“Nên giải quyết tranh chấp trước cho thỏa đáng”
Như PLVN đã phản ánh, ông Nguyễn Cảnh Tâm (SN 1972, ngụ khối 10, phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) vừa có đơn kêu cứu gửi Bí thư Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An và một số cơ quan về việc ông cùng con trai Nguyễn Cảnh Thực (SN 1994) bị khởi tố về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và “Hủy hoại tài sản”.
Phiên tòa sơ thẩm cuối năm 2019 đã tuyên ông Tâm 15 tháng tù giam, con ông 6 tháng 11 ngày (bằng thời gian tạm giữ, tạm giam), buộc bồi thường cho phía “bị hại” là vợ chồng bà Nguyễn Thị Hựu (SN 1977, ngụ khối 12, phường Quỳnh Xuân).
Cả hai phía đều kháng cáo. Trong khi cha con ông Tâm kêu oan thì “bị hại” nói: “Ngôi nhà đó gia đình tôi xây từ năm 2003, ở đến nay. Ông Tâm nói trước đây hai bên thân thiết, cho nhà tôi ở nhờ là không đúng. Tôi chỉ là bạn đánh đề với vợ ông Tâm. Vợ ông Tâm bán đề, xúi giục tôi đánh đề, ép gán đất để trả nợ lô đề. Tôi đi nước ngoài về đến gặp ông ấy để hỏi tiền nợ đánh đề hết bao nhiêu tôi gửi. Ông ấy đòi 1 tỷ, rồi sau đó phá nhà không thông báo gì cho tôi”. Phía bị hại đề nghị tòa tăng nặng hình phạt với các bị cáo và xem xét dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đã hoãn phiên xử phúc thẩm vụ án này. Vụ việc tiếp tục dấy lên nhiều ý kiến trái chiều như PLVN đã phản ánh trong những bài trước. Trong số báo này, PLVN tiếp tục ghi nhận ý kiến về vụ án hi hữu.
LS Nguyễn Vinh Diện (Văn phòng LS Vinh Diện & Cộng sự, Đoàn LS Nghệ An), bào chữa cho các bị cáo, cho rằng:
“Trong vụ án này, không phải ngẫu nhiên cha con bị cáo đến phá dỡ ngôi nhà. Việc các bị cáo phá dỡ ngôi nhà xuất phát từ ý thức cho rằng nhà đất là của mình nhưng bị người khác chiếm giữ. Với nhận thức pháp luật đơn giản rằng, gia đình đã viết giấy mua bán, đã thanh toán tiền nên tài sản thuộc sở hữu của mình, có quyền phá dỡ.
Cũng chính vì thế, sau khi đã gửi đơn đến cơ quan chức năng tố cáo về việc chiếm giữ tài sản của bà Hựu nhưng bà Hựu vẫn chiếm giữ nhà nên các bị cáo mới phá dỡ. Và cũng nhận thức rằng việc phá dỡ là hợp pháp nên khi phá dỡ thì các bị cáo có báo cho chính quyền địa phương.
Đáng ra, Cơ quan CSĐT Công an và VKSND TX Hoàng Mai nên để Tòa án giải quyết tranh chấp nói trên rồi khởi tố thì mới thỏa đáng. Việc khởi tố và phê chuẩn khởi tố bị can khi chưa có quyết định của Tòa trong trường hợp này là quá vội vàng, đã hình sự hóa quan hệ dân sự.
LS Diện nhấn mạnh: “Vụ án “nóng rực” tại địa phương, vì nhiều người cho rằng với mỗi sự việc không chỉ trọng lý mà còn phải trọng tình. Khi họ thấy ông Tâm đã mua đất trả tiền mà vẫn bị xử tội thì không tránh khỏi bất an, bởi chính sự lật lọng, đi ngược đạo đức xã hội đã đẩy hai cha con ông Tâm vào vòng lao lý”.
“Chưa thấu tình, đạt lý”
PLVN cũng đã ghi nhận ý kiến một số cán bộ, người có thẩm quyền tại địa phương.
Ông Lê Tiến Dào, cán bộ địa chính địa phương năm 2010, cũng là người giúp hai bên viết giấy chuyển nhượng, cho rằng: “Khi tôi hỏi cái nhà, ông Tâm nói nhà xuống cấp rồi không đáng tiền, cho bà Hựu ở vài tháng rồi phá đi. Hai bên không thỏa thuận ghi vào giấy nên không ghi.
Về bản chất, rõ ràng có chuyển nhượng thực sự và “mua bán” toàn bộ quyền sử dụng mảnh đất, hai bên không mảy may có ý bán đất không bán nhà hay như thế nào khác. Nếu bà Hựu không đi nước ngoài bao nhiêu năm rồi về tranh chấp thì sự việc đã giải quyết luôn rồi. Lúc đó hai bên mua bán “chị em” tình cảm, có chuyện gì đâu.
Theo tôi, CQĐT bắt cha con ông Tâm hơi vội. Tội ông Tâm nếu có thì còn đó. Giá như chờ một chút, mời đối thoại hai bên, làm công tác hòa giải, lấy ý kiến. Nếu thấy ông Tâm không có tình, không có lý, không đúng khía cạnh nào thì bắt. Nếu thấy vi phạm pháp luật thực sự thì ông Tâm cũng không nói năng gì được.
Đằng này ông Tâm vẫn nghĩ là của ông ấy, đã mua bán rồi, bà Hựu lại cố tình sửa sang nhà cửa, bảo đi không chịu đi. Ông Tâm thấy bị vi phạm quyền lợi mà không ai giải quyết thì tự đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình.
Tôi thấy việc bắt giam và kết tội cha con ông Tâm có gì đó chưa thấu tình, đạt lý”.
Về phía ông Nguyễn Duy Thao, Phó Chủ tịch HĐND TX Hoàng Mai, cho biết: “Trước phiên xử sơ thẩm, cả hai phía đều có đơn. Chúng tôi cũng sợ hai bên họ hàng xích mích nên Thường trực Thị ủy đã giao lãnh đạo TX và anh em phụ trách phải làm việc với phường Quỳnh Xuân và các hộ dân, giao phải làm theo pháp luật, tránh gây lộn xộn để xảy “đổ máu” thì nguy hiểm.
Cấp ủy chỉ đạo tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc hết, nắm rõ tình hình. Từ công an đến các ngành phối hợp làm kế hoạch cụ thể.
Từ khi sự việc mới xảy ra, chúng tôi có nghe phản ánh qua Khối Nội chính. Bên Nội chính đã giao cho anh em chuyên môn là công an, VKS, tòa xử lý. HĐND theo dõi sự việc, chưa giám sát vì chưa thành lập đoàn. Nhưng phán quyết cuối cùng là phán quyết của tòa”.
Ông Nguyễn Đình Công, nguyên khối phó khối 12, phường Quỳnh Xuân: “Thời điểm sự việc xảy ra, tôi đang là khối phó khối 12. Khi anh Tâm đưa máy phá dỡ xong, tôi mới có mặt. Anh Tâm kêu tôi nhận đồ của chị Hựu nhưng công an không cho đưa đến trụ sở, bắt gửi đi nơi khác. Công an kêu tôi đến chứng kiến chỗ nọ, chỗ kia thì tôi ký vào biên bản. Một số người thấy chị Hựu cứ dắt con đi thuê mướn ở nên cũng thương mấy đứa trẻ.
Chị Hựu trước đó đi Malaysia nhiều năm, tôi chỉ nghe nói có mua bán nhưng không rõ. Giá như anh Tâm làm cho chắc thì không đến nỗi”.
Anh Nguyễn Văn Chỉnh, thuê nhà ở sát mảnh đất đang xảy ra tranh chấp: “Tôi thuê ở sát mảnh đất có tranh chấp giữa chị Hựu và ông Tâm từ năm 2018. Trước khi chị Hựu đi nước ngoài về, tôi không nhìn thấy chồng, con chị ở trong ngôi nhà đó. Chị ấy chuyển về ở lúc nào tôi không để ý.
Hôm ông Tâm đưa máy ủi ngôi nhà, tôi thấy họ khiêng đồ đạc ra ngoài trước. Nhà xây bằng sò (loại gạch trộn xỉ, chất lượng không cao – NV) cũ rồi nên đưa máy ủi mấy phút là xong”.
Ông Lê Tiến Diệm, khối 10, phường Quỳnh Xuân, người làm chứng trong giấy chuyển nhượng năm 2010: “Hôm đó, bà Hựu và vợ ông Tâm đưa giấy chuyển nhượng sang nhờ tôi ký tên người làm chứng. Sau này công an nhiều lần gọi lên hỏi, tôi cũng trả lời như vậy. Tôi là người khách quan, biết gì nói vậy.
Tôi thấy bà Hựu ngày xưa mua bán rồi, nhà cửa bao năm đóng cửa để không, giờ lật lại đem bàn, đem ghế vào ở là không được.
Xử tù cha con ông Tâm đúng sai thế nào tôi không biết nhưng thấy khổ thật. Ông Tâm mua bán thật thà, đàng hoàng.
Bà Hựu đi nước ngoài nhiều năm, chồng con đi nơi khác. Ai ngờ bà ấy quay về lại “sinh chuyện”.
Chúng tôi trước đây mua bán đất đai có mấy khi ghi kèm nhà. Ngay như tôi bán đất, một vài gian xuống cấp rồi, có ghi bao giờ”.
Ông Nguyễn Cảnh Sáu, Phó Chủ tịch Hội đồng gia tộc Nguyễn Cảnh - Việt Nam: “Tôi được Hội đồng gia tộc giao nhiệm vụ theo dõi sự việc này, tìm hiểu khách quan. Khi công an mới bắt hai cha con chú Tâm, tôi được nhận toàn bộ hồ sơ diễn biến sự việc. Tôi đến tận địa phương gặp nhân dân, lãnh đạo địa phương, có trao đổi về toàn bộ vụ việc. Tôi khẳng định ngay từ ban đầu việc làm của cơ quan tố tụng là quá nóng vội.
Chú Tâm đã gửi đơn lên chính quyền, bà Hựu cũng có đơn gửi công an. Đáng lẽ các cơ quan chức năng phải hướng dẫn dân không được làm gì vi phạm. Hòa giải không được, căng thẳng quá thì hướng dẫn hai bên khởi kiện ra tòa dân sự. Ở đây đã không có sự hướng dẫn kịp thời.
Khi người nhà chú Tâm báo công an, nếu thấy vi phạm phải ngăn chặn ngay. Đằng này để sự việc xảy ra rồi lại khởi tố, bắt giam người ta.
Tôi cho rằng khi điều tra sự việc cần phải xem xét đến nguồn gốc vấn đề và quá trình nhiều năm. Chú Tâm là người nông dân thuần túy, làm ăn chăm chỉ, học hành ít. Do vậy, khi muốn mua miếng đất đã nhờ cán bộ địa chính viết hộ giấy chuyển nhượng.
Trên đất có ngôi nhà cấp bốn cũ từ năm 2003, hơn 40m2. Thời điểm 2010 cũng đã cũ, trị giá không đáng mấy. Nếu trên giấy mà ghi rõ ngôi nhà thì không có chuyện.
Trong giấy chuyển nhượng cũng đã chốt một câu chặt chẽ: “Bên chuyển nhượng giao đất vào ngày 30/3/2010”. Nhưng cơ quan thực thi pháp luật không xem xét rốt ráo, để rồi bắt giam hai cha con dẫn đến mức án gây bức xúc với nhiều người.
Chú Tâm đường đường chính chính bỏ tiền mua bán thì vướng vòng lao lý. Cháu Thực mới tốt nghiệp đại học cũng bị bắt xử án tù, cả đời vướng tiền án”.