Về vùng Đất Mũi nghe bà con, chuyên gia chỉ cách chọn cua Cà Mau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi nhắc tới Cà Mau, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến vùng sông nước, cánh rừng ngập mặn và không thể thiếu được cua biển, đây là món quà tuyệt vời của thiên nhiên ban tặng. Đặc biệt, cua Cà Mau được biết đến bởi chất lượng và uy tín từ thương hiệu của vùng giáp biển các huyện như: Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi…
Người Cà Mau tin rằng nhờ thế đất, nước nên cua Năm Căn trở nên ngon nức tiếng.
Người Cà Mau tin rằng nhờ thế đất, nước nên cua Năm Căn trở nên ngon nức tiếng.

Cua Năm Căn - sản vật “vàng” của bà con vùng Đất Mũi

Chia sẻ với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Trần Đoàn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn cho biết: “Huyện Năm Căn có diện tích tự nhiên hơn 490km2, với diện tích nuôi trồng thủy sản là hơn 25.000ha. Trong đó: diện tích nuôi cua kết hợp chiếm từ 80 - 90% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản, với sản lượng hàng năm hơn 2.000 tấn cung cấp ra thị trường.

Vào thời điểm này, các hộ nuôi cua trên địa bàn huyện Năm Căn, Ngọc Hiển đang vào vụ thu hoạch và được xem là được mùa, lại có giá, do nhu cầu xuất khẩu cao bởi chính thương hiệu cua Cà Mau mang lại. Đây cũng là điều kiện để các hộ nuôi cua trên địa bàn huyện thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng tới quy trình nuôi, xuất khẩu con cua bền vững, bảo đảm chất lượng.

Cua Cà Mau rất nổi tiếng bởi sự thơm ngon, nên chúng có mặt ở khắp thị trường trong nước và ngoài nước. Vì thế, giá thành của chúng cũng không hề rẻ. Đồng thời, người tiêu dùng không khỏi khó khăn khi lựa chọn bởi sự phân biệt thật giả của sản phẩm. Đó là lý do trên thị trường xuất hiện các loại cua giả kém chất lượng, nếu người dân, du khách không có nhiều kinh nghiệm hay biết đặc điểm sẽ dễ dàng bị qua mặt.

Để phân biệt chất lượng cua Năm Căn - Cà Mau với cua ở vùng khác, ông Trần Đoàn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn cho biết, cua Năm Căn - Cà Mau có kích thước lớn; chiều dài, chiều rộng và chiều dài thân lớn, màu sắc đỏ sậm, vẻ bên ngoài rắn chắc, thịt cua có màu trắng đục, thịt cua thơm, ngọt hơn và có vị mặn nhẹ đặc trưng của vùng; tỷ lệ gạch cua đối với cua gạch đạt rất cao (gạch đầy).

“Đối với con cua ở những vùng khác, có kích thước nhỏ hơn; chiều dài, chiều rộng và chiều dài thân nhỏ hơn cua Năm Căn - Cà Mau. Màu sắc nhạt, thường có màu xanh sậm, vẻ bên ngoài không được rắn chắc, thịt cua không có màu trắng đục bằng cua Năm Căn - Cà Mau, độ ngọt thịt hơi nhạt, tỷ lệ gạch cua đối với cua gạch không cao (gạch không đầy)” - Phó Chủ tịch UBND huyện Năm chia sẻ.

Anh Vũ Thế Oanh (chủ cơ sở thu mua cua Thế Oanh ở khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) cho biết, giữa cua Cà Mau chất lượng với con cua vùng khác kém chất lượng hơn. Cua Cà Mau khi cầm lên sẽ rất nặng, bóp con cua nghe cứng yếm và cứng thân cứng bên hông hay còn gọi là cứng 3 vách là con cua chất lượng, đặc biệt thịt con cua Cà Mau khi ăn cảm thấy thịt ngọt hơn có vị mặn nhẹ nhẹ.

Anh Vũ Thế Oanh (chủ cơ sở thu mua cua Thế Oanh ở khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) chia sẻ cách phân biệt cua Cà Mau với phóng viên.

Anh Vũ Thế Oanh (chủ cơ sở thu mua cua Thế Oanh ở khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) chia sẻ cách phân biệt cua Cà Mau với phóng viên.

Chị Mai Thị Thùy Trang - Chủ tịch HTX Tài Thịnh Phát (ấp Lung Đước, xã Tam Giang, huyện Năm Căn) chia sẻ: “Để phân biệt con cua Cà Mau với con cua các vùng nuôi khác, khi khách hàng mua cua nhận biết về hình dáng bên ngoài đối với cua Năm Căn - Cà Mau thì con cua có màu vàng, độ dày của mai cua sẽ dày hơn, sự di chuyển hoạt bát lanh lợi hơn, đặc biệt là hai con mắt sẽ cao hơn so với cua vùng khác. Khi xuất cua thành phẩm đi ra thị trường thì sẽ có tem thương hiệu của HTX, dây trói là dây tép dây một sợi, khi có tem truy xuất người tiêu dùng có thể quét mã QR để biết được nguồn gốc và thời gian đánh bắt và được hướng dẫn khi chế biến các món ăn về cua”.

“Để đạt được thành phẩm cua chất lượng cung ứng ra thị trường tiêu dùng thì nguồn cua thu mua cua vào để chế biến phải được chọn lựa rất kỹ lưỡng từ nguồn con giống, nguồn nước, hệ sinh thái rừng, đặc biệt nguồn nước ở huyện Năm Căn nói riêng được thừa hưởng hệ sinh thái rừng ngập mặn có lượng phù sa dồi dào, đủ độ mặn tạo nên chất lượng con cua Năm Căn khác biệt so với những vùng khác” - chị Trang cho biết.

Quét mã QR để biết nguồn gốc cua Năm Căn

Theo ông Trương Minh Thuận - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, con cua Năm Căn được thừa hưởng yếu tố lượng phù sa, thủy triều, độ mặn thiên nhiên ưu đãi cho vùng rừng đước ngập mặn đã góp phần rất lớn vào việc tạo nên chất lượng độ ngon của con cua Cà Mau. So với con cua tỉnh khác, về màu sắc của con cua Năm Căn có sắc tố màu đỏ sậm, vẻ bề ngoài nhìn săn chắc vỏ dày hơn so với con cua vùng khác.

Chất liệu, kích cỡ, quy cách dây trói cua Năm Căn - Cà Mau cũng được quy định rõ ràng, chặt chẽ.

Chất liệu, kích cỡ, quy cách dây trói cua Năm Căn - Cà Mau cũng được quy định rõ ràng, chặt chẽ.

Cũng theo ông Trương Minh Thuận - Phó phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, năm 2015 khi thương hiệu “Cua Năm Căn - Cà Mau” được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể, các ngành chức năng đã đẩy mạnh vận động tuyên truyền, người nuôi cua, các cơ sở thu mua cua cam kết thực hiện đăng ký sử dụng và bảo vệ thương hiệu cua.

Thời gian qua, con cua Năm Căn khi cung ứng ra thị trường để người tiêu dùng đều được dán nhãn mác, có tem nhãn chống hàng giả để người tiêu dùng dễ nhận biết giữa con cua Năm Căn và cua các vùng khác, mã vạch chỉ dẫn địa lý hướng dẫn để người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc. Đồng thời, để tránh tình trạng cua Năm Căn bị nhái hàng, giả chất lượng thương hiệu, Ban Quản lý nhãn hiệu tập thể đã có quy định đối với cua Năm Căn thì sẽ có tiêu chí cua phải đạt 90% trở lên về chất lượng thịt, gạch mới được mang tem nhãn hiệu “Cua Năm Căn - Cà Mau”.

Đọc thêm