Vụ hành hung ở Hà Nam: Gia đình nạn nhân lâm cảnh lao đao, điêu đứng

(PLVN) -  Dù hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Liêm (Hà Nam) đã ra quyết định khởi tố vụ án đối với vụ việc anh Phạm Lương Chiến (trú tại phường Quang Trung, TP. Hải Dương) bị hành hung gây thương tích. Nhưng vì sợ bị hành hung tiếp, nạn nhân không dám chạy tuyến xe nữa khiến công việc, kinh tế của anh và cả gia đình bị ảnh hưởng, lao đao.
Căn phòng uống nước nơi Chiến bị hành hung
Căn phòng uống nước nơi Chiến bị hành hung

Hậu quả nặng nề 

Anh Chiến cho biết, mới đây, vào ngày 22/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an huyện Thanh Liêm đã có thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ việc của anh. Theo đó, CQCSĐT Công an huyện Thanh Liêm đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích” được quy định tại khoản 1 điều 134 Bộ luật Tố tụng hình sự để tiếp tục củng cố hồ sơ phân loại xử lý đối với hành vi của các đối tượng có liên quan.

Vụ việc đã được khởi tố nhưng dư âm của nó đã khiến cuộc sống gia đình nạn nhân ảnh hưởng rất nhiều. Anh Chiến tâm sự, nhà xe Duy Cường vốn do bố mẹ anh làm chủ, xe chạy chủ yếu từ Hải Dương đến TP Thanh Hóa. Mấy năm nay, công việc khó khăn, để giảm bớt chi phí, gia đình chỉ thuê lái xe còn việc phụ xe do mấy anh em Chiến đảm nhận và cũng được bố mẹ trả lương hàng tháng. 

Giữa năm 2018, gia đình mua một xe khách mới và mở thêm tuyến xe chạy từ Hải Dương đến Ngọc Lặc (Thanh Hóa), một chuyến/ngày. Tiền đầu tư lên đến tiền tỷ và được gia đình vay từ ngân hàng. Chiến được giao phụ xe cho tuyến xe này. Nhưng xe chạy được chừng một tháng thì Chiến bị nhóm đối tượng kia hành hung.

Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm của CQCSĐT Công an huyện Thanh Liêm đối với vụ việc của anh Chiến
Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm của CQCSĐT Công an huyện Thanh Liêm đối với vụ việc của anh Chiến

Những ngày sau đó, tuyến xe vẫn hoạt động tiếp nhưng thường xuyên bị nhà xe khác (chạy cùng tuyến) cản trở, chèn ép. Họ còn cho người gọi điện đe dọa bắt phải “bỏ” tuyến. Sợ lại bị hành hung nên mỗi lần chạy xe trên đường, lái xe và phụ xe đều cảm thấy bất an. Cuối cùng, do quá lo lắng, sợ hãi, họ không dám chạy tuyến xe này nữa và tuyến xe đành phải tạm dừng. Cũng từ đây, Chiến lâm cảnh không có việc làm, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng, phát triển trì trệ.

Theo lời Chiến, trước đây, khi xe còn chạy, trừ tiền xăng dầu, chi phí đi đường, mỗi ngày họ lãi được từ 500 nghìn – 800 nghìn. Nếu lái xe được trả 8 triệu đồng/tháng thì Chiến cũng được bố mẹ trả từ 6 – 7 triệu đồng/tháng.

Bố mẹ anh có 5 xe khách và giao cho mỗi người con phụ trách một xe. Nhưng từ khi tuyến xe Chiến phụ trách bị dừng lại, công việc của anh trở lên bấp bênh. Mọi sinh hoạt mấy tháng nay của gia đình anh đều nhờ cậy cả vào bố mẹ. Riêng lái xe, vì họ lái tốt nên bố mẹ anh vẫn trả lương đều đặn để giữ họ lại làm việc. “Khoảng 4 tháng sau, bố mẹ mới bố trí cho họ sang lái tuyến khác”, Chiến cho biết.

Ngoài việc thỉnh thoảng phải đưa xe đi bảo dưỡng, kiểm tra, thay dầu nhớt, mỗi tháng, bố mẹ anh vẫn phải xoay xở trả 12 triệu đồng tiền lãi cho ngân hàng. Kinh tế gia đình ngày thêm khó khăn, eo hẹp lại. Tuy nhiên, điều anh quan tâm và lo lắng nhất lúc này là sức khỏe của bố mẹ. Bởi vụ việc anh bị hành hung đã khiến bố mẹ lo lắng, nghĩ ngợi rất nhiều. Nhất là mẹ anh khi bà năm nay đã 80 tuổi. Nhưng thương con, bà đã không ngần ngại quản trời mưa nắng, sức khỏe yếu kém, mang đơn “gõ cửa” các cơ quan chức năng mong vụ việc của Chiến sớm được làm sáng tỏ, giải quyết. 

Ngoài ra, bà còn xoay xở vay mượn tiền để phụ các con trang trải cuộc sống. “Nhìn bố mẹ ngày một già yếu nhưng vẫn phải gồng gánh mọi thứ lo cho con mà chị em tôi xót xa, đau lòng lắm”, anh Chiến xúc động chia sẻ.

Nghi vấn nhà xe khác có liên quan

Qúa trình làm việc với phóng viên, cả nạn nhân và các nhân chứng đều khẳng định, việc anh Chiến bị hành hung có thể bắt nguồn từ việc cạnh tranh giữa nhà xe khác với nhà xe của gia đình anh. Chị Thanh (chị gái Chiến) cho biết, sau khi thay em trai làm phụ xe tuyến xe đó, quá trình lưu thông trên đường, xe của họ thường xuyên bị xe khách của một nhà xe khác (chạy cùng tuyến) chèn ép, gây cản trở và đe dọa “không cho” chạy.

Theo lời kể của chị Thanh và anh Phạm Văn Phi (một phụ xe khác), có 02 chiếc  xe hay chèn ép, kèn cựa xe họ trên đường gồm: xe mang BKS 34B33.47 và xe BKS B02.607 (xe có biểu tượng bông sen vàng và có chữa Tâm ở giữa bông sen).

Tiếp đó, còn có 4 đối tượng lạ nhận là “người nhà” của nhà xe “Tâm” và đi trên chiếc xe mang BKS 36A43.7x, ra tận ngã tư Ngọc Lặc, đe sẽ cho người đánh nếu xe nhà chị Thanh bắt khách ở ngã tư này. Khách có lên xe cũng sẽ cho người lôi xuống. Ngoài ra, còn có số điện thoại lạ gọi đe dọa chị Thanh. Qúa sợ hãi, chị đã trình báo sự việc lên công an. Nhưng do thông tin, chứng cứ chưa đầy đủ nên vụ việc không được xử lý.

“Sau đó vài ngày, cũng tại ngã tư Ngọc Lặc, một phụ xe của nhà xe Tâm tên là Sự đã cố tình mời tranh giành khách với tôi. Chưa hết, anh này còn lao vào đấm, tát tôi. Mọi người xung quanh ra can ngăn, anh Sự mới dừng lại. Chính vì họ liên tục chèn ép, dọa nạt nên lái, phụ xe nhà tôi sợ hãi không dám chạy xe tiếp. Xe phải dừng tuyến từ đó đến giờ”, chị Thanh cho biết.

Chắp lối những sự việc này với nhau, họ cho rằng, việc anh Chiến bị hành hung như vậy “chắc chắn” có liên quan đến nhà xe Tâm kia. Bởi chạy xe bao năm, họ không hề có mâu thuẫn hay xảy ra xích mích với ai. Nhưng từ khi tuyến xe mới được mở, những sự việc không mong muốn đã xảy ra.

“Vì những nghi ngờ đó nên tới đây, gia đình sẽ tiếp tục làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ mọi việc. Có như vậy, chúng tôi mới có thể yên tâm sinh sống, làm việc được”, anh Chiến nhấn mạnh.

Đọc thêm