Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng đã được kiện toàn, tham mưu, giúp Lãnh đạo Tổng cục triển khai, kiểm tra, giám sát và chỉ đạo thực hiện các nội dung trong kế hoạch đã được ban hành trước đó.
Ở địa phương, các Cục THADS đã thành lập, kiện toàn Tổ chỉ đạo xử lý nợ xấu do lãnh đạo Cục làm tổ trưởng. Nhiều địa phương đã có sự phối hợp tích cực, chủ động, hiệu quả hơn với Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng để kịp thời tổ chức thi hành án và giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án (như Cục THADS Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An…).
Năm 2016, các cơ quan THADS đã thi hành xong 3.348 việc liên quan đến tín dụng ngân hàng, thu được số tiền gần 19.655 tỷ đồng. So với năm 2015, tỷ lệ thi hành về tiền tăng vượt bậc. Trong kết quả này, có đóng góp của các Tổ xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, theo Tổng cục THADS, hiệu quả của các Tổ xử lý nợ xấu tại các địa phương chưa cao, nhiều nơi mang tính hình thức, chưa phát huy vai trò của tổ, không chủ động báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc về Tổng cục.
Nhằm tham mưu, giúp Lãnh đạo Tổng cục triển khai, kiểm tra, giám sát và chỉ đạo thực hiện các nội dung trong Kế hoạch công tác năm 2017 của Tổ công tác chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng, mới đây Tổng cục THADS đã có quyết định kiện toàn Tổ công tác nói trên.
Tổng cục THADS yêu cầu các Cục THADS báo cáo thống kê số liệu và báo cáo đánh giá kết quả THADS có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Rà soát, tổng hợp danh sách các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng; tập trung vào các tổ chức tín dụng, ngân hàng có số việc, số tiền chưa thi hành lớn như Agribank, Viettinbank, Vietcombank, BIDV, Công ty Quản lý tài sản (VAMC), SHB, DAB... Tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Tổng cục kết quả công tác thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng; trong đó nêu rõ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, giải pháp và đề xuất xử lý.
Về công tác phối hợp, chỉ đạo, Tổng cục yêu cầu Tổ công tác phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Pháp chế, Thanh tra giám sát Ngân hàng) để tiếp tục triển khai việc thực hiện kế hoạch, thực hiện Quy chế phối hợp số 01 trong cả nước, thống nhất chung trong toàn hệ thống ngân hàng và các cơ quan THADS trong việc phối hợp giải quyết việc THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Tổ chức làm việc, phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng có số lượng việc, giá trị phải thi hành án lớn; tham mưu Lãnh đạo Tổng cục kịp thời chỉ đạo giải quyết các vụ việc có điều kiện thi hành và các vụ việc khó khăn, phức tạp, kéo dài.
Đặc biệt, phối hợp tìm giải pháp giải quyết án tồn đọng (như: đề nghị tổ chức tín dụng nhận tài sản để thi hành án nếu tài sản không bán được, phải giảm giá nhiều lần; có những biện pháp linh hoạt, phù hợp với quy định như có cơ chế miễn, giảm lãi suất cho người phải thi hành án)... nhằm tạo điều kiện cho việc thi hành án dứt điểm. Phối hợp xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu khi có đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục: các cơ quan hữu quan để giải quyết kịp thời các văn bản xin ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ THADS đối với các vụ việc thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.
Đối với các Cục THADS địa phương, tăng cường trách nhiệm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Chi cục. Đối với những vụ việc có giá trị thi hành lớn, phức tạp, tài sản thi hành án ở nhiều địa bàn thì Cục phải rút lên để tổ chức thi hành.
Lãnh đạo Cục tập trung chỉ đạo tại một số địa bàn, một số vụ việc trọng điểm để từ đó có kinh nghiệm nhân rộng trên địa bàn. Đồng thời, khi các tổ chức tín dụng có yêu cầu thi hành án, cơ quan THADS khẩn trương thụ lý, xác minh điều kiện thi hành án, tập trung tổ chức thi hành dứt điểm những vụ việc có điều kiện thi hành, nhất là những vụ án lớn và giá trị phải thi hành cao.