Vụ án “Chuyến bay giải cứu”: 4/54 bị cáo nhận án chung thân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cho rằng hành vi của các bị cáo mang tính chất đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây bức xúc cho nhân dân nên HĐXX đã tuyên phạt 4/54 bị cáo mức án tù chung thân.
HĐXX tuyên án.
HĐXX tuyên án.

Cuối chiều 28/7, HĐXX đã ra phán quyết cụ thể với 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”. Theo đó, HĐXX tuyên phạt các bị cáo mức án từ 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến cao nhất tù chung thân về tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo nhận định của HĐXX, trong vụ án này, nhiều bị cáo là những người có chức vụ, quyền hạn. Các bị cáo đã lợi dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước để mang lại lợi ích cho cá nhân.

“Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo mang tính chất đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, gây bức xúc cho xã hội và nhân dân”, HĐXX nhận định.

Trong vụ án này, nhiều bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng là “lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi”. Tuy nhiên, theo HĐXX trừ bị cáo Hoàng Văn Hưng và Trần Minh Tuấn, các bị cáo khác có nhiều tình tiết giảm nhẹ: đã khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, quá trình công tác có nhiều thành tích…

Căn cứ tính chất, mức độ phạm tội, tình tiết tăng nặng giảm nhẹ của các bị cáo, theo HĐXX, đối với bị cáo Phạm Trung Kiên, bị cáo nhận số tiền hối lộ 42,6 tỷ đồng, VKS đề nghị tử hình với bị cáo là hoàn toàn tương xứng, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo đã tác động gia đình khắc phục hậu quả trên 42 tỷ đồng. “Trên cơ sở chính sách nhân đạo của pháp luật, HĐXX xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt loại bỏ vĩnh viễn bị cáo khỏi đời sống xã hội”, bản án nêu.

Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại Cục Lãnh sự, theo HĐXX, các bị cáo đã nhận tiền nhiều lần, số tiền lớn, gây ảnh hưởng tới đơn vị công tác và gây bức xúc trong nhân dân nên cần tuyên phạt mức án nghiêm khắc để răn đe giáo dục và phòng ngừa chung.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan là người đứng đầu đơn vị nhưng lại để xảy ra hành vi nhận hối lộ có hệ thống. Tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, tích cực tác động tới gia đình để khắc phục hậu quả nên HĐXX xét thấy không cần phải áp dụng mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt là tử hình.

Đối với bị cáo Vũ Anh Tuấn, theo HĐXX, bị cáo có hành vi đòi hỏi, sách nhiễu doanh nghiệp. Bị cáo nhận hối lộ 49 lần, số tiền trên 27 tỷ đồng nên cần xử lý nghiêm với bị cáo.

Đối với Hoàng Văn Hưng, theo HĐXX, bị cáo là điều tra viên cao cấp, am hiểu pháp luật, cố ý lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn của bị hại. Bị cáo không thành khẩn khai báo, không ăn năn nên cần có mức án cao hơn mức đề nghị của VKS mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Đối với 1 số bị cáo là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ, các bị cáo là nạn nhân của cơ chế xin cho, văn hóa phong bì… nên có thể mở rộng khoan hồng cho các bị cáo, cho các bị cáo được cải tạo ngoài xã hội.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt 54 bị cáo mức án từ 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến mức án cao nhất tù chung thân.

Trong đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Thị Hương Lan, Vũ Anh Tuấn và Hoàng Văn Hưng cùng mức án tù chung thân.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị tuyên phạt 16 năm tù; Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) 5 năm tù; Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) 3 năm tù…/.

Đọc thêm