Hơn 100 năm qua, từ cuộc xuất bôn khởi nghĩa của vua Hàm Nghi, đã xuất hiện nhiều thông tin, truyền thuyết về một kho vàng bí mật của vua Hàm Nghi đã chôn giấu sau khi rời khỏi hoàng thành. Đặc biệt, ông Nguyễn Hồng Công, một người quê gốc Thanh Hóa, thường trú tại TP.HCM đã bỏ ra hơn 33 năm để tìm kho báu và mới qua đời một cách bí ẩn cô độc ngay chính nơi được đồn đoán là có kho vàng.
PLVN sẽ giới thiệu về các dấu vết, truyền thuyết về kho vàng bí ẩn này.
(P1) Giấc mơ linh ứng của nhà vua ở cứ địa Sơn Phòng
Phú Gia tiếp giáp dãy núi Giăng Màn, có thác Vũ Môn với sự tích “Cá Chép vượt Vũ Môn” nổi tiếng sát biên giới Việt - Lào. Ở Phú Gia (Hương Khê - Hà Tĩnh) hiện có di tích thành Sơn Phòng của vua Hàm Nghi nằm trong quần thể di tích lịch sử - văn hóa.
Thành Sơn Phòng là một công trình quân sự độc đáo, là đất địa linh nhân kiệt, nơi vị vua trẻ Hàm Nghi chọn làm đại bản doanh chống thực dân Pháp. Đặc biệt ở đây có đền Trầm Lâm, có giếng Trăm Năm. Ngoài ra còn có đền Công Đồng và đền Trại Trụ (còn gọi là đền Ngàn Trụ).
Đền Trầm Lâm là ngôi đền thiêng, có liên quan đến sử tích báu vật của vua Hàm Nghi. Tương truyền, đêm 20/9/1885, trời không trăng, không sao, vua Hàm Nghi nằm ngủ tại thành Sơn Phòng thì mộng thấy một phụ nữ mặc áo đào đến bảo: “Ngài hãy rời khỏi nơi này, bọn “bạch quỷ” (tức giặc Pháp) đang vây bắt ngài, cần phải định liệu”.
Tỉnh dậy, vua Hàm Nghi hỏi ở đây có đền thờ nữ thần nào không, nhân dân cho biết cách đây không xa có đền Trầm Lâm thờ một nữ thần, đến nay nổi tiếng linh thiêng được nhân dân tôn thờ. Nhà vua mời gọi các cận thần lại thông báo giấc mộng và giao cho Tôn Thất Thuyết chuẩn bị sắc phong cùng các lễ vật tạ lễ ở đền Trầm Lâm.
Ngày 25/9/1885, vua ban sắc phong cho nữ thần tại đền Trầm Lâm chức “thượng thượng đẳng tối linh thần” kèm theo những phẩm vật quý giá.
Trải qua hơn 124 năm kể từ ngày vua Hàm Nghi rời khỏi vùng, trong điều kiện không có đền thờ vua Hàm Nghi, nhân dân xã Phú Gia đã tự nguyện đưa hiện vật về thờ tại nhà mình vào bảo vệ một cách nghiêm ngặt.
|
Vua Hàm Nghi |
Hằng năm vào ngày 25 tháng Chạp, nhân dân trong xã tề tựu làm lễ mộc dục để kiểm kê, lau chùi bảo vật và bình chọn gia đình được thờ tự số bảo vật (được gọi là đạo chủ).
Xung quanh bảo vật mà vua Hàm Nghi ban tặng còn lưu truyền nhiều câu chuyện mang màu sắc tâm linh tương tự khiến cho sự thiêng liêng càng nhân lên gấp bội.
Năm 1936 một trong hai con voi vàng bị Lê Yêm, con trai Lê Triết (đạo chủ đang giữ báu vật) mang sang Lào bán để lấy tiền mua đàn bò. Trên đường trở về Lê Yêm bị một con bò húc vào bụng chết ngay tại chỗ, kẻ đồng mưu với Lê Yêm là Lưu Duyên ở nhà bỗng nhiên phát điên.
Kinh hãi vì cảnh ấy, người vợ của Lưu Duyên đã chết đứng. Gia đình người Lào đổi con voi này cũng gặp họa, sau khi biết được tin này hoảng sợ, làm lễ mang voi vàng trả lại cho dân làng Phú Gia.
Quan điểm của dân làng Phú Hoà là dù khó khăn vất vả đến mấy cũng quyết tâm bảo vệ bằng được bảo vật vua ban, bởi đó là vinh dự hết sức lớn lao đối với dân làng.
Từng gom được 240 kg vàng?
Tại Hóa Sơn, Minh Hóa đến nay vẫn lưu truyền những câu chuyện về kho báu khổng lồ của Vua Hàm Nghi. Theo đó, trong một trận lũ lớn tháng 8/1956, có cô gái tên Quý của xã đi xúc cá đã phát hiện ra nhiều tấm kim loại màu vàng trên bãi đất bồi bên vực Trẩy, khe Dương Cau, xã Hóa Sơn. Sau đó, cô gái này về báo lại với gia đình.
Nhiều người trong thôn đã đến xem, cho rằng toàn bộ số kim loại đó là vàng của Vua Hàm Nghi. Thông tin này đã nhanh chóng đến được với chính quyền các cấp và cơ quan chức năng. Lúc đó, xã Hóa Sơn đã chỉ đạo cho lực lượng dân quân, công an bảo vệ rồi thu gom vàng. Tổng cộng số vàng thu được là 240 kg, bỏ đầy 5 cái nong phơi lúa.
|
Lễ đón báu vật của Vua Hàm Nghi ở làng Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh |
Đó là những tấm vàng có hình chữ “Đại”. Vàng được gom về tập kết tại sân nhà ông Phát gần đó rồi đem giao nộp cho Nhà nước. Tuy nhiên, trước khi thu gom, có nhiều người dân đã lấy đi một số vàng đem về làm đồ dùng trong nhà như những thứ sắt, thép khác chứ họ không quan tâm đến giá trị của vàng.
Nhiều người còn nói, cô gái tên Quý đã lấy đi một lượng vàng khá lớn rồi đi vào miền Nam sinh sống đến nay vẫn chưa về.
Bà Đinh Thị Bình, 78 tuổi, ở thôn Đặng Hóa còn kể lại rằng: “Hồi đó, bên cạnh vực Trẩy có một cây Pằn Nàng rất lớn, nhưng trong thân lại bị rỗng. Sau trận lụt lớn, cây này bị đổ và nước cuốn cây xuống vực sâu. Khi lũ rút đi để lại rất nhiều vàng. Chính tôi đã nhặt được 5 chữ vàng rồi đem giao nộp và được cấp trên thưởng cho một bộ quần áo mới.Còn xã được thưởng 3 con lợn với rất nhiều lúa gạo để ăn mừng”.
Nhân sự kiện đó, nhiều người cho rằng, có thể Vua Hàm Nghi đã cho người giấu vàng trong hốc cây Pằn Nàng đại thụ này.
Vua Hàm Nghi là vị vua đầu tiên của triều Nguyễn xả thân vì nước, đứng lên kháng chiến chống Pháp. Lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi nhưng nhà vua đã ý thức được vai trò, vận mệnh của mình với đất nước và quyết liệt đấu tranh không khoan nhựơng với thực dân Pháp.
Mới 13 tuổi nhà vua đã xuất bôn, kéo theo cả triều đình rời khỏi kinh thành, tìm nơi hiểm địa để lập căn cứ kháng chiến và phát hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu đứng lên khởi nghĩa tạo thành một phong trào kháng chiến khắp Bắc Trung Nam.
Mới 13 tuổi nhà vua đã xuất bôn, kéo theo cả triều đình rời khỏi kinh thành, tìm nơi hiểm địa để lập căn cứ kháng chiến và phát hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu đứng lên khởi nghĩa tạo thành một phong trào kháng chiến khắp Bắc Trung Nam.
(Còn nữa)