Vụ án Phạm Công Danh: Lo ngại về các rủi ro khó có thể dự đoán

(PLO) - Sau khi Tòa sơ thẩm ra phán quyết trong vụ án Phạm Công Danh, ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích đã có đơn kháng cáo và kiến nghị gửi đến các cấp đề nghị xem xét. Các cá nhân này cho rằng VNCB có lỗi, có nhiều sai phạm khi để Phạm Công Danh rút tiền nhưng không phải chịu trách nhiệm; thiệt hại đã bị đẩy cho người ngay tình, không có lỗi gánh chịu.
Vụ án Phạm Công Danh: Lo ngại về các rủi ro khó có thể dự đoán

Một trong các mục tiêu của việc xử lý các vụ án tham nhũng, chiếm đoạt, gây thất thoát là thu hồi tiền chiếm đoạt, khắc phục thất thoát. Trong vụ Phạm Công Danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn rút ra từ VNCB và vay của 3 Ngân hàng khác hơn 18.000 tỷ đồng sử dụng cho mục đích cá nhân, đã có ý kiến cho rằng hành vi của Phạm Công Danh là “chiếm đoạt tài sản” chứ không phải cố ý làm trái hoặc vi phạm quy định về cho vay “gây thiệt hại” cho VNCB.  

Làm sao để thu hồi?

Theo một luật gia, chiếm đoạt tài sản là biến tài sản của người khác thành tài sản của mình bằng những hành vi trái pháp luật. Gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật làm mất tài sản, giảm giá trị tài sản của người khác nhưng không có tính chất chiếm đoạt. Tùy từng hành vi và các yếu tố khác mà tội danh được xác định tương ứng theo quy định pháp luật, nhưng nhóm tội chiếm đoạt và gây thiệt hại là hai nhóm tội khác biệt. Ngoài trách nhiệm của chính người phạm tội bằng tài sản của mình, do sự khác biệt về tính chất giữa hai nhóm tội này nên việc thu hồi tiền khắc phục hậu quả từng nhóm tội cũng khác nhau.

Với hành vi chiếm đoạt, luật quy định việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, tiền chiếm đoạt dùng mua nhà sẽ thu hồi nhà, tiền chiếm đoạt mua xe sẽ thu hồi xe, tài sản tẩu tán nhờ người khác đứng tên cũng bị thu hồi…

Với hành vi gây thiệt hại, chỉ có thể khắc phục thiệt hại bằng tài sản của chính người phạm tội, việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có không đặt ra vì không có hành vi chiếm đoạt, tài sản được xác định thiệt hại đã bị mất hoặc giảm giá trị do hành vi phạm tội. Cũng không thể truy thu số tiền từ các giao dịch mà người phạm tội đã thực hiện nếu các giao dịch này hợp pháp.

Một người không thể bị tước bỏ quyền sở hữu tài sản của mình nếu không có những căn cứ pháp lý xác định người đó vi phạm pháp luật, phải chịu trách nhiệm về tài sản. Ví dụ tiền bị chiếm đoạt, tiền trong các vụ án “gây thiệt hại” có thể được dùng để ăn phở, nhậu nhẹt, du lịch, mua tài sản, trả nợ vay… Người bán phở nhận tiền phở từ người phạm tội thì phải trả tiền bánh phở, trả tiền điện, trả tiền nhà, tiền công nhân viên, tiền thuế… Giao dịch mua bán phở là giao dịch hợp pháp, không thể thu hồi tiền từ người bán phở để khắc phục hậu quả của kẻ phạm tội là người ăn phở. Nếu thu hồi tiền từ người bán phở thì người bán phở sẽ bị mất tài sản mặc dù không có không có vi phạm, không có lỗi. Người bán phở vô tình phải chịu thiệt hại.

Trong các vụ án vi phạm quy định về cho vay, khi ngân hàng cho vay trái pháp luật, bị thiệt hại do không thu hồi được tiền vay, khách hàng đã sử dụng tiền vay để đóng thuế, trả lương, mua sắm tài sản cố định, trả nợ… thì không thể thu hồi tiền thuế đã đóng, tiền lương đã trả cho người lao động, tiền mua tài sản cố định đã trả cho người bán, tiền nợ đã trả cho chủ nợ…

Tiền vay thiệt hại trong trường hợp này chỉ có thể thu hồi từ tài sản bảo đảm cho khoản vay, tài sản khác của người vay và từ việc bồi thường của những người phạm tội. Nói cách khác, chỉ thu hồi tiền, khắc phục tối đa thiệt hại từ tài sản bị chiếm đoạt, từ tài sản của người phạm tội, tránh tẩu tán tài sản chứ khó có thể khắc phục hậu quả từ các giao dịch hợp pháp.

Và vụ án Phạm Công Danh

Trong các ví dụ đã nêu trên, Bộ luật Dân sự có quy định bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 trong các giao dịch hợp pháp (ngay tình), theo đó các giao dịch này vẫn được thừa nhận, bên thứ 3 không phải trả lại các tài sản đã nhận nếu giao dịch là hợp pháp. Quy định này nhằm bảo vệ sự ổn định của các giao dịch dân sự, của môi trường kinh doanh. Nếu không có các quy định này, bất cứ lúc nào người bán phở cũng có thể phải nộp lại tiền bán phở do có nguồn gốc bị chiếm đoạt, người bán nhà sau khi sang tên nhà cũng phải nộp lại tiền do có nguồn gốc tội phạm…

Nếu không có các quy định này, các ngân hàng thu nợ vay, trả lại tài sản thế chấp cho khách hàng vẫn có thể bị thu hồi số tiền đã thu nợ do tiền có nguồn gốc tội phạm. Cá nhân A trả tiền cho cá nhân B, B trả tiền cho C, C dùng tiền trả cho D… , nếu xác định tiền có nguồn gốc tội phạm mà thu hồi, không tính đến yếu tố ngay tình thì các giao dịch sẽ rối loạn.

Quy định bảo vệ các giao dịch hợp pháp, ngay tình cũng bảo đảm cho các doanh nghiệp, cá nhân có thể kiểm soát, dự đoán được các rủi ro pháp lý, có thể yên tâm trong các giao dịch dân sự, kinh doanh hợp pháp. Nếu không bảo vệ các giao dịch hợp pháp, nếu có thể thu hồi tài sản có nguồn gốc tội phạm mà không tính đến các giao dịch hợp pháp thì rủi ro có thể xảy ra với bất cứ ai, không thể dự đoán.

Các doanh nghiệp, cá nhân không có cách nào để thẩm tra, xác định tiền, tài sản mà đối tác của mình dùng để thực hiện giao dịch có nguồn gốc tội phạm hay không. Người bán phở không thể bắt khách hàng chứng minh tiền của mình là “sạch”, ngân hàng không thể bắt khách hàng chứng minh tiền trả nợ là không có nguồn gốc tội phạm…

Trong vụ án Phạm Công Danh, bản án sơ thẩm đã quyết định thu hồi hơn 5.800 tỷ đồng từ ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích để trả cho VNCB với lý do số tiền này có nguồn gốc từ hành vi cố ý làm trái, vi phạm các quy định về cho vay của Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB. Toàn bộ số tiền được trả cho các cá nhân đều xuất phát từ các giao dịch ngay tình, hợp pháp trước đó. Không chỉ thu hồi tiền từ những giao dịch ngay tình, Bản án sơ thẩm còn khôi phục một loạt các khoản vay đã được nhiều cá nhân trả nợ, thanh lý với VNCB, do nguồn tiền trả nợ xuất phát từ hành vi phạm tội của Phạm Công Danh.

Theo hồ sơ vụ án, Phạm Công Danh đã rút ra hơn 18.000 tỷ đồng từ VNCB, toàn bộ số tiền này Danh sử dụng mua cổ phần cho mình, trả nợ, chi tiêu… trong đó không xác định được địa chỉ đến 4.500 tỷ đồng. Trong số tiền xác định được địa chỉ thì có nhiều khoản cùng tính chất, cùng hành vi, cùng vụ án lại không bị thu hồi như khoản 2.600 tỷ Phạm Công Danh rút từ VNCB trả cho một ngân hàng khác…

Đây là vấn đề được các bên tranh luận rất căng thẳng trong phiên tòa sơ thẩm. Sau khi Tòa ra phán quyết, ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích đã có đơn kháng cáo và kiến nghị gửi đến các cấp đề nghị xem xét. Các cá nhân này cho rằng VNCB có lỗi, có nhiều sai phạm khi để Phạm Công Danh rút tiền nhưng không phải chịu trách nhiệm; thiệt hại đã bị đẩy cho người ngay tình, không có lỗi phải gánh chịu.

Đọc thêm