Vụ án cô gái đâm chết kẻ cưỡng bức mình và câu chuyện niềm tin vào pháp luật

(PLO) - Một vụ án được dư luận chú tâm theo dõi trong cả quá trình tố tụng và đặt niềm tin vào sự công minh của pháp luật. Đó là vụ cô gái đâm chết người bạn quen qua mạng khi cố tình cưỡng bức cô ngay trong lần gặp đầu tiên.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Mặc dù bị truy tố tội “Giết người” nhưng hầu như trong suốt diễn biến của vụ án này, mọi người đều đứng về phía cô gái. Báo chí đã kịp thời phản ảnh các ý kiến khác nhau của các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật hình sự và phần lớn đều cho rằng cô đã phòng vệ chính đáng.

Chính nạn nhân là người đã dùng dao khống chế cô để hiếp dâm. Cô chống cự quyết liệt. Trong lúc giằng co, con dao đâm trúng bụng nạn nhân. Cô bỏ chạy và bị nạn nhân đuổi theo nên đành đâm thêm nhát nữa vào ngực anh ta, ném dao vào bãi cỏ và bỏ về. 

Nạn nhân lên xe máy đi ra đường nhưng đâm vào hàng rào và tử vong. Sáng sớm hôm sau thì người dân phát hiện anh ta chết ven đường. Biết chuyện, cô gái ra đầu thú.

Cô bị truy tố tội “Giết người” với khung hình phạt 7-8 năm tù. Tòa chuyển tội danh sang tội Giết người trong trạng thái bị kích động mạnh, tuyên phạt mức án bằng thời gian bị cáo bị tạm giam và trả tự do ngay tại tòa.Phiên tòa khép lại với sự đồng tình ủng hộ của mọi người.

Tuy nhiên, dư luận lại nổi sóng khi VKSND TP HCM kháng nghị bản án này, giữ quan điểm đây là tội “Giết người”. Mới đây, TAND Cấp cao tại TP HCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm nhưng Viện kiểm sát cùng cấp đã rút kháng nghị. Vì vậy, bản án sơ thẩm được giữ nguyên.

Chỉ là sinh mạng pháp lý của một người, thế nhưng, sự quyết định sinh mạng đó công minh, đúng pháp luật, hợp đạo lý thì mang lại một niềm tin rất lớn vào Tòa án, nơi nhân danh công lý. Đây không chỉ là áp dụng pháp luật phù hợp mà bản án này còn đứng về phía đạo lý khi người phụ nữ quyết liệt bảo vệ nhân phẩm của mình, gây nên án mạng là hoàn toàn ngoài ý muốn của cô ta. Ngay đến người mẹ của nạn nhân, tuy con bà phải lìa đời lúc 25 tuổi nhưng vẫn đứng về phía người đã “giết” con mình khi được phát biểu trước Tòa. Đó chính là hình ảnh đạo lý, phân biệt rõ phải – trái, đúng – sai. Và, chính đạo lý mới là nơi phát sinh và nuôi dưỡng mầm thiện ở mỗi con người, pháp luật cần gìn giữ và bảo vệ điều đó.

Xử đúng, dù án to hay nhỏ, dù nhân vật cộm cán hay là phụ nữ yếu đuối thì bao giờ cũng được dư luận ủng hộ, hoan nghênh. Và đó là cơ sở của niềm tin người dân vào pháp luật.

Đọc thêm