Về nhé bạn ơi!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cứ sáng sớm hơn 4 giờ bố sẽ gọi tôi dậy. Vệ sinh cá nhân xong là đi học. Nhà tôi cách trường hơn 10 cây số. Cả làng chỉ có mình tôi đi bộ nên sáng nào cũng vậy, bố đều đi cùng cho tới khi gặp được người đi chợ thì ông mới quay về.
Ảnh minh họa. (Nguồn: N.T)
Ảnh minh họa. (Nguồn: N.T)

Xã tôi xưa tên gọi Thọ Trường với ba làng hợp thành. Đó là làng Nội, làng Ngoại và làng Căng. Nhà tôi ở làng Ngoại. Thường đi hết làng, vào địa phận làng Nội, bố tôi sẽ quay về. Có lẽ ông nghĩ có người đi chợ rồi nên tôi sẽ bớt sợ ma hơn, còn ông cũng yên tâm khi con gái có người đi cùng dẫu không quen biết.

Trong ba làng, chỉ có làng Nội là đất học, có nhiều người đỗ đạt, hơn nữa làng cũng gần chợ nên cuộc sống đỡ hơn làng Ngoại và làng Căng. Nhà tôi nghèo do đông con và các anh chị đều đi học đại học. Nên cái ăn còn chưa đủ nói gì đến cái mặc. Cả năm chỉ đúng một bộ đi học là tươm tất, còn ở nhà là quần áo vá chằng vá đụp. Sáng sớm đi học thường là nhịn đói, trưa tan học là quãng đường đáng sợ nhất vì đói, vì nắng. Sợ nhất là mùa đông mưa phùn, gió bấc. Cái rét của mùa đông miền Bắc lạ lắm. Nó cứ thun thút, lạnh từ trong lạnh ra, buôn buốt các đầu ngón tay, ngón chân. Có bao nhiêu áo rách, áo vá mặc hết vào trong mà vẫn cứ rét, cứ run cầm cập. Vì rét nên rất nhanh đói. Nhiều hôm về tới nhà, vừa đói, vừa rét vàng cả mắt.

Cả cuộc đời mẹ đã lam lũ, tảo tần hy sinh hết vì con. Mùa hè nắng chang chang hay mùa đông mưa phùn gió bấc, cả cánh đồng nhiều khi chỉ còn mình mẹ vẫn cặm cụi công việc. Lúc bé có một lần mải chơi tôi bị cô giáo phê bình, chị gái biết được. Chị không la mắng mà chỉ hỏi rằng: Làm sao em nhận ra mẹ khi mẹ ở ngoài đồng?

Ngây thơ nên tôi nói ngay: Sao lại có thể không nhận ra mẹ mình cơ chứ. Chị tôi im lặng rồi nhẹ nhàng nói: Ngốc ạ cả cánh đồng chỉ có mẹ, lúc nào cũng lam lũ, đầu đội nón mê, quần ống thấp ống cao, tay chân tất bật không hề ngơi nghỉ. Sao em lại làm mẹ buồn?

Lời chị nói và hình ảnh của mẹ dầm mình trong mưa phùn gió bấc theo tôi cùng năm tháng. Sau này và đến tận bây giờ khi cuộc sống đã thảnh thơi hơn, nhiều đêm tôi vẫn giật mình thảng thốt đi tìm mẹ trên cánh đồng xưa…

Mẹ luôn nói rằng, mẹ không có gì cho các con, ngoài việc chăm lo để các con đi học, để học được nghề. Nếu không học được nghề thì cũng biết để làm người. Thuở bé nghe vậy, tôi cứ cười và thấy lạ lắm vì có hiểu gì đâu.

Trong suy nghĩ của chị em tôi, mẹ vô cùng vĩ đại. Chồng đi công tác xa biền biệt, một đàn bảy đứa con, lít nhít trứng gà, trứng vịt, chỉ mình mẹ vừa đồng áng, vừa dạy bảo. Còn đâu sự xuân sắc, khuê các của con gái cụ đồ xưa, hằn trên khuôn mặt mẹ là sự lam lũ và vết rạn của thời gian. Chỉ khi 4 anh chị tôi vào đại học và bố tôi về hưu mới đỡ phần nào cho mẹ.

Lớp 8A ban đầu không đông lắm, vì là lớp được nhà trường chọn từ cả khóa dựa trên điểm thi trúng tuyển đầu vào. Lớp mới, bạn mới, trường mới và thầy cô cũng mới. Bé giờ tôi chỉ quanh quẩn ở làng, nay được đi xa (dù chỉ cách nhà hơn 10 cây số) và được gặp biết bao người mới nên mỗi ngày đi học là sự háo hức tột cùng. Vì là lớp chọn nên nhà trường khá ưu ái, bố trí các thầy, cô giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn đứng lớp. Những giờ toán của thầy Trương Xuân Yêng luôn là quá ít. Chỉ khi thầy nói: “Buổi truyền thanh đến đây kết thúc…” lớp mới đứng dậy tạm biệt thầy. Hay những giờ văn của thầy Hà Xuân Sâm tôi tin mọi người trong lớp đều muốn thời gian hãy dừng lại vì thầy dạy quá cuốn hút. Qua lời thầy, các nhân vật trong tác phẩm như bước ra cuộc sống thực. Như câu chuyện vừa mới xảy ra chứ không phải từ trong tác phẩm. Con nít nhà quê, đã biết yêu là gì nhưng khi nghe thầy nói về tình duyên của cô Kiều, lũ chúng tôi đều ngậm ngùi thương cảm. Tôi và các bạn chắc sẽ không quên mối tình khắc khoải, trong sáng nhưng cũng quá bi thương mà nhà thơ Khổng Văn Đương đã viết trong bài “Em đi tìm anh trên bán đảo Ban Căng”…

Về đi, các bạn. Về tìm lại tuổi hoa niên. Về lại nhà xưa với thầy, cô và chúng bạn. Cuộc sống, không phải cái gì “cũ” cũng mang hàm ý xấu và không tốt. Đồ cũ, nếu có điều kiện chúng ta thay mới nhưng tuy “cũ ta mà mới người”. Vì tuy “cũ’ nhưng chưa hư.

Nhà cũ, vì nhỏ hoặc kinh tế khá hơn nên chúng ta đổi sang biệt thự, thi thoảng vẫn muốn đi qua chỉ để nhìn chút thôi cho đỡ nhớ.

Vậy “nhà cũ, trường xưa hay lớp cũ” luôn đong đầy ký ức. Tin tôi đi, bạn có thể dùng tiền mua được rất nhiều thứ. Nhưng ký ức từ trường xưa, lớp cũ thì không bao giờ!

Về nhé bạn ơi!