Vụ kiện hi hữu tại Cần Thơ: Bản đồ thể hiện 2 thửa đất, thực địa chỉ có 1

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 7 năm thụ lý, ngày 24/7/2023, TAND quận Ninh Kiều (Cần Thơ) vừa mở phiên xử vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông La Hiếu (ngụ quận Cái Răng) và bị đơn bà Trần Thị Thủy (ngụ quận Ninh Kiều).
Trên thực tế, dãy nhà được xây dựng liền kề, không còn thửa đất trống nào.
Trên thực tế, dãy nhà được xây dựng liền kề, không còn thửa đất trống nào.

Nhà đang xây trên thửa 386 hay 387?

Theo hồ sơ, năm 2001, bà cụ SN 1928 (ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều) được cấp “sổ đỏ” cho khu đất tại hẻm 234, đường Hoàng Quốc Việt. Khu đất sau đó được chủ đất tách thành nhiều thửa chuyển nhượng cho nhiều người, trong đó có thửa 387 (72m2, cho ông La Hiếu) và thửa 386 (72m2, cho ông Lao Kim Quyên, cùng vào năm 2004); thửa 721 (64m2, cho bà Trần Anh Thư, năm 2005)…

Với thửa 386, ông Quyên chuyển nhượng cho bà Thư (là người có thửa 721, giáp thửa 386). Năm 2010, bà Thư chuyển nhượng cho người thứ tư. Người thứ tư được cấp đổi “sổ đỏ” mới, rồi chuyển nhượng cho người thứ năm. Người thứ năm cũng được cấp đổi “sổ đỏ” mới.

Tháng 9/2015, người thứ năm chuyển nhượng cho bị đơn là bà Thủy. Ngày 5/11/2015, bà Thủy được UBND quận cấp Giấy phép xây dựng 1667/GPXD. Ngày 16/12/2015, cơ quan chức năng lập văn bản kiểm tra công trình xây dựng hoàn thành. Ngày 8/1/2016, bà Thủy được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản. Hiện bà Thủy dùng “sổ đỏ” để thế chấp vay ngân hàng, còn nợ hơn 600 triệu đồng.

Ông Hiếu cho rằng được cấp “sổ đỏ” thửa 387 từ năm 2004, đến tháng 12/2015 khi biết có người xây nhà trên đất của mình thì ông có đến xem. Khi thấy có người xây nhà, ông không gặp trực tiếp chủ công trình mà đến phường làm đơn.

Tháng 9/2016, phường mời hai bên hòa giải nhưng bất thành. Hồ sơ được chuyển đến tòa.

Tại phiên tòa ngày 24/7, ông Hiếu giữ nguyên yêu cầu khởi kiện ban đầu, đòi bị đơn trả lại thửa đất 387 vì xây nhầm; đòi bà Thủy tự phá dỡ căn nhà, hoàn trả nguyên trạng đất.

Ông Hiếu cho rằng, năm 2004 khi mua đất thì thửa 388 liền kề đã có nhà, chủ đất dùng ranh mốc đó để bán cho mình. Hiện căn nhà mình đang ở liền kề thửa 388 nên đó là thửa 387 của mình. Theo nguyên đơn, khi phát hiện bà Thủy xây nhà chồng lấn lên đất của mình đã làm đơn tranh chấp từ 4/12/2015 nhưng không hiểu sao căn nhà vẫn được hoàn công, vẫn được cấp giấy chứng nhận.

Ông Hiếu cho rằng bị xâm phạm trên đất nên yêu cầu trả lại đất, còn thửa 386 của bà Thủy ở chỗ nào, ai lấn chiếm thì ông không biết.

Khu đất thể hiện trên bản đồ.

Khu đất thể hiện trên bản đồ.

HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa

Phía bà Thủy không đồng ý với yêu cầu của ông Hiếu, cho rằng mua đất được chỉ ranh kế thửa 721. “Trong quá trình mua đất, được cấp phép xây dựng, được hoàn công và cấp “sổ đỏ”, không ai tranh chấp, không bị chính quyền ngăn chặn. Ông Hiếu cho rằng gửi đơn tranh chấp ngày 4/12/2015, trước khi tôi hoàn thành nhà và được cấp sổ là chưa chính xác”, bà Thủy nói tại tòa.

Theo hồ sơ, ngày 4/12/2015, ông Hiếu có đơn gửi UBND phường xin xác nhận vị trí thửa đất mình được cấp “sổ đỏ”. Bà Thủy cho rằng: “Chính ông Hiếu cũng không biết đất mình nằm ở vị trí nào nên mới gửi đơn xin xác nhận vị trí. Sau khi gửi đơn, ông Hiếu không thông báo cho tôi biết và địa phương cũng không ngăn việc xây dựng. Đến khi nhà được hoàn công, vào ở, mới tranh chấp. Nếu ông Hiếu nói đất của ông ở cạnh thửa 388 thì tôi cũng nói nhà đất tôi ở cạnh thửa 721”.

LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn), trình bày tại tòa: “Đến nay, hồ sơ chưa thể hiện tọa độ, vị trí chính xác thửa 387 và 386 thì căn cứ nào nguyên đơn nói nhà bị đơn chồng lấn đất của mình? Lấy mốc tranh chấp từ thửa 388 và nguyên đơn nói khi mua đất, thì thửa 388 đã có nhà là cần xem lại. Vì tháng 1/2004 nguyên đơn mua đất, đến tháng 6/2004 thửa 388 mới xây nhà và bị địa phương lập biên bản xây không phép. Vậy có hay không chuyện thửa 388 xây lấn sang thửa 387?”.

LS cho rằng, để giải quyết toàn diện vụ án, cần đưa những người cùng dãy đã mua đất từ bà cụ SN 1928 vào làm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; đồng thời đo đạc lại từ thửa 389 đến 1017 để xem có đủ diện tích, đúng chiều ngang hay không? Nếu thiếu thì tại sao thiếu, tại sao hiện nay ở giữa thửa 388 và 721 chỉ còn 1 thửa đất, trong khi đó theo hồ sơ thì có 2 thửa là 387 và 386.

“Phòng TN&MT, Quản lý Đô thị, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận đều xác định bà Thủy xây nhà đúng quy định, cấp phép và “sổ đỏ” đúng quy trình. Như vậy, bị đơn không có lỗi. Cần làm rõ vị trí, ranh giới, nếu thiếu đất hoặc có chồng lấn thì do ai, xử lý hậu quả ra sao?”, LS nói.

HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa, dự kiến sẽ tiếp tục vào ngày 22/8/2023.

Theo hồ sơ cấp “sổ đỏ” năm 2005 và bản đồ năm 2009 thì từ thửa 1071 đến thửa 389, chiều ngang 36m. Tuy nhiên, theo đo vẽ ngày 16/1/2023 thì chiều ngang chỉ còn 34,2m, thiếu 1,8m. Chiều ngang các lô cũng không đúng như bản vẽ năm 2005 và 2009.

Cũng trong hồ sơ cấp “sổ đỏ” năm 2005, tại bản vẽ thửa 388 thì giữa thửa 388 và 389 có khoảng trống 0,5m. Nhưng bản vẽ cấp sổ cho thửa 387, 386 thì không có khoảng trống này.

Cơ quan chức năng địa phương khẳng định cấp phép xây dựng, cấp đổi sổ cho các thửa đất từ 389 đến 1071 đều đúng quy trình, đúng luật; nhưng giữa thửa 721 và 436 có khoảng trống rộng 2,95m (diện tích 46m2) chưa được cấp “sổ đỏ” cho ai, trong khi lẽ ra 2 thửa này phải liền kề.

Đọc thêm