Trong cuộc họp mới đây với Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động cung cấp dịch vụ Viễn thông công ích giai đoạn 2016- 2020, đại diện VNPT cho biết, VNPT đã chính thức đưa vào khai thác hệ thống cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway) để giảm dần sự phụ thuộc vào tuyến AAG (hay bị sự cố đoạn cập bờ Vũng Tàu) và tăng cường độ ổn định cũng như chất lượng truy nhập Internet quốc tế.
APG được lên kế hoạch từ 2009, với sự tham gia của nhiều công ty viễn thông lớn trong khu vực như: Chunghwa Telecom (Đài Loan), China Telecom, China Unicom (Trung Quốc), KT Corporation (Hàn Quốc), NTT Communications (Nhật Bản), PLDT (Philippines), Telekom Malaysia (Malaysia) và VNPT (Việt Nam). Tuyến cáp có chiều dài khoảng 10.400 km đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương.
Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Thời gian xây dựng tuyến cáp bị kéo dài do nhiều vấn đề phát sinh ở khu vực biển Đông. Với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps, cao gấp 20 lần so với tuyến AAG, APG hiện là tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất tại khu vực châu Á. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, VNPT đang khai thác 3 tuyến cáp quang biển quốc tế: APG, AAG và SMW-3.
Cũng theo đại diện VNPT, ngoài APG, hiện VNPT còn đang đầu tư vào tuyến cáp AAE-1 nối các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi. Dự kiến tuyến cáp này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2017. Và dù mỗi suất đầu tư cho một tuyến cáp quang biển quốc tế lên tới cả nghìn tỷ đồng song để nâng cao chất lượng cho người dùng trong nước, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, từ nay tới năm 2020 VNPT dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư thêm 2 tuyến cáp quang biển mới nữa.
“Không chỉ nhu cầu của người dùng trong nước gia tăng, mà dung lượng truyền dẫn quốc tế là một trong những yếu tố mang tính then chốt liên quan tới quyết định và quy mô đầu tư của đối tác nước ngoài. Việc tăng cường các tuyến truyền dẫn quốc tế là điều cực kỳ quan trọng, không chỉ với riêng VNPT mà với tất cả các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam” – đại diện VNPT cho biết.
Vì vậy, VNPT cũng đề nghị Bộ TT&TT xem xét tới việc hỗ trợ phần nào đó cho các doanh nghiệp viễn thông trong việc đầu tư vào các tuyến cáp quang biển mới để nhanh chóng gia tăng dung lượng truyền dẫn quốc tế của Việt Nam.
Với việc đưa vào hoạt động tuyến APG và sắp tới là AAE-1, VNPT tiếp tục là doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng truyền dẫn mạnh nhất, hoàn chỉnh nhất, từ cáp quang biển, cáp đất liền và vệ tinh. Ngoài các tuyến cáp quang biển, hệ thống truyền dẫn quốc tế của VNPT còn có 3 tuyến cáp đất liền kết nối trực tiếp tới 3 nước láng giềng: Lào, Trung Quốc và Campuchia với tổng dung lượng lên tới gần 500 Gbps.
VNPT cũng là doanh nghiệp viễn thông duy nhất tại Việt Nam sở hữu hệ thống truyền dẫn vệ tinh. Vinasat -1 và Vinasat-2 giúp bổ sung, tăng cường kết nối tới các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận.