Thế nhưng thật tréo ngoe, sau khi thụ lý vụ án, “ngâm” hồ sơ gần ba năm, TAND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) lại ra quyết định đình chỉ giải quyết vì lý do “giữa người yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự và cơ quan có trách nhiệm bồi thường chưa thực hiện thủ tục thương lượng theo quy định”.
Oan án truyền đời
Nhiều năm nay, ông Huỳnh Chiếm Hoạnh (SN 1965, ngụ thôn 3, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) thay cha (là ông Phái) đi đòi lại công lý, danh dự cho gia đình.
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ông Phái được giữ chức Đội trưởng đội sản xuất của hợp tác xã Ninh Giang. Đêm 18/10/1981, ông tổ chức cuộc họp tại nhà để bàn bạc về một số vấn đề trong sản xuất.
Biết tin, ông Phạm Ngựu, nguyên là chủ tịch UBND xã Ninh Giang cũng đến tham dự. Tan cuộc họp, vị chủ tịch xã đạp xe về được nửa đường thì bị kẻ gian mai phục, bắn chết tại chỗ.
Ngay sau đó, công an tỉnh Phú Khánh (cũ) đã vào cuộc, triệu tập các nghi can, lấy lời khai, thu thập chứng cứ để điều tra vụ án. Ngày 18/12/1981, công an tỉnh này nghi ngờ ông Phái chính là kẻ chủ mưu, tổ chức giết vị chủ tịch xã nên ra lệnh khám xét nhà và bắt giam.
Đến ngày 2/2/1983, VKSND tỉnh ra lệnh tạm tha số 22/KSĐT cho ông Phái với lý do: “Xét thấy bị can tuổi già, sức khỏe sút kém nên không cần thiết phải giam giữ tiếp”. Ngày 10/2 năm đó, ông được trở về với gia đình.
Trong quá trình điều tra, do không đủ chứng cứ buộc tội ông Phái nên ngày 25/9/1984, VKSND tỉnh ra Quyết định đình chỉ điều tra số 337/KSĐT với ông Phái. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, gia đình ông Phái không nhận được quyết định này.
Bởi vậy, bản thân ông phải mang thân phận bị can suốt mấy chục năm trời, bị hàng xóm khinh rẻ, xa lánh. Các con của ông, người đang làm giáo viên, người đang là cán bộ thuế của huyện cũng bị cơ quan buộc thôi việc vì có cha là nghi phạm giết người.
Hơn thế, trước lúc bị bắt, ông Phái là một người khỏe mạnh, nguyên là đội trưởng đội sản xuất của HTX tại địa phương. Thế nhưng khi được trả tự do, ông đã trở thành một phế nhân, mắt mù, tai điếc, chân tay bị tê liệt, không thể đi lại được.
Ông Hoạnh kể về cha: “Lúc cha tôi được thả, mọi người phải dùng võng khiêng về. Tới nơi, miệng cha chỉ ngáp ngáp chứ không nói thành lời, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ người khác. Suốt nhiều năm liền, mọi chuyện vẫn chìm trong im lặng.
Cha tôi chỉ có lệnh tạm tha chứ không có quyết định đình chỉ điều tra. Bởi vậy, hai anh của tôi bị cơ quan đuổi việc, ước mơ vào giảng đường đại học của tôi cũng dở dang”.
Tới ngày 1/10/2009, ông Phái nhờ các con làm đơn kêu oan, đòi bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần vì việc bị bắt giam oan sai. Ngày 10/12/2009, VKSND tỉnh Khánh Hòa mời ông Phái vào làm việc. Lúc này ông mới chính thức nhận được quyết định tạm tha số 337/KSĐT của VKSND tỉnh. Tuy nhiên, quyết định đó lại là bản sao, khi hỏi về bản gốc, cán bộ trả lời “đã thất lạc”.
Ngày 24/12/2009, VKSND tỉnh tổ chức buổi làm việc, giải quyết đơn khiếu nại của ông Phái tại trụ sở UBND xã Ninh Giang. Tại buổi làm việc, VKSND tỉnh thông báo đến chính quyền sở tại về việc ông Phái đã có Quyết định đình chỉ điều tra số 337 do VKSND tỉnh Phú Khánh cấp ngày 25/9/1984.
Đồng thời, VKSND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương tạo điều kiện khôi phục quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho ông Phái.
Như vậy, dù VKSND tỉnh đã ra Quyết định đình chỉ điều tra sau 1 năm, 7 tháng kể từ ngày ông Phái được thả; nhưng mãi tới 26 năm sau, ông Phái mới chính thức nhận được bản sao quyết định này. “Vì nhận quyết định muộn, cha tôi cũng như cả nhà phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội”, ông Hoạnh kể.
Quyết định của TAND thị xã Ninh Hòa |
Tòa cố tình làm khó người dân?
Sau khi ra tù, ngoài việc không tự đi lại được, đầu óc ông Phái cũng không còn bình thường. “Cha tôi mê nhiều hơn tỉnh. Thế nhưng lúc nào cha cũng kêu oan. Gia đình tôi phải bán dần ruộng đất, nhiều lần chạy chữa, mong cha khỏi bệnh nhưng không được”, người con trai cho biết.
Do gặp nhiều bế tắc trong cuộc sống, lại không được minh oan rõ ràng nên có mấy lần ông Phái đã tìm thuốc sâu để uống, kiếm dây dù buộc võng đòi thắt cổ tự sát. Cũng may, những lần đó, người nhà đều phát hiện và can ngăn kịp thời.
Ngày 28/12/2009, thấy sức khỏe mình suy yếu trầm trọng, ông Phái làm giấy ủy quyền cho con, nhờ giúp mình đi đòi công lý. Tính từ cuối năm 2009 đến nay, ông Hoạnh đã làm hơn 150 lá đơn gửi tới rất nhiều cơ quan chức năng yêu cầu “Bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự” theo quy định tại Nghị quyết số 388/NQ-UBTVQH-11.
Ngày 28/02/2011 và ngày 20/10/2011, VKSND Tối cao (Vụ 1) đã có công văn số 401/VKSTC-V1 và công văn số 205/VKSTC-V1 yêu cầu VKSND tỉnh Khánh Hòa xem xét tiến hành các thủ tục để bồi thường cho ông Phái theo quy định.
Thế nhưng đến nay mọi chuyện vẫn giẫm chân tại chỗ. Trong khi người con đang ngược xuôi đòi lại công lý cho cha thì sáng sớm ngày 22/3/2015, ông Phái đã qua đời.
Ông Hoạnh cho biết: “Cha tôi bị oan, không những gia đình mà cả dòng họ phải mang họa. Hậu quả của việc đó khiến tôi không thể học lên cao, hai người anh không được làm việc trong cơ quan nhà nước. Cha tôi từ người khỏe mạnh trở thành phế nhân…”.
Ngày 6/1/2014, TAND thị xã Ninh Hòa đã thụ lý đơn yêu cầu “Bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự” của ông Hoạnh. Tuy nhiên, hơn 2 năm sau, tức ngày 1/8/2016, tòa này lại ra quyết định số 57/QĐ-DSST để đình chỉ giải quyết vụ việc nói trên.
Lý do tòa đưa ra là “Căn cứ vào các Điều từ 17-20 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định, thủ tục thương lượng việc bồi thường là thủ tục tiền tố tụng, bắt buộc trước khi khởi kiện… Qua hồ sơ vụ án thể hiện, giữa người yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự và cơ quan có trách nhiệm bồi thường chưa thực hiện thủ tục thương lượng theo quy định”.
Ngay sau khi nhận được quyết định này, ông Hoạnh tìm đến XLPL bức xúc cho biết: “TAND thị xã Ninh Hòa đã “ngâm” hồ sơ hơn hai năm. Rõ ràng trong suốt thời gian đó, với nghiệp vụ và chuyên môn của mình, cơ quan tố tụng thừa biết tôi thiếu sót những gì để yêu cầu bổ sung.
Thế nhưng họ không hề thông báo cho tôi, rồi đùng một cái ra quyết định đình chỉ. Tòa làm như thế này chẳng khác nào đánh đố người dân”.
Cũng theo ông Hoạnh, cơ quan mà ông kiện là VKSND tỉnh Khánh Hòa. Trong quá trình làm việc, cơ quan này nhận sai nhưng chưa xin lỗi công khai, không hề đề cập đến chuyện thương lượng bồi thường:
“Nếu họ chấp nhận bồi thường, thỏa thuận được mức bồi thường thì tôi đã không kiện. Thật sự tôi đã rất mệt mỏi khi phải ngược xuôi nhiều năm qua. Tuy nhiên, vì danh dự của gia đình mình, tôi sẽ cố gắng theo đuổi đến cùng”.
Bình luận về trường hợp trên, một luật sư cho biết, theo quy định tại Điều 3, mục 1 Nghị quyết 388, việc giải quyết bồi thường thiệt hại trong các trường hợp bị oan sai phải tuân theo các nguyên tắc:
Kịp thời, công khai và đúng pháp luật. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại chủ động giải quyết bồi thường cho người bị oan, thân nhân của người bị oan theo quy định của pháp luật.
Việc bồi thường thiệt hại được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại với người bị oan, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của họ; nếu không thương lượng được thì người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
Vị luật sư phân tích thêm, theo quy định, thời gian thụ lý đến khi xét xử một vụ án dân sự từ 2-4 tháng. Trong trường hợp đặc biệt có thể gia hạn thêm. Tuy nhiên, vụ việc của ông Hoạnh tòa lại thụ lý hơn 2 năm, sau đó lại ra quyết định đình chỉ là chưa đúng.