"Viên thuốc" 14 triệu đồng

Không thông qua bác sĩ khám, những người của bộ phận chẩn đoán hình ảnh đã móc nối với công ty bên ngoài để bán viên nang nội soi cho bệnh nhân với giá 14 triệu đồng/viên.
Không thông qua bác sĩ khám, những người của bộ phận chẩn đoán hình ảnh đã móc nối với công ty bên ngoài để bán viên nang nội soi cho bệnh nhân với giá 14 triệu đồng/viên.

Bệnh nhân Lê Thị Phụng Duy (sinh năm 1953, nhà ở quận 2, TP.HCM) bị tình trạng đầy bụng khó chịu nên đến khám tại Bệnh viện (BV) Bình Dân, TP.HCM vào sáng 10/8. Bác sĩ (BS) khám là Trần Minh Đức có chỉ định và ghi phiếu cho bệnh nhân Duy làm nội soi để kiểm tra dạ dày. Bệnh nhân được hướng dẫn đến khoa Nội soi tiêu hóa.

Sau khi nội soi xong, thay vì đưa kết quả cho người bệnh quay trở lại BS khám ban đầu xem để có hướng điều trị, cho toa thuốc, hay chỉ định tiếp, thì người của khoa Nội soi tiêu hóa đã hù dọa bệnh nhân Duy rằng, ruột của bà bị "viêm nhiều, cần uống viên nang nội soi" (giá 14 triệu đồng/viên) để kiểm tra đường ruột.

“Không mang theo số tiền nhiều như thế, nhưng nghe BS nói vậy, tôi đâm lo lắng quá, dù chẳng biết viên nang nội soi là gì, nhưng cũng bảo ông xã chạy ngay về nhà lấy 14 triệu đồng đem lên BV mua uống tại chỗ”, bà Duy kể.

Ông Thịnh, chồng của bà Duy bức xúc: “Người nội soi cho vợ tôi là BS Nguyễn Ngọc Tuấn. Khi làm xong nội soi dạ dày do BS Đức chỉ định, BS Tuấn không đưa kết quả cho chúng tôi, mà ông giữ lại, rồi bảo vợ tôi mua viên nội soi uống để kiểm tra đường ruột".

"Ông cũng không hề giải thích, tư vấn rõ ràng, không cần biết chúng tôi có đủ khả năng chi trả hay không. Đến bây giờ, sau khi vợ tôi uống viên nang 14 triệu đồng, cả hai vợ chồng đều không biết gì về viên nang đó, do nước nào sản xuất, công dụng ra sao? Lúc bối rối, nghe BS bảo uống nên mua, uống xong mới giật mình”.

Làm sai quy trình nhằm mục đích gì?

Theo vợ chồng bệnh nhân Duy, nội soi xong, BS Tuấn “hướng” bệnh nhân dùng viên nang, sau đó một kỹ thuật viên của khoa phối hợp với một người của công ty bán viên nang (có mặt sẵn ở khoa Nội soi tiêu hóa), để người này lấy sản phẩm bán. Mặc dù thu của người bệnh đến 14 triệu đồng, nhưng công ty bán sản phẩm (là Công ty TNHH Đồng Minh, đường Bạch Mã, phường 15, quận 10, TP.HCM) chỉ ghi một tờ phiếu thu nhỏ. Uống xong, bà Duy được hẹn hôm sau vào BV lấy kết quả. Sau đó, chính nhân viên bán sản phẩm gọi bà Duy vào BV gặp BS Tuấn để lấy kết quả sau khi uống viên nang.

Sau khi nghe phóng viên trình bày, những phản ánh của người bệnh, việc làm của những người ở khoa Nội soi tiêu hóa, BS Nguyễn Chí Hùng - Giám đốc BV Bình Dân, cũng tỏ ra bức xúc: “BS nội soi nếu thấy cần làm thêm gì thì phải trao đổi với BS khám ban đầu. Việc làm này là “xé rào”, vì tất cả việc thu phí bệnh nhân là phải qua tài chính BV. Không được như thế này, chúng tôi sẽ xử lý”.

BS Hùng đề nghị PV cung cấp những đơn thư, chứng từ liên quan để BV xem xét, xử lý. Nhận được phản ánh, phóng viên cùng bệnh nhân Duy vào BV để gặp BS Tuấn. Ông Tuấn đưa ra kết quả sau khi uống viên nang rất chung chung “dạ dày viêm đỏ”. Rồi chính BS Tuấn tự ý ghi sẵn toa thuốc để đưa cho bệnh nhân về uống, mà không hề bảo người bệnh quay trở lại BS khám ban đầu.

Hành động của BS Tuấn là hoàn toàn sai quy trình của BV và chức năng chuyên môn. Theo nguyên tắc, kỹ thuật viên, hay BS, kể cả là tiến sĩ làm chẩn đoán hình ảnh (như: nội soi, chụp X-quang, CT, MRI…), sau khi có kết quả phải đưa cho người bệnh (nếu bệnh nhân khám chữa bệnh ngoại trú) đem trở lại cho BS khám, ra chỉ định ban đầu để BS này có hướng điều trị, hoặc chỉ định làm thêm xét nghiệm nếu thấy cần thiết… Nếu là bệnh nhân điều trị nội trú thì kết quả đó phải đưa trở lại khoa phòng người bệnh nằm.

Nhiều BS chuyên môn, khi trao đổi với chúng tôi đều nói: kỹ thuật viên, hay BS làm chẩn đoán hình ảnh không được tự ý kết luận về bệnh tật và ra toa thuốc điều trị cho người bệnh, mà chỉ được ghi vào phiếu kết quả những gì hình ảnh cận lâm sàng ghi nhận được. Họ chỉ được đề nghị với BS khám, điều trị cần làm thêm những gì về chẩn đoán cho bệnh nhân mà thôi.

Thế nhưng, BS Tuấn đã hai lần cố tình làm sai quy trình của BV, làm sai chức năng chuyên môn để câu kết với công ty nhằm bán viên nang nội soi. Lần đầu: không trả lại kết quả nội soi lại cho BS khám, tự chỉ định cho bà Duy uống viên nang. Lần hai: BS Tuấn tự cho toa thuốc để bệnh nhân về luôn.

Việc BS Tuấn tự cho bệnh nhân uống viên nang, tự ra toa sẵn, người chuyên môn nhận định rằng, làm vậy để người bệnh khi có toa thuốc về nhà luôn, sẽ không ai biết rằng người của khoa Nội soi tiêu hóa đã tự ý cho người bệnh uống viên nang.

Vợ chồng bệnh nhân Duy đặt nghi vấn: Những người khoa Nội soi tiêu hóa hưởng bao nhiêu phần trăm khi công ty bán được viên nang nội soi 14 triệu đồng? Có bao nhiêu nạn nhân đã "bị" tư vấn uống viên nang đắt tiền này?

Viên nang nội soi là gì?

Kỹ thuật nội soi chẩn đoán bằng viên nang được đưa vào áp dụng tại Việt Nam khoảng giữa năm 2008. Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic, TP.HCM là nơi đầu tiên triển khai kỹ thuật này.

BS Phan Thanh Hải (Giám đốc Medic) cho biết: Thị trường Việt Nam hiện chỉ có một loại viên nang nội soi duy nhất, có xuất xứ từ Hàn Quốc. Nội soi bằng viên nang là kỹ thuật mới, tiến bộ, giúp người bệnh không “sợ” như nội soi dạ dày lâu nay.

Viên nang là hệ thống điện cơ siêu nhỏ (11mm x 24mm), có gắn 1 camera nhỏ phát ánh sáng, chụp 3 hình/giây. Khi uống vào sẽ ghi nhận những tổn thương của đường tiêu hóa (qua camera), hình ảnh ghi nhận sẽ được lưu vào chiếc máy nhỏ đeo bên hông.

Hành trình của viên nang đi từ miệng đến hậu môn độ 8 - 10 giờ. Công dụng của viên nang bao gồm: tìm các bệnh lý ở ruột non (nội soi cổ điển không xem được); đau bụng kéo dài không rõ nguyên nhân; phát hiện vị trí u bướu ở ống tiêu hóa; tìm chỗ chảy máu ở ống tiêu hóa.

Tuy nhiên, theo BS Hải, do viên nang nội soi còn quá đắt, nên thường chỉ áp dụng cho những trường hợp nội soi thường không giải quyết được; áp dụng cho việc cần thám sát toàn bộ đường tiêu hóa từ trên xuống dưới, chứ nếu chỉ để nội soi dạ dày thì quá phí.

BS Dương Phước Hưng (Trưởng phân khoa Hậu môn trực tràng, BV ĐH Y Dược, TP.HCM) cũng nói: “Do giá thành cao, nên việc chỉ định dùng viên nang nội soi rất hạn chế, thường chỉ áp dụng khi thấy nghi ngờ có u ở ruột non và chỉ định với người bệnh có khả năng chi trả”.

Theo Thanh Niên

Đọc thêm