Chuyên gia pháp lý Đinh Văn Quế: Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm vụ án Phạm Công Danh?

(PLO) - Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, tác giả hàng loạt bộ sách, giáo trình về pháp luật hình sự, vừa có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền về vụ án Phạm Công Danh, cho rằng vụ án “có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”. 
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên xét xử
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên xét xử

Theo ông Quế, cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát (VKS) và Tòa án cấp sơ thẩm xác định hành vi của Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN – VNCB) và đồng phạm là “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” là chưa chính xác, chưa phản ánh đúng bản chất hành vi của các bị cáo, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Trong số hơn 18.000 tỷ đồng Danh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn rút ra từ VNCB và lập các hồ sơ khống để vay của 3 ngân hàng (NH) khác, theo Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm thì Danh dùng hơn 10.000 tỷ đồng mua cổ phần cho nhóm của mình và trả nợ cá nhân hoặc trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh. Số tiền còn lại CQĐT, VKS và Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác định được Danh đã chi tiêu vào việc gì.

“Cơ quan tố tụng cũng đã chứng minh Danh không hề dùng tiền lấy được để “cứu” VNCB, cho dù Danh có “cứu” VNCB thì cũng chỉ là vì mục đích cá nhân của Danh. Thực tế Danh không hề bỏ ra một đồng nào để sở hữu và kiểm soát gần như toàn bộ VNCB. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì hành vi của Danh có đủ dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Nếu hành vi này xảy ra tại NH của Nhà nước hoặc theo quy định  của Bộ Luật Hình sự 2015 thì đó là hành vi phạm tội “tham ô tài sản”. Tuy nhiên, Bộ Luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực thi hành nên Danh không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tham ô tài sản”. Nhưng không vì thế mà cho rằng hành vi  của Danh chỉ là hành vi phạm tội “Cố ý làm trái…” hay “Vi phạm các quy định về cho vay…”. Theo hồ sơ vụ án, kết quả xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm thì hành vi của Danh có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có tình tiết tăng nặng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, ý kiến ông Quế. 

“Do xác định không đúng tội danh của Danh nên Tòa sơ thẩm đã xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của VNCB, không xác minh tới cùng Danh đem tiền chiếm đoạt đi đâu, cũng như quyết định xử lý vật chứng vụ án không đúng nhằm thu hồi tài sản cho VNCB…”, vẫn ý kiến chuyên gia pháp luật trên. 

CQĐT đã xác định Phạm Công Trung, em trai Phạm Công Danh là người giúp sức đắc lực cho Danh trong việc lập hồ sơ khống tại 4 chi nhánh của BIDV để vay với số tiền 4.700 tỷ đồng. Ngoài ra, Danh chỉ đạo Trung lấy số liệu dự án xây dựng của 30 dự án đem về cho một số người lập hồ sơ, hợp đồng mua bán khống giữa 12 công ty và 29 công ty bên ngoài nhằm chứng minh đầu ra của phương án kinh doanh trong hồ sơ vay vốn BIDV.

Theo CQĐT, nhiều giám đốc các công ty ký các hợp đồng khống khai việc ký hợp đồng khống là do Trung liên hệ, thỏa thuận với họ. Việc lập hồ sơ khống để vay tiền tại VNCB, Sacombank, Tienphongbank, và rút tiền từ VNCB cũng do Trung là người trực tiếp nhờ họ đứng tên làm giám đốc và lấy thông tin của họ, đưa họ đi ký thủ tục để thành lập doanh nghiệp.

Theo ông Quế: “Trong việc giúp sức anh trai mình, Trung được hưởng lợi tiền rút ra từ NH, trực tiếp dùng tiền này mua và sở hữu cổ phần trong VNCB. Cơ quan cảnh sát điều tra đã có lệnh khởi tố và bắt giam Trung và đề nghị VKSND Tối cao phê chuẩn, nhưng không hiểu sao VKS lại không phê chuẩn. Do bỏ lọt hành vi của Trung nên Tòa sơ thẩm đã quyết định trả lại 44 quyền sử dụng đất cho Công ty Việt Trung do Trung đứng tên mà CQĐT kê biên trước đó. Đây cũng là vấn đề dẫn đến cách nhìn nhận sai bản chất vụ án.

Theo Kết luận điều tra, trong số 18.000 tỷ đồng rút ra từ các NH, hơn 9.000 tỷ đồng chưa thu hồi được, thì có hơn 4.000 tỷ đồng không xác định được Danh chi tiêu vào việc gì, hàng ngàn tỷ đồng khác trả nợ cho cá nhân Danh và Tập đoàn Thiên Thanh cũng không được làm rõ tiền đi đâu. Cáo trạng của VKSND Tối cao, Bản án sơ thẩm của Tòa án cũng không làm rõ các nội dung này. Việc không xác minh, thu hồi tiền chiếm đoạt là không phù hợp pháp luật. Trong khi không xác minh, thu hồi tiền, Tòa án lại trả lại nhiều tài sản đã bị kê biên cho Công ty Việt Trung. Bên cạnh đó, việc Tòa sơ thẩm không buộc 35 bị cáo đồng phạm với Phạm Công Danh liên đới bồi thường là không phù hợp pháp luật”.