Vụ 30 năm đi đòi đất ở Hưng Yên: Khuất tất từ những công văn?

(PLO) - Vụ kiện đòi đất cho mượn của ông Lâm Thành Dũng (số nhà 141 đường Điện Biên 1, phường Lê Lợi, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) đối với bà Chu Thị Cúc (số nhà 139 đường Điện Biên 1, Phường Lê Lợi, TP Hưng Yên) đã kéo dài 30 năm nay. Việc chậm trễ giải quyết vụ việc không chỉ làm xói mòn lòng tin của người dân đối với chính quyền và các cơ quan chức năng mà còn làm xấu đi nhiều mối quan hệ xã hội khác.

Ông Lâm Thành Dũng.
Ông Lâm Thành Dũng.
Sự khuất tất từ những công văn
Không biết vì lý do gì, tỉnh Hưng Yên rất “tích cực” đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho bà Cúc. Cụ thể, ngày 11/11/2013 UBND TP Hưng Yên có Công văn số 1012/UBND-TNMT và đến ngày 21/7/2014 có tiếp Công văn số 662/UBND-TNMT gửi Tổng cục Quản lý đất đai (TCQLĐĐ) - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) xin ý kiến thực hiện cấp GCNQSDĐ cho trường hợp đất đang tranh chấp giữa gia đình ông Dũng và bà Cúc. Hai công văn này đều cho rằng nguồn mảnh đất đang tranh chấp là “đất của địa chủ” nhưng không đưa ra được các giấy tờ chứng minh nội dung này. Đến nay, chính quyền TP Hưng Yên và bà Cúc đều không có nổi tờ giấy “lận lưng” nhằm chứng minh đất ông Dũng đòi là của địa chủ hay chính quyền điều bà Cúc đến ở.
Không những thế, tại những công văn trên, lúc thì UBND TP Hưng Yên thừa nhận “việc sử dụng đất của bà Chu Thị Cúc thường xuyên xảy ra tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa ông Lâm Thành Dũng và bà Chu Thị Cúc; nhiều lần UBND phường Lê Lợi tổ chức hòa giải nhưng không thành”, lúc thì đề nghị TCQLĐĐ “cho ý kiến cụ thể về việc áp dụng căn cứ sử dụng ổn định, không có tranh chấp về quyền sử dụng đất”. Sự “lập lờ” trong nội dung hai công văn trên nhằm dụng ý gì? Phải chăng  UBND TP Hưng Yên muốn đề nghị TCQLĐĐ xếp mảnh đất đang tranh chấp vào diện “không có tranh chấp” hoặc đề nghị TCQLĐĐ vận dụng quy định về sử dụng ổn định ở đây?
Trong khi đó, ông Dũng vẫn còn nguyên những giấy tờ chứng minh đất bà Cúc đang ở là thuộc quyền sử dụng của mình như: “Đơn của ông Dũng ngày 21/8/1956, được Ban Chấp hành Nông hội xã Hiến Nam xác nhận “ông Lâm Thành Dũng ở xóm Đông An Vũ là người xã tôi có làm chung với tên Yến địa chủ là 2 sào 7 vượt làm nhà, nay nhận thực ông Dũng được sử dụng 3 gian nhà ở bếp phố Lê Lợi- Hưng Yên. Đề nghị địa phương giúp đỡ ông Dũng được tiện việc làm ăn”. Sau đó, Ủy ban hành chính (UBHC) xã Hiến Nam đã chứng thực (số 373/HC) là: “Nhận thực đề nghị UBHC phố Lê Lợi để anh Dũng được quyền sở hữu số tài sản hiện nói trên”
Ngày 12/7/1985, ông Dương Mạnh Tiến, nguyên Chủ tịch UBHC thị xã Hưng Yên những năm 1960 xác nhận: “Hồi tháng 3/1964, thị xã vận động chuyển nhà nới rộng đường sá, gia đình ông Dũng có thửa đất trình bày ở trên là đúng. Chính quyền vận động ông Dũng nhượng cho anh Hanh để có đất ở. Nay theo chính sách chung đất đai là của chung của xã hội, song chủ đến ở có trách nhiệm bồi cơ lại cho chủ cũ” .
Ngày 17/8/2007, Đoàn thanh tra của UBND thị xã Hưng Yên tổ chức cuộc họp giải quyết tranh chấp. Trưởng đoàn là ông Vũ Văn Hạnh, lúc đó là Phó Trưởng phòng Tư pháp báo cáo: “Theo tài liệu năm 1963 do Phòng TN&MT quản lý: diện tích đất ông Lâm Thành Dũng đang tranh chấp với bà Chu Thị Cúc ở tại thôn An Vũ, xã Hiến Nam, huyện Kim Động thì diện tích đất của ông Dũng có tên thuộc thửa số 92 tờ bản đồ số 16, có diện tích 252 m2, loại đất ao cá và thuộc thửa số 93 tờ bản đồ số 16 có diện tích 196 m2, loại đất rau mang tên Lâm Thành Dũng. Bà Chu Thị Cúc không có tên trong sổ mục kê năm 1963”. 
Hậu quả từ những công văn gửi “xin ý kiến”
Phúc đáp Công văn số 1012/UBND -TNMT và Công văn số 662/UBND-TNMT của UBND TP. Hưng Yên, TCQLĐĐ đã trả lời bằng Công văn số 408/TCQLĐĐ-CĐKTK ngày 8/4/2014 và Công văn số 1304/TCQLĐĐ CĐKĐĐ ngày 1/1/2014. Có thể nói, đây là 2 “gậy thần” để UBND tỉnh Hưng Yên “quyết liệt” chỉ đạo UBND TP Hưng Yên “đẩy nhanh” tiến độ cấp GCNQSDĐ cho bà Cúc. 
Tuy ngày 4/11/2014 Trụ sở tiếp công dân của Trung ương đã có văn bản gửi UBND tỉnh, UBND TP Hưng Yên “chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét, giải quyết, trả lời công dân theo đúng quy định của pháp luật” nhưng chỉ ba ngày sau, ông Đặng Minh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Công văn số 1976/UBND-TCD “yêu cầu UBND TP Hưng Yên tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm việc cấp GCNQSDĐ ở cho gia đình bà Cúc…”; giao Giám đốc Sở TN&MT kiểm tra, đôn đốc UBND TP Hưng Yên thực hiện việc cấp GCNQSDĐ cho gia đình bà Cúc”. 
Thực hiện chỉ đạo này, UBND TP Hưng Yên đã có ngay Công văn số 1163/UBND-TNMT ngày 2/12/2014 kiến nghị Sở TN&MT “kiểm tra, hướng dẫn bằng văn bản để UBND TP có căn cứ thông báo cho các gia đình và thực hiện cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình theo đúng quy định”. Ngày 8/12/2014, Giám đốc Sở TN&MT Lê Ngọc Sỡi có ngay Công văn số 736/STNMT-TTr đề nghị UBND TP Hưng Yên thực hiện theo Công văn 408…”.
Có thể nói, việc giải quyết tranh chấp đất đai của ông Dũng đến nay vẫn chưa có hồi kết là bởi qua nhiều thời kỳ, các cơ quan chức năng của TP Hưng Yên đã buông lỏng quản lý đất đai; UBND TP Hưng Yên ban hành các văn bản làm cho bản chất vụ việc bị “biến dạng”, không coi trọng chứng cứ. Cũng có thể là do trình độ, năng lực cán bộ, công chức của một số đơn vị chức năng còn yếu kém.
Vẫn biết rằng đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho người dân là việc làm cần thiết, đáng hoan nghênh, song không phải vì thế mà các cấp chính quyền Hưng Yên lại  có thể “làm bừa”, “làm ẩu” gây bức xúc cho công dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài hơn 3 thập kỷ qua./.

Đọc thêm