Chủ tịch huyện bị dân kiện
Theo thông báo của TAND TP Hà Nội, vụ án hành chính sơ thẩm giữa người khởi kiện là ông Nguyễn Viết Hồng, trú tại Xóm 6, xã Tự Nhiên, huyện Thường tín và người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện Thường Tín sẽ được đưa xét xử vào ngày 18/9/2020 tới đây.
Theo tìm hiểu, năm 1996 để phát triển kinh tế của xã, UBND xã Tự Nhiên đã cho đấu thầu khu đất lò gạch để tạo nguồn thu cho địa phương. Ông Hồng trúng thầu và được UBND xã đồng ý ký kết hợp đồng giao khoán và lập Biên bản bàn giao địa bàn khu lò gạch cuối làng thuộc quỹ đất công vào ngày 01/02/1997, nội dung của biên bản bàn giao ghi rõ: “Tổng diện tích theo bản đồ hiện trạng sử dụng đất là 12.214m2.
Ngoài số diện tích thầu của xã nêu trên, trên thực tế ông Hồng còn sử dụng số diện tích hơn 4000 m2, mà theo tài liệu ông cung cấp có nguồn gốc nhận chuyển nhượng 1800 m2 từ hộ ông Nguyễn Văn Thiềm (giấy biên nhận mua từ trước 1985); 2200 m2 từ ông Nguyễn Trọng Mạch có sự chứng kiến của Ban quản trị hợp tác xã (hiện nay dấu móng nhà, móng cổng đang còn); trên 200m2 của ông Đặng Hữu Long.
Tuy nhiên, khi hết hạn giao thầu (vào năm 2007), ông Hồng đã chủ động lên UBND xã Tự Nhiên để gia hạn nhưng UBND xã Tự Nhiên không đồng ý và cũng không xuống để nhận bàn giao nên việc trả phần đất giao thầu giữa 2 bên không thống nhất được phương án và kéo dài hơn 10 năm. Và trong thời đó, ông Hồng đã bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc để quản lý và tôn tạo thửa đất.
Mãi đến cuối năm 2018, UBND xã Tự Nhiên bất ngờ cho rằng ông Hồng có hành vi lấn chiếm đất công với diện tích 16.244m2 nên lập biên bản vi phạm hành chính. Trên cơ sở tờ trình của xã, ngày 31/11/2018, UBND huyện Thường Tín ban hành Quyết định (QĐ) số 4535/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và ngày 17/1/2019 ban hành QĐ số 410/QĐ-CCKPHQ ngày 17/01/2019 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm của ông Hồng.
Quyết định có dấu hiệu thiếu căn cứ pháp luật
Trong đơn khởi kiện, ông Hồng lại cho rằng, QĐ số 4535/QĐ-KPHQ ngày 30/11/2018 áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và QĐ số 410/QĐ-CCKPHQ ngày 17/01/2019 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của Chủ tịch UBND huyện Thường Tín là trái quy định pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp gia đình ông.
Là người nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án này, Luật sư Dương Lệ Ước An, Công ty Luật Hợp danh Đại An Phát, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Chủ tịch UBND huyện Thường tín căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính số 01/BB-VPHC do UBND xã Tự Nhiên ngày 22/11/2018 , để ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Hồng là thiếu căn cứ.
Bởi lẽ, biên bản vi phạm hành chính lập không hợp pháp khi thiếu một loạt nội dung theo quy định như: Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính: Không có; Tình trạng tang vật là các tài sản trên đất: không có; Hành vi vi phạm: không có nội dung vi phạm lấn chiếm đất đai; Biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính: không có; Bảo đảm việc xử lý: không có.
Mặt khác, có căn cứ cho thấy không có việc lập Biên bản vi phạm hành chính trên thực tế khi Biên bản do UBND xã Tự nhiên lập ngày 22/11/2018 không có sự có mặt của bất kỳ ai trong gia đình ông Hồng. Hơn nữa, sau khi biết đến sự tồn tại của Biên bản vi phạm hành chính, ông Hồng có lên UBND xã Tự Nhiên xin xem biên bản với nội dung là gì thì UBND xã Tự Nhiên không cung cấp được và trả lời ông Hồng “Đây là bí mật nội bộ”. Trong khi đó, Khoản 3 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định rõ: “Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản..”
Liên quan đến diện tích 4000m2 nằm ngoài diện tích giao thầu, Luật sư An cho rằng, căn cứ theo quy định hiện hành, mặc dù việc chuyển nhượng đất giữa các cá nhân với ông Hồng không phù hợp với quy định của Luật đất đai do không lập thành văn bản, không công chứng hay chứng thực theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, ông Hồng đã xây các nhà cấp 4, xây dựng chuồng trại để sử dụng ổn định. Các cá nhân nhượng đất không phản đối khi ông Hồng thực hiện việc xây nhà, đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, ông đã đóng thuế đầy đủ cho nhà nước trong suốt thời gian sử dụng đất và không có tranh chấp gì. Vì vậy, việc chuyển nhượng trên thỏa mãn trường hợp được nhà nước công nhận.
“Số diện tích chênh lệch nêu trên thuộc quyền sử dụng đất hợp pháp của ông Hồng. Nhà nước chỉ thu hồi khi có dự án được chấp thuận, có quyết định thu hồi, phương án hỗ trợ giải phóng mặt bằng… theo đúng trình tự thủ tục pháp Luật đất đai. UBND huyện Thường tín, tiện thể xử lý đất giao thầu để cưỡng chế phá bỏ toàn bộ hơn 4000m2 trên của ông Hồng là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp Luật”, Luật sư An nêu quan điểm.