Trước đó, bản án sơ thẩm, phúc thẩm (lần 2) vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” đã bị Hội đồng giám đốc thẩm TANDTC tuyên hủy, trả hồ sơ để xử lại do mắc nhiều sai lầm từ nội dung cho đến tố tụng. Sau đó, vụ kiện được TAND quận Tây Hồ thụ lý lại và đưa ra xét xử sơ thẩm lần 3. Hiện bản án sơ thẩm này đã bị kháng cáo.
Gây sức ép?
Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Báo PLVN, Cty TNHH Thương Mại (Cty Hồng Lan) khẳng định: Không phải tới bây giờ, mà ngay từ đầu trong quá trình giải quyết vụ án đã có những hiện tượng các cơ quan tiến hành tố tụng ở 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm bị gây sức ép và có những phán quyết không công tâm.
Trước mỗi lần vụ án được đưa ra xét xử, phía Cty Hồng Lan luôn nhận được những thông tin rằng vụ án sẽ bị xử theo hướng bất lợi cho mình và đã có 2 lần Cty này nhận được thông tin có vị lãnh đạo Tòa Tối cao chỉ đạo can thiệp đến việc xét xử. “Tại các phiên tòa trước đây, phía Cty Hồng Lan đã rất nhiều lần yêu cầu thay đổi thẩm phán khi lo sợ mình bị xử ép nhưng các yêu cầu đều không được chấp nhận”- bà Trần Thị Kiều Hạnh, Giám đốc Cty Hồng Lan cho hay.
Theo Cty Hồng Lan, đến thời điểm thôi giữ chức tại TANDTC, ông Phương đã chính thức “ra mặt” để đảm đương vai trò là người nhận ủy quyền cho nguyên đơn tham gia tố tụng ở vụ án này. Lúc này các nghi ngờ trước đó của Cty Hồng Lan mới dần được “sáng tỏ”.
Vẫn theo Cty Hồng Lan, trong tháng 12/2016 và tháng 4/2017, doanh nghiệp này biết ông Phương đã liên tiếp có “thư công tác”, lấy tư cách nguyên Phó Chánh án TANDTC gửi đến các cơ quan tòa án có ý “gây sức ép” theo hướng có lợi cho nguyên đơn khi mà vụ án sắp được đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm (lần 3).
“Việc nhận ủy quyền cho nguyên đơn tham gia tố tụng ở vụ án là việc bình thường. Nhưng ở đây, ông Phương vừa nhận làm vai trò ủy quyền cho nguyên đơn, vừa có hành động lấy tư cách nguyên Phó Chánh án TANDTC viết thư tay “góp ý” cho Tòa về việc nên xét xử theo hướng này, hướng nọ lại là việc làm bất bình thường”, bà Hạnh bức xúc.
Cty Hồng Lan cho rằng, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì việc “gây sức ép” về đường lối xét xử không chỉ ảnh hưởng đến tính khách quan trong quá trình giải quyết vụ án của HĐXX mà còn gây ra những hệ lụy khôn lường đối với quyền và lợi ích hợp pháp của Cty Hồng Lan. Và để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ uy tín của cơ quan tòa án, Cty Hồng Lan cũng đã làm đơn kêu cứu tới Chánh án TANDTC chỉ đạo kiểm tra làm rõ sự việc.
Kiệt quệ vì vướng vào vòng lao lý
Theo Cty Hồng Lan, 10 năm qua doanh nghiệp này lâm vào cảnh “sống dở, chết dở” khi bị TAND quận Tây Hồ cố tình đưa vào vụ án với tư cách này đến tư cách khác trong một vụ việc mà họ không làm, không có lỗi.
“Chừng ấy thời gian, chúng tôi luôn phải đối mặt với viễn cảnh mất nhà cửa, mất công ăn việc làm chỉ vì bị oan sai trong vụ án dân sự. Dù vụ án đã qua 3 cấp xét xử với rất nhiều phiên tòa nhưng công ty chúng tôi tiếp tục hứng chịu những phán quyết bất công, sai lầm khi có những cá nhân muốn đứng trên pháp luật để gây sức ép”, bà Hạnh ngao ngán.
Như Báo PLVN đã thông tin, vụ kiện này liên quan đến lô đất số 32 và số 33 khu D-B1 Vườn Đào, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội với diện tích 431m2 mà Cty Hồng Lan trúng thầu theo Quyết định 676 ngày 9/2/2004 của UBND TP Hà Nội. Sau đó, Cty này đã chuyển nhượng quyền sử dụng 2 lô đất nói trên với giá 12,1 tỷ đồng cho ông Trần Văn Thơm, trú tại phường Thanh Nhàn, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Vì không có tiền thanh toán cho Cty Hồng Lan theo cam kết nên việc mua bán giữa ông Thơm và Cty Hồng Lan đã chấm dứt từ năm 2004. Thế nhưng, hơn 3 năm sau, dựa vào hợp đồng đã vô hiệu ký trước đó với Cty Hồng Lan, ông Thơm ký tiếp một hợp đồng khác chuyển nhượng 2 lô đất trên cho bà Lưu Thị Hoàng Anh với giá 13 tỷ đồng.
Do giao dịch mua bán của ông Thơm và Cty Hồng Lan đã vô hiệu từ năm 2004, việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ của các lô đất cũng không diễn ra. Không lấy được đất, bà Hoàng Anh đã khởi kiện ông Thơm ra tòa để yêu cầu thực hiện tiếp hợp đồng. Mặc dù không có quan hệ hợp đồng, không có giao dịch với bà Hoàng Anh nhưng Cty Hồng Lan lại phải theo vụ kiện bất đắc dĩ này với tư cách bị đơn, rồi vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan suốt 10 năm qua.