Văn bản chấn chỉnh này xuất phát từ một tình trạng thực tế có những cán bộ giữ chức vụ cao ở Thủ đô trả lời qua điện thoại với báo chí có những lời lẽ khiếm nhã, xưng hô suồng sã... Ví dụ, một vị cán bộ lãnh đạo Đường sắt đô thị bảo: “Chúng mày là cơ quan kiểm định à?”, hoặc một ông giám đốc một sở rất to cũng mắng mỏ phóng viên, một vị hiệu trưởng trường đại học chẳng những nói lời chợ búa mà còn mang một ông rất lớn là “bạn tao” ra dọa,...
Không chỉ ở Hà Nội mà một số địa phương khác cũng có tình trạng này. Nếu ở Thủ đô vị quan chức thẳng thừng “Đây là việc của tao” thì ông Chủ tịch xã thuộc huyện Diễn Châu (Nghệ An) quát vào mặt phóng viên của một tờ báo văn chương của Thủ đô khi đến trụ sở xã tìm hiểu sự việc: “Không phải việc của mày, cút!”. Một ông Trưởng phòng ở cố đô Huế “dịu dàng chê” một phóng viên nữ “già, xấu, lắm mồm” nên từ chối làm việc, gọi những đồng nghiệp khác của chị bằng “mày”... Phóng viên chỉ hỏi tiến độ xây dựng của một chiếc cầu treo thôi cũng bị giám đốc công ty chỉ định thầu xây dựng cây cầu nhảy dựng lên và buông ra những lời... “có cánh”!
Hành vi, lời nói khi tiếp xúc với báo chí của các vị cán bộ có chức quyền là “nô bộc của nhân dân” này đã bị phê phán dữ dội trên các diễn đàn truyền thông, bị gọi thẳng tên là “vô văn hóa”, “hoen gỉ nhân cách”,... thậm chí, có ý kiến của những luật gia, luật sư, nhà văn hóa đề nghị phải cách chức, buộc thôi việc...
Dẫu sao đây cũng chỉ là hành vi thuộc lĩnh vực văn hóa ứng xử và người ta không thể cách chức vì một thái độ thô lỗ được. Thế nhưng, qua thái độ đó thì dư luận đã “cách chức” nhân phẩm của người phát ngôn ra những lời lẽ chợ búa ấy rồi. Chỉ là lời nói song nó đã bộc lộ tính cách, trình độ văn hóa, lối sống của con người đó. Chính là thói quan liêu, hách dịch, coi thường dư luận, “hạ mục vô nhân” đã thấm sâu vào máu họ và có dịp là nó bộc lộ ra thôi. “Đây là việc của tao!” hoặc “Không phải việc của mày!” đích thị là tiếng kêu rất to của con ếch nằm đáy giếng, nó không thể biết rằng báo chí có chức năng giám sát và pháp luật quy định người có trách nhiệm phải trả lời báo chí. Tiếc thay, đã là cán bộ, công chức, viên chức lại nắm giữ những cương vị lãnh đạo thì không thể coi mình như con ếch đáy giếng được, muốn kêu gì thì kêu. Đúng như một vị lãnh đạo rất có uy tín đã nói: “Nếu muốn tự do (nói gì thì nói) thì đừng làm cán bộ nữa!”.
Phải ra một cái văn bản chấn chỉnh thái độ của cán bộ như thế này là việc cực chẳng đã, nhưng cũng không thể để tình trạng văn hóa chợ búa xâm nhập vào chốn công quyền, làm xấu đi rất nhiều hình ảnh của đội ngũ công chức nhà nước!