Vụ “Giám đốc HARUVAbị tố dùng bằng rởm”: Tố cáo không đúng sẽ bị xử lý?!

(PLO) - Liên quan đến vụ ông Nguyễn Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu ứng dụng khoa học Thôi miên Việt Nam (HARUVA) bị tố cáo, dưới góc độ pháp luật, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Châu Thành Nam – Giám đốc Công ty Luật TNHH Nam Long, Hà Nội.

Một lớp học do chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân giảng.
Một lớp học do chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân giảng.
Theo Luật sư Châu Thành Nam, ông Nguyễn Mạnh Quân là thạc sỹ thôi miên, đứng đầu Trung tâm phát triển sức khỏe Thể - Tâm – Trí, một tổ chức khoa học, công nghệ hoạt động trong lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam. Mặc dù hoạt động chưa lâu (từ năm 2011) nhưng Trung tâm đã tổ chức được nhiều khóa học với số lượng học viên tham gia khá đông. 
Với những yếu tố như vậy trên một lĩnh vực mới mẻ nên có sự hoài nghi về năng lực của ông Quân cũng là điều dễ hiểu. Đồng nghĩa cũng sẽ có nhiều người có quan điểm trái ngược với cách thức hoạt động của ông Quân nói riêng và Trung tâm nói chung. 
Và đây có thể là nguyên nhân của những ý kiến không đúng, không hay về ông Quân cũng như về Trung tâm này. Tuy nhiên, những ý kiến, quan điểm không đúng như vậy không chỉ ảnh hưởng đến Trung tâm mà còn ảnh hưởng đến cá nhân ông Quân.
- Thời gian vừa qua, xuất hiện thông tin ông Nguyễn Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu ứng dụng khoa học Thôi miên Việt Nam - HARUVA bị “tố” sử dụng bằng “rởm”, ông có nhận xét gì về thông tin trái chiều này?  
Theo tôi, mọi chuyện đã khá rõ ràng khi ông Quân đưa ra bằng cấp và hồ sơ, tài liệu chứng minh học vị của mình được cấp bởi các cơ sở đào tạo tại Đức: Một là bằng thạc sỹ thôi miên do HYPNOSEMASTER AKADEMIE cấp ngày 14/05/2010, kèm theo bản dịch do Trung tâm dịch thuật VHD 187 Bà Triệu (Hà Nội) dịch từ tiếng Đức sang tiếng Việt ngày 22/07/2011 do ông Hoàng Văn Thương dịch được chứng thực bởi Phòng Tư pháp quận Hai Bà Trưng, trong đó nêu rõ ông Quân đã đỗ với kết quả tốt kỳ thi và được quyền mang học vị thạc sỹ thôi miên; 
Hai là chứng nhận của DIE HYPNOSEMASTER AKADEMIE cấp cho ông Quân ngày 25/07/2010. Trong bản dịch của ông Thương được chứng thực tại Phòng Tư pháp quận Hai Bà Trưng thể hiện: Nguyễn Mạnh Quân đã tham gia có kết quả tốt Xeemina nâng cao về thôi miên tại Trung tâm đào tạo của Học viện Thôi miên D-944424 Arnstort.  Ông Quân được quyền sử dụng biểu tượng và tên gọi nhà huấn luyện thôi miên.
Như vậy, ông Quân có đầy đủ tài liệu về mặt pháp lý để chứng minh về học vị thạc sỹ thôi miên của mình là đúng sự thật. Và theo đó, lời tố ông Quân khi chưa có căn cứ xác đáng mà đã quy kết ông này sử dụng chức danh “thạc sỹ thôi miên là hành vi gian lận về văn bằng học vấn” là vội vàng và có thể gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ông Quân.
- Việc ông Nguyễn Mạnh Quân bị tố dùng thôi miên để chữa bệnh tại Việt Nam thì sao, thưa ông?
Theo tôi, những tài liệu mà ông Quân cung cấp thì ông không dùng thôi miên để chữa bệnh ở Việt Nam mà hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ theo Giấy chứng nhận Đăng ký hoạt động Khoa học và Công nghệ số A-976, đăng ký lần đầu ngày 30/06/2011 do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp với tư cách người đứng đầu Trung tâm.
Theo Giấy chứng nhận Đăng ký hoạt động Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Nghiên cứu phát triển sức khỏe Thể - Tâm – Trí hoạt động trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ sau: Nghiên cứu, ứng dụng, đánh giá, xây dựng mô hình phát triển về thể chất, tâm lý, trí tuệ; Dịch vụ khoa học và công nghệ: Tư vấn, thẩm định, phản biện, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, phổ biến kiến thức, hội nghị, hội thảo, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nghiên cứu trên; Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm. 
Như vậy có thể thấy, lĩnh vực hoạt động của Trung tâm không bao gồm việc chữa bệnh bằng thuật thôi miên. 
- Có ý kiến cho rằng ông Quân đạo đức không tốt, có những phát ngôn thiếu văn hóa thì thế nào, thưa ông? 
Theo tôi, việc ông Quân đạo đức không tốt, có những phát ngôn thiếu văn hóa hay không cần phải có bằng chứng cụ thể, thậm chí phải được cơ quan chức năng kết luận. Nếu không có bằng chứng thì những lời nói không đúng về ông Quân đã xâm phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của ông này. 
Về vấn đề này, pháp luật dân sự, hành chính và hình sự đều có quy định rất rõ. Điều 37 Bộ luật Dân sự quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. 
Hay Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định: Người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt vi phạm hành chính. 
Và Điều 121, Bộ luật Hình sự quy định về tội làm nhục người khác: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai  năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5  năm./.

Đọc thêm