Năm nay, ngày vía Thần Tài sẽ vào ngày mùng 10 Tết (tức thứ sáu, ngày 7/2 dương lịch).
Vào ngày này, người dân thường sắm sửa lễ vật, thắp hương để cầu xin tài lộc, buôn may bán đắt trong cả năm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, không ít người thắc mắc liệu có thể cúng trước ngày chính thức hay không và điều này có ảnh hưởng đến việc đón tài lộc hay không.
Theo quan niệm dân gian, ngày mùng 10 tháng Giêng là thời điểm Thần Tài giáng hạ nhân gian để ban phát phúc lộc. Đây được xem là ngày đẹp nhất để thực hiện các nghi lễ cúng bái.
Việc cúng vào đúng ngày không chỉ thể hiện sự thành tâm mà còn giúp gia chủ đón nhận trọn vẹn vận may. Tuy vậy, trong thực tế, không phải ai cũng có điều kiện cúng vào đúng ngày này. Vì vậy, nhiều người có xu hướng dâng lễ sớm, thường là vào tối mùng 9 để chủ động sắp xếp công việc.
Các chuyên gia phong thủy cho rằng, nếu không thể cúng vào đúng ngày 10, gia chủ hoàn toàn có thể tiến hành nghi lễ vào tối mùng 9. Đây là thời điểm sát ngày chính thức, vẫn giữ được ý nghĩa tâm linh và không làm giảm bớt sự linh thiêng của nghi lễ.
Mùng 9 tháng Giêng là ngày vía Trời, ngày cúng Ngọc Hoàng, tuy nhiên, theo một số quan niệm, việc cúng Thần Tài vào ngày này cũng không phải là điều kiêng kỵ. Người ta vẫn có thể thực hiện lễ cúng vía Thần Tài để cầu mong tài lộc, may mắn và sự thịnh vượng cho gia đình hoặc công việc kinh doanh.
Trong lễ cúng, gia chủ cần chú ý để không làm ảnh hưởng đến các nghi thức khác, đặc biệt là các lễ cúng dành riêng cho Ngọc Hoàng và các thần linh khác.
Ngoài ra, gia chủ không nên cúng quá sớm, chẳng hạn vào ngày mùng 8 hoặc trước đó, vì theo quan niệm dân gian, thời gian này chưa phải lúc Thần Tài giáng hạ, việc cúng bái có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Khi chuẩn bị lễ cúng, điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm. Lễ vật cúng Thần Tài thường gồm hoa tươi, trái cây, nước, rượu, vàng mã và các món ăn truyền thống như thịt quay, cá lóc nướng (đặc biệt phổ biến ở miền Nam). Ngoài ra, nhiều người còn mua vàng vào ngày này với niềm tin rằng đây là cách để “lấy vía” Thần Tài, giúp tài chính dồi dào suốt cả năm.
Bên cạnh thời gian cúng, nhiều người cũng quan tâm đến giờ cúng để đón được tài lộc tốt nhất. Theo quan niệm phong thủy, các khung giờ đẹp để thực hiện nghi lễ này là giờ Mão (5h-7h), giờ Tỵ (9h-11h), và giờ Thân (15h-17h). Đây được xem là khoảng thời gian linh khí tốt, giúp gia chủ nhận được nhiều vận may trong năm mới. Nếu cúng vào buổi tối, nên chọn thời điểm trước 21h để tránh xáo trộn sinh khí trong không gian thờ cúng.
Dù thực hiện nghi lễ vào thời điểm nào, điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm và lòng tôn kính đối với Thần Tài. Việc cúng bái không chỉ là một phong tục mang ý nghĩa tâm linh mà còn thể hiện ước mong về một năm làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.
Gợi ý Văn khấn cúng vía Thần Tài 2025
Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần).
Con lạy chín phương Trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.
Kính lạy ngài Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.
Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Con kính lạy thần Tài vị tiền. Con kính lạy các ngài thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.
Tín chủ con là…
Ngụ tại…
Hôm nay là ngày 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ
Tín chủ thành sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài thần Tài tiền vị. Cúi xin thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A-di-đà Phật! (3 lần).
* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo