Liên tục chối tội
Từ tháng 2/2010, Lâm Phúc Hùng cùng 8 đồng phạm gồm: Nguyễn Thị Bắc (SN 1959); Phạm Hồng Thanh (SN 1967); Nguyễn Thị Ái Dân (SN 1954); Phạm Thị Thúy (SN 1973); Đỗ Trang Đoan (SN 1976); Bùi Đức Cường (SN 1985); Lê Hữu Thinh (SN 1976); Lê Văn Trọng (SN 1974, đều trú tại Hà Nội) đã tích cực quảng bá thông tin để bán các gói sản phẩm dịch vụ du lịch đặt phòng.
Theo nội dung quảng bá thì nếu một người muốn mua gói dịch vụ đặt phòng 4 ngày 3 đêm cho 2 người ở khách sạn hoặc Reorts từ 3 đến 5 sao ở Việt Nam và các nước khác thuộc hệ thống đối tác của Cty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á (DHT) thì phải nộp 340 USD.
Theo chính sách trả thưởng thì càng vận động được nhiều người tham gia hệ thống DHT thì càng leo lên vị trí cao và được hưởng nhiều hoa hồng hệ thống… Tuy nhiên, việc kinh doanh đa cấp trên là không có thật vì không có gói dịch vụ đặt phòng ở nước ngoài, tiền thưởng đều là tiền ảo trả vào ví điện tử, việc trả tiền thật thực chất do người Việt trả với hình thức thu tiền của người sau trả cho người trước.
Người tham gia trước lôi kéo được nhiều người tham gia sau thì được thưởng theo cấp độ bằng tiền ảo trong ví điện tử. Muốn lấy tiền thật thì phải lôi kéo thêm người tham gia để bán tiền ảo lấy tiền thật từ người tham gia sau nộp vào.
Tính đến tháng 12/2011, Hùng và đồng bọn đã chiếm đoạt được khoảng 80 tỷ đồng của gần 11.000 người. Tuy nhiên, khi kết thúc điều tra thì CQĐT mới chỉ xác định được 986 bị hại. Trong quá trình thẩm vấn, Hùng thừa nhận vai trò khởi xướng việc phát triển mạng lưới kinh doanh đa cấp bằng gói sản phẩm du lịch 4 ngày 3 đêm từ tháng 2/2010, khi truy cập vào trang Web của hệ thống DHT.
Sau khi thăm dò thị trường, Hùng thành lập Câu lạc bộ (CLB) Du khách, giữ vai trò là chủ nhiệm CLB rồi cùng một số thành viên hướng dẫn những người gia nhập vào hệ thống DHT mở, duy trì các gian hàng thương mại điện tử trên mạng Internet.
Số tiền thu của khách hàng, Hùng “cắt lại” 15 USD để phục vụ hoạt động của CLB, còn lại chuyển vào hệ thống chung để khách hàng được sở hữu code tạo mã ID. Từ tháng 2 đến tháng 7/2010, CLB Du khách của Hùng đã bán được 2.403 mã ID cho 1.062 người để thu về số tiền lên tới hơn 8,3 tỷ đồng cùng hơn 253.000 USD.
Tuy nhiên, Hùng liên tục chối tội và cho rằng mình chỉ là một khách hàng bình thường. Phần lớn số tiền do khách hàng nộp vào hệ thống DHT, bị cáo không hưởng lợi gì, chỉ được được DHT trả lương và tiền “hoa hồng”.
Chiếm đoạt hơn 8,5 tỷ đồng, bị đề nghị từ 19 đến 20 năm tù
Theo đại diện VKSND TP Hà Nội, dù cả 9 bị cáo đều không thành khẩn nhận tội nhưng căn cứ vào hồ sơ, tài liệu vụ án cùng các lời khai tại phiên tòa thì có đủ cơ sở khẳng định việc truy tố Hùng và 8 đồng phạm về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số nhằm chiếm đoạt tài sản” là chính xác.
Tính đến thời điểm vụ án bị triệt phá, bị cáo Hùng đã hưởng lợi bất chính hơn 8,5 tỷ đồng. Bị cáo Bắc hưởng lợi hơn 6,3 tỷ đồng, bị cáo Thanh hưởng lợi hơn 1,6 tỷ đồng, bị cáo Dân chiếm hưởng và sử dụng cá nhân hơn 1,1 tỷ đồng…
Đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX xử Hùng từ 19 đến 20 năm tù, Nguyễn Thị Bắc từ 18 đến 19 năm tù, Nguyễn Thị Ái Dân từ 14 đến 15 năm tù, Phạm Hồng Thanh từ 10 đến 11 năm tù. Các bị cáo còn lại lần lượt bị đề nghị xử phạt từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù hoặc 3 năm 1 tháng 20 ngày tù (bằng thời gian tạm giam).
Không đồng ý với quan điểm này, một số luật sư bào chữa cho các bị cáo lại cho rằng gói “sản phẩm du lịch” là có thật và hệ thống DHT không phải là lừa đảo nên các bị cáo không có tội. Có luật sư thì cho rằng quy định của pháp luật trong lĩnh vực này còn chưa đầy đủ hay hậu quả của vụ án chỉ là “tai nạn”, cần giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Được nói lời sau cùng, Lâm Phúc Hùng đã gửi lời xin lỗi tới tất cả các bị hại trong vụ án. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Phương Bắc, cựu Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Thượng Hải vẫn cho rằng mình không phạm tội và đây là một sự “không may” khi đi tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử. Sau 1 tuần xét xử, HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 2/8 tới đây.