Theo cáo trạng số 05/VKSTC- V5 của VKSND Tối cao ngày 21/3/2016 truy tố 24 bị can liên quan đến vụ án. Nhóm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có 16 người gồm nguyên Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và các thuộc cấp tại 7 doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau gồm: Xí nghiệp Kinh doanh chế biến thủy sản và xuất khẩu Ngọc Sinh, Công ty TNHH chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Việt Hải, Công ty TNHH chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Minh Châu, Công ty TNHH Ngọc Châu, Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Nam Thành, Công ty CP thực phẩm Đại Dương, Công ty TNHH Nhật Đức.
8 bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo VDB Minh Hải đã bị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gồm: Nguyên Giám đốc Trịnh Tuấn Mẫn, nguyên Phó giám đốc Vũ Văn Hoan và các cán bộ cấp phòng là Phan Thanh Bình, Huỳnh Quang Xuân, Phan Văn Toàn, Phan Thanh Hải, Trần Kỳ Oanh và Hà Tùng.
Theo cơ quan chức năng, từ năm 2009 - 2011, lợi dụng chủ trương hỗ trợ xuất khẩu, kích thích tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội của Chính phủ và sự lỏng lẻo trong công tác xét duyệt cho vay, giải ngân, kiểm tra sau giải ngân của cán bộ VDB Minh Hải, giám đốc 7 doanh nghiệp thủy sản đã có hành vi gian dối lập hồ sơ vay vốn tín dụng xuất khẩu sai sự thật để vay tiền của VDB Minh Hải, sử dụng vốn vay trái mục đích dẫn đến không còn khả năng thanh toán và chiếm đoạt tiền của Nhà nước dẫn đến VDB Minh Hải thiệt hại hơn một ngàn tỷ đồng.
Tại Cáo trạng số 15/VKSTC-V5 ngày 10/11/2016 thay thế cáo trạng số 05/VKSTC-V5 ngày 21/3/2016, VKSND Tối cao đề nghị truy tố nhóm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có 16 người gồm nguyên Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và các thuộc cấp tại 7 doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139 BLHS.
Hành vi của lãnh đạo và cán bộ VDB Minh Hải đã gây hậu quả thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền gốc hơn 713 tỷ đồng và tiền lãi hơn 355 tỷ đồng. 8 bị cáo này bị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng được quy định tại khoản 3, Điều 179 BLHS.
Nguyên nhân
Cơ quan chức năng xác định trong quá trình cho vay, lãnh đạo và cán bộ VDB Minh Hải đã buông lỏng quản lý, thực hiện không đúng và đầy đủ các quy trình, quy định trong hoạt động cho vay tín dụng xuất khẩu, không thực hiện đúng yêu cầu chỉ đạo nghiệp vụ của VDB khi tiếp tục cho vay đối với các doanh nghiệp đã phát sinh nợ quá hạn.
Lãnh đạo và cán bộ VDB Minh Hải đã vi phạm quy định về thẩm định hồ sơ vay, không kiểm tra, đối chiếu nên không phát hiện việc doanh nghiệp lập các báo cáo tài chính sai sự thật, thực tế các doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ nhưng lại báo cáo lãi, từ đó quyết định cho các doanh nghiệp vay vốn không có tài sản đảm bảo, dẫn đến hậu quả khi các doanh nghiệp không trả được nợ, ngân hàng không có tài sản để phát mại thu hồi nợ. Doanh nghiệp không mua bảo hiểm tài sản trong suốt thời hạn vay vốn...
Về nguyên nhân khách quan, trong giai đoạn 2008 - 2010 do tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại Cà Mau đã bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi lãi suất vay vốn tại các ngân hàng thương mại giai đoạn này rất cao (14% - 18%) dẫn đến kinh doanh thua lỗ, không trả được nợ vay. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi cách để khai khống, sử dụng vốn vay sai mục đích, vay bằng mọi giá để “đảo nợ”...
Quan điểm VDB
Trao đổi với chúng tôi, Lãnh đạo VDB cho biết: Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, theo nguyên tắc "sai đến đâu, xử đến đấy, tự chịu trách nhiệm", tập thể Đảng ủy, lãnh đạo VDB đã chỉ đạo và yêu cầu tập thể, cá nhân có liên quan kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về việc cá nhân đã thực hiện, không bao che, lẩn tránh trách nhiệm.
VDB đã xác định rõ: Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, cũng như năng lực cán bộ, trình độ quản lý còn yếu kém, các lãnh đạo, cán bộ VDB Minh Hải trong phạm vi, chức năng thẩm quyền đã thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ các quy trình, quy định bắt buộc của Nhà nước, của VDB và chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ để các doanh nghiệp lợi dụng chiếm đoạt vốn, sử dụng vốn sai mục đích, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước, của VDB.
Sau khi phát hiện sự việc, VDB đã yêu cầu Chi nhánh VDB Minh Hải chấn chỉnh, kiểm điểm và thu hồi nợ trước hạn, áp dụng mức lãi suất thỏa thuận với doanh nghiệp; tổ chức thực hiện giám sát đặc biệt đối với doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích, khó thu nợ; áp dụng cơ chế cho vay đặc thù nhằm mục đích tăng an toàn an tín dụng...
VDB đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý nghiêm minh, đúng trình tự pháp luật các cá nhân và các doanh nghiệp có liên quan, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước. VDB luôn hỗ trợ pháp lý đối với cá nhân liên quan và đề nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện, xem xét tình tiết giảm nhẹ cho các cá nhân đã nỗ lực giảm thiểu thiệt hại tài sản Nhà nước khi quyết định hình phạt.
Đối với toàn hệ thống, VDB đã ban hành các văn bản chỉ đạo để thực hiện chặt chẽ hơn nghiệp vụ tín dụng xuất khẩu như: quy định về tăng tỷ lệ tài sản bảo đảm tiền vay, tính lại hạn mức tín dụng đối với từng khách hàng vay vốn, giải ngân vốn vay phải chuyển trực tiếp cho doanh nghiệp thụ hưởng... Từ đó đến nay, những “lỗ hổng” từ vụ việc VDB Minh Hải đã được xử lý, khắc phục, không còn vụ việc tương tự xảy ra..
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, VDB đã làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau để chấn chỉnh, hỗ trợ hoạt động của Chi nhánh, khắc phục các tồn tại, xử lý các khoản vay và thu hồi nợ vay. Đồng thời, VDB chủ động phối hợp với các NHTM trên địa bàn, cơ quan an ninh tạo điều kiện thực hiện các giải pháp tín dụng để các doanh nghiệp tái cơ cấu, chuyển đổi, thay đổi cổ đông nhằm tăng năng lực sản xuất, giúp các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tránh lãnh phí vốn đầu tư xã hội, tạo nguồn thu hồi vốn cho Nhà nước.
VDB đã kịp thời tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, mức độ sai phạm, khuyết điểm những cá nhân có liên quan, như: thôi chức, đình chỉ công tác, dừng điều hành công việc quản lý...
Về trách nhiệm của Hội sở chính và ban lãnh đạo VDB: từ năm 2010 đến nay, VDB đã nhiều lần có các báo cáo giải trình gửi Cục An ninh kinh tế - tiền tệ đề nghị hỗ trợ, bảo vệ tài sản Nhà nước. VDB cũng đã có nhiều báo cáo giải trình gửi Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm – Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an để làm rõ các vấn đề xung quanh việc cho vay vốn, cơ chế quản lý, xử lý rủi ro...
Theo đó, hoạt động của VDB có nhiều nội dung đặc thù như: Đối tượng cho vay theo Chính phủ quy định thường rơi vào các chương trình, dự án ở vùng khó khăn, hiệu quả kinh tế không cao, thời hạn vay dài, chậm thu hồi vốn, độ rủi ro cao nhưng có ý nghĩa hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội. Tài sản thế chấp của người vay vốn được ưu đãi ở mức thấp, chủ yếu là tài sản hình thành từ vốn vay. Khi xảy ra rủi ro, VDB thu hồi tài sản thế chấp để bán thì khó thu hồi đủ số tiền đã cho vay ra.
Mặt khác, chính sách lãi suất cho vay được ưu đãi thấp hơn lãi suất thị trường đã dẫn đến tình trạng khách hàng chiếm dụng vốn vay của VDB, dành các nguồn thu để ưu tiên trả nợ ngân hàng thương mại có lãi vay cao hơn...
Thực tế VDB cũng không ban hành quy chế riêng nào cho VDB Minh Hải. VDB cũng đã có quy định về cơ chế phân cấp, ủy quyền và giám sát, kiểm tra trong quản lý cho vay theo đúng các quy định của pháp luật, thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống.
Liên quan tới sự việc, trong Thông báo số 365/TB-VPCP ngày 9/9/2014 đã nêu ý kiến của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Chính phủ (nay là Thủ tướng Chính phủ) tại buổi làm việc với VDB, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ và các bộ ngành liên quan để nghe báo cáo kết quả khắc phục sau thanh tra tại VDB như sau: “Ngân hàng VDB là công cụ tài chính của Chính phủ trong thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, đã góp phần tích cực hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh... Tuy nhiên, hoạt động của VDB có tính chất đặc thù nhưng chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu, cơ chế phân loại nợ, xử lý rủi ro còn nhiều bất cập, chưa được điều chỉnh phù hợp... Do đó, việc xử lý các khoản nợ của VDB phải có thời gian và cần được xem xét, đánh giá đúng bản chất các quan hệ dân sự, kinh tế”.
Trong một báo cáo gửi cơ quan chức năng, Tổng giám đốc VDB Trần Bá Huấn cũng khẳng định: Đối với VDB, đây là bài học lớn và đang nỗ lực khắc phục hậu quả.