Để trả lời câu hỏi này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với Đội CSGT số 6. Tại buổi làm việc, Đội phó Đội CSGT số 6, ông Trịnh Tiến Thành cho biết: “Đây không phải xe tuyến cố định, nó là xe hợp đồng trá hình. Việc xử lý rất khó khăn, có biển tuyến cố định thì công tác xử lý dễ dàng hơn. Nếu có xử lý chỉ xử phạt theo Nghị định 46 theo dạng vận chuyển khách hợp đồng trá hình. Họ có văn phòng giao dịch được đăng kí, thuê địa điểm, nếu cán bộ tuần tra phát hiện đón khách bên ngoài, nơi có biển cấm, sẽ xử lý theo quy định”.
Thế nhưng, ông Thành cũng không cung cấp bất kì biên bản xử lý vi phạm nào đối với doanh nghiệp vận tải Anh Khoa. Ông Thành cũng cho biết Đội vẫn đang xử lý, nhưng chỉ có thể đi theo, kiểm tra khi xe đón khách sai quy định và xử lý lỗi này. Như vậy, theo nhận định của phóng viên, CSGT đã nắm khá rõ tình hình hoạt động, núp bóng xe tour, xe hợp đồng để cố tình chạy xuyên tâm, trái tuyến. Thế nhưng, công tác xử lý, xử phạt vi phạm còn rất khiêm tốn.
Về phía doanh nghiệp, sau khi có bài báo của Pháp luật Việt Nam, nhà xe Anh Khoa vẫn tiếp tục đón trả khách tại số 70 Nguyễn Hoàng. Sau khi báo phản ánh, nhà xe đã bỏ tên biển quảng cáo, tên văn phòng nhà xe nhưng việc đón trả khách vẫn diễn ra nhộn nhịp như trước đây. Tại thời điểm phóng viên tác nghiệp, 12 giờ ngày 12/04/2017 xe khách mang biển kiểm soát 29B.069.10 tiếp tục đón khách theo cung đường cũ, chạy từ phố Nguyễn Hoàng, vòng ra đường Lê Đức Thọ, Hồ Tùng Mậu và chạy lên đường vành đai 3 trên cao Phạm Hùng mà vẫn không hề bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, cho dù ông Trịnh Tiến Thành, Đội phó Đội trưởng Đội CSGT số 6 đã khẳng định là nắm rất rõ tình trạng trá hình của doanh nghiệp để xử phạt. Câu hỏi của dư luận đang đặt ra ở đây là: Có phải khó xử lý, xử phạt hay lực lượng chức năng không muốn thực hiện? Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.