khứ. Trong quá khứ nuối tiếc ấy của bà Lành là những câu chuyện kể đêm khuya, những câu ca trù cất lên trong màn đêm, bên ánh lửa bập bùng luộc bánh; là những người làng tụ tập tại sân đình.
Cụ ông thường chuẩn bị nhạc cụ như đàn nguyệt , trống ban (trống con), phách, cảnh, thanh la, thi thoảng các cụ còn sử dụng nhiều nhạc cụ khác như: trống cái, sáo, đàn thập lục, đàn nhị, đàn bầu; còn các cụ bà thì sửa soạn quần áo và những làn điệu hát văn phù hợp với từng đêm. Bọn trẻ con thì rạng ngời, ánh mắt khao khát bên ánh lửa mỗi đêm, cảm giác như chúng “uống” từng giọt đàn, giọng hát…
Giọng kể của bà Lành trầm sụt theo thời gian. Cảm giác như những nuối tiếc xa xưa vẫn còn nhiều lắm ở người đàn bà vừa ham nghiệp hát văn, vừa đảm sứ mệnh giữ nghề bánh chưng của tiên tổ này…