Trước bổ nhiệm, thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng là Phó tổng giám đốc của Viettel.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962, tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư vô tuyến điện tại Liên Xô (cũ), thạc sĩ viễn thông ở Australia, thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế quốc dân. Ông được truyền thông bình chọn là một trong 10 nhân vật viễn thông-công nghệ tiêu biểu Việt Nam vì những đóng góp cho ngành trong một thập kỷ (giai đoạn 2000-2009).
Chia sẻ về định hướng phát triển của Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng từng cho biết doanh nghiệp muốn từ bỏ khái niệm nhà cung cấp viễn thông thành đơn vị cung cấp dịch vụ, tìm "miếng bánh" mới bên cạnh việc kinh doanh các dịch vụ thoại truyền thống. Với ông, thị trường thoại đang bị thu hẹp được xem như một cơ hội, là động lực cho Viettel trong quá trình đổi mới sáng tạo. "Viettel hôm nay bắt đầu ì ạch và chúng tôi cần một cú huých, đe dọa về doanh thu suy giảm nhanh để đổi mới, sáng tạo", ông nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, ngành viễn thông 100 năm qua đơn thuần cung cấp dịch vụ thoại và đến nay, mật độ điện thoại đã lên tới 96% nên nếu tiếp tục đầu tư như cũ, các doanh nghiệp sẽ gặp khó. Đứng trước thách thức, các đơn vị viễn thông buộc phải tìm cho mình con đường phát triển mới.
"Một số ngành sẽ biến mất nên doanh nghiệp không tìm kiếm không gian mới sẽ phải ngừng hoạt động", ông Hùng nhận định. Chia sẻ tại Hội nghị Triển khai Nhiệm vụ Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2014 – 2015 mới đây, lãnh đạo Viettel nhận định đầu tư ra ngoài trong một số trường hợp là để tìm kiếm cơ hội mới. Do đó, ông cho rằng không nên cực đoan cấm tuyệt đối việc đầu tư ngoài ngành.
Lãnh đạo Viettel đã đề nghị Chính phủ cho phép một tỷ lệ nhất định được đầu tư ngoài ngành và yêu cầu những khoản này phải hiệu quả, thông qua tỷ lệ lãi trên vốn chủ. Theo đề án tái cơ cấu tập đoàn được Chính phủ phê duyệt tháng 5/2013, Viettel đã phải thoái vốn tại công ty Cổ phần công nghệ Viettel và công ty Cổ phần Phát triển thương mại Vinaconex.
Nói về mục tiêu của tập đoàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Viettel sẽ đẩy các dịch vụ ngoài thoại, nhắn tin lên tỷ trọng gấp đôi, cơ cấu doanh thu của các dịch vụ cơ bản trong năm 2014 dự kiến đạt dưới 70%. Từ nay đến 2020, Viettel đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình năm là 15%, đến 2020 sẽ đạt doanh thu 20-25 tỷ USD và trở thành một trong 20 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, xếp trong danh sách 10 doanh nghiệp toàn cầu về đầu tư viễn thông ra nước ngoài.
Viettel bước chân vào thị trường viễn thông từ năm 2000 bằng dịch vụ điện thoại giá rẻ đường dài trong nước. Thời điểm đó, tổng tài sản tập đoàn có 34 tỷ đồng. Sau gần 15 năm phát triển, Viettel trở thành tập đoàn viễn thông lớn nhất Việt Nam (xét về doanh thu, lợi nhuận và lượng thuê bao trên mạng lưới). Tổng doanh thu 2013 Viettel đạt 163.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 26.400 tỷ đồng.