Vén bức màn diễn tiến vụ 23 căn biệt thự bị ép ký đề xuất phụ lục hợp đồng

(PLO) - Sau khi đăng bài phản ánh về dấu hiệu lừa đảo mua bán nhà trên giấy xảy ra tại Dự án phát triển mở rộng khu nhà ở Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) của Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội (HACID), Báo Pháp luật Việt Nam nhận được rất nhiều thư bạn đọc cảm ơn toà soạn đã dũng cảm vào cuộc phản ánh sự việc; đồng thời nhiều độc giả cũng bày tỏ bất bình về "hành trình vật vã" khi tham gia mua bán hợp đồng xây thô trên địa bàn Hà Nội và các vùng lân cận.
Vén bức màn diễn tiến vụ 23 căn biệt thự bị ép ký đề xuất phụ lục hợp đồng
Trong thư cảm ơn có cả những người đã và đang tham gia trực tiếp và gián tiếp, có người là dân cư trong Dự án phát triển mở rộng nhà Cầu Diễn do Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng phát triển đô thị Hà Nội (HACID) làm chủ đầu tư, sẵn sàng cung cấp toàn bộ thông tin sự thật về hồ sơ dự án và những đề xuất phụ lục do (HACID) đơn phương đề nghị, cũng như những cuộc vận động hành lang được sắp đặt trước để báo có được thông tin, tiếp tục làm rõ vụ việc.
Từ tài liệu bà Đinh Thị Minh cung cấp và những nội dung trong thư cảm ơn của bạn đọc, phóng viên đã thực hiện một cuộc phóng sự nhập vai để tìm hiểu sự thật và những thông tin tại dự án trong 23 căn biệt thự dần được "vén màn” một hành trình nan giải trong quá trình hình thành 23 căn biệt thự xây thô.
Ông L. một người dân sống trong căn biệt thự  tại dự án đã hoàn thiện xong ngôi nhà và đang sinh sống tại đây cho biết: "Tất cả hợp đồng tại đây đều phải ký phụ lục tăng giá khoảng 3 tỷ đồng /1 căn biệt thự. Khi phóng viên hỏi: "Tại sao lại phải tăng 3 tỷ/ căn và trong hợp đồng khi bác mua có điều khoản này không?, thì ông L. bức xúc: “Điều khoản cái quái quỷ gì, chủ đầu tư đưa văn bản của thành phố Hà Nội ra ép nếu không nộp thì mất hết nên chúng tôi không lui được, đâm lao phải theo lao". 
Chưa nguôi cơn tức, ông L tiếp: “Mà thôi, các bạn đừng hỏi nữa tôi bức xúc lắm. Hỏi nhiều nhưng liệu các bạn có giúp chúng tôi đòi lại được tiền không?. Nếu đòi lại công lý cho chúng tôi thì hôm khác đến tôi sẽ nói hết sự thật, hôm nay ngày mùng 1 đầu tháng tôi không muốn nói chuyện này, cả tháng bực bội tổn thọ lắm". 
Thấy vẻ sững sờ của chúng tôi, ông L. dịu giọng: “Chúng tôi sẵng sàng cung cấp thông tin tài liệu vì tất cả mọi người đều bức xúc, chả ai muốn bỏ thêm tiền nhưng đây là chúng tôi bị ép buộc. Các bạn muốn biết thì đến vào buổi tối hoặc ngày nghỉ. Tóm lại dự án này nhiều vấn đề sợ các bạn viết không truyền tải hết được thôi, nhiều gia đình vay ngân hàng, ký hợp đồng mua xong không theo được vì chủ đầu tư "ép" tăng giá  phải bán lỗ vốn nên rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Có lẽ các bạn sang hỏi chị N. ở căn nhà số x kia kìa. Hình như chị ấy làm cán bộ gì đó liên quan đến Ban đất đai đền bù, có lẽ chị ấy hiểu rõ hơn ai hết. Ở dự án này những ai mua từ đầu thì bị ép ký phụ lục 3 tỷ đồng, còn mua sau thì thiệt hơn, cũng chưa biết phải nộp bao nhiêu như trường hợp bà Đinh Thị Minh ở căn biệt thự số 1 kia không biết sẽ đi đến đâu. Nếu bị ép quá chắc chị ấy cũng không chịu nổi. Những người xung quanh dự án nếu là quan chức hay cán bộ cấp cao thì được thương lượng mức khác còn những người xem hồ sơ thấy không  phải là "đối tượng" thì khổ cực lắm. Chủ đầu tư chia ra và phân loại từng đối tượng để hành xử và áp giá trong phụ lục đề xuất tăng giá". Nói đến đây, trong nhà ông L có tiếng gọi vọng ra báo hiệu bữa cơm tối. Tôi rất hứng thú với đề tài này và đây cũng là nỗi lòng của tôi. Hẹn các bạn lần sau, ông L chia tay.
PLVN sẽ tiếp tục điều tra làm rõ "vén màn bí mật sự thật đằng sau các phụ lục hợp đồng". Bên cạnh đó, PLVN muốn nghe sự thật từ người đã ôm số tiền lớn gần 7 tỷ đồng nói gì khi bà Nguyễn Phương Hải với các cam kết trong hợp đồng chuyển nhượng cho bà Đinh Thị Minh. Đồng thời, PLVN sẽ đặt lịch làm việc với UBND TP. Hà Nội, Sở Tài nguyên & Môi trường cũng như Phòng Tài nguyên & Môi trường quận Bắc Từ Liêm để tìm hiểu sự việc. 

Đọc thêm