Vụ kiện liên quan khu đất tại Cai Lậy (Tiền Giang): Bên cho rằng tự khai hoang, bên cho rằng “cha mẹ để lại”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không đồng tình với quyết định của TAND Tiền Giang tại Bản án phúc thẩm 493/2023/DS-PT ngày 7/9/2023, bị đơn Võ Thị Bé Ba (SN 1953, ngụ xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy) cho rằng khu đất trong vụ kiện là do mình tự khai hoang, chứ không phải của cha mẹ để lại, nên không phải di sản thừa kế để chia cho người khác. Bà Ba đã có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.
Vụ kiện liên quan khu đất tại Cai Lậy (Tiền Giang): Bên cho rằng tự khai hoang, bên cho rằng “cha mẹ để lại”

Đất khai hoang hay “di sản thừa kế”?

Hồ sơ vụ án cho thấy, cha của bà Ba (SN 1915, mất năm 1978) và mẹ bà Ba (SN 1914, mất năm 1974) có 4 người con, lần lượt là bà Ba, bà Võ Thị Châu (nguyên đơn, SN 1957), ông Võ Bá Tòng (SN 1959, mất năm 1994), ông Võ Bá Thọ (SN 1970).

Trong đơn khởi kiện, bà Châu yêu cầu toà công nhận quyền sử dụng các thửa đất số 251, 236, 233, 153, tờ bản đồ 16, tại xã Hiệp Đức là di sản của cha mẹ để lại.

Trong khi đó, bà Ba cho biết các thửa đất trên do bà tự khai hoang từ 1975. Trong đơn đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) ngày 25/2/2004, UBND xã xác nhận đất trên không tranh chấp khiếu nại, cấp sổ đỏ đứng tên bà Ba. Bà Ba cũng cho biết em gái mình lấy chồng từ năm 1974 và ở nơi khác, không góp công khai hoang hay canh tác gì trên các đất này, nên yêu cầu của bà Châu là không phù hợp.

Tại tòa, một người em còn lại là ông Thọ, khẳng định đất trên là do bà Ba khai phá từ trước đến nay và đứng tên. “Đất trên là do chị Bé Ba khai phá nên việc cho đất hay không là quyền chị Bé Ba”, bản án nêu rõ lời khai của ông Thọ.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Cai Lậy tuyên bác yêu cầu của người em, theo Bản án 230/2022/DS-ST ngày 30/9/2022.

Tuy nhiên, cấp phúc thẩm lại có nhận định khác. HĐXX TAND Tiền Giang đưa ra nhận định dựa vào 3 căn cứ.

Thứ nhất, một văn bản ghi ngày 22/4/1976 về việc cha bà Ba và bà Châu khi đó ở tại xã Hiệp Đức; và giấy chứng tử của mẹ bà Ba và bà Châu chết năm 1974 do bà Ba đi khai tử ghi “chết tại ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức”.

Thứ hai, HĐXX cho rằng “năm 1975 bà Bé Ba chỉ 20 tuổi, chồng chết năm 1974 phải nuôi 03 người con sinh năm 1972 và 02 người sinh 1974 thì không thể nào bà cùng các con khai hoang hết các diện tích đất trên”.

Thứ ba, HĐXX căn cứ “biên bản hòa giải ngày 6/6/2003 và biên bản ngày 30/9/2003” (BL 146, 148) của UBND xã Hiệp Đức, có nội dung bà Bé Ba đồng ý chia đất cho em trai là ông Thọ, không đồng ý chia cho em gái là bà Châu…

Từ những căn cứ trên, TAND tỉnh ra Bản án 493/2023/DS-PT ngày 7/9/2023, chấp thuận yêu cầu khởi kiện của bà Châu, công nhận các thửa đất là di sản thừa kế cha mẹ bà Bé Ba - bà Châu để lại; tuyên buộc bà Bé Ba chia cho bà Châu diện tích 2.000m2, buộc bà Bé Ba còn phải trả cho bà Châu 38,2 triệu đồng.

Bị đơn cho rằng còn một số tình tiết cần làm rõ

Xuyên suốt quá trình giải quyết sự việc, bà Bé Ba không đồng tình với những nhận định trên, đưa ra các chứng cứ phản biện.

Thứ nhất, bà Bé Ba cho rằng văn bản ghi ngày 22/4/1976 về việc cha bà khi đó ở tại xã Hiệp Đức; và giấy chứng tử của mẹ bà ghi “chết tại ấp Hiệp Quới”; đều không có giá trị chứng minh đất này là cha mẹ để lại. “Năm 1974 chiến sự liên miên, khi mẹ chết, thực tế tôi và mẹ tản cư tận Cái Bè. Chính tôi đi làm giấy khai tử cho mẹ và ghi như vậy để trùng với nơi gia đình sinh sống trước đây. Năm 1975 hòa bình lập lại, tôi dắt díu các con và em Thọ về lại ấp Hiệp Qưới, khi ấy nhà cũ cha mẹ không còn, tôi phải tự khai hoang. Sau này tôi rước cha về, ông bệnh tật, ốm yếu được một thời gian thì mất”, bà Ba nói.

Thứ hai, bà Ba cho rằng nhận định của cấp phúc thẩm là vừa chưa khách quan, vừa chưa chính xác. “Thời đó khổ cực, chiến sự bom đạn, nên sức sống ghê gớm lắm. Tôi khi đó đang tuổi sung sức, khai hoang từng đó đất là bình thường. Khi đó tôi nuôi em Thọ SN 1970, 1 con SN 1972, 2 con sinh đôi SN 1974, chứ không phải “3 người con sinh năm 1972 và 2 người sinh 1974” như Tòa ghi trong bản án phúc thẩm”, bà Ba nói.

“Trong nhiều năm liên tục, tính từ 1975, tôi đã khai khẩn đất hoang, thực hiện đúng nghĩa vụ với Nhà nước, được ghi nhận tại Biên lai nộp thuế đất có tên Võ Thị Bé Ba liên tục từ 1977 - 2007. Sau đó, tôi được được Nhà nước cấp sổ đỏ năm 2005 và sử dụng ổn định cho đến nay”, bà Ba nói.

Thứ ba, bà Bé Ba cho rằng biên bản ghi ngày 6/6/2003 của UBND xã đã giả mạo chữ ký của bà. Bà cam kết chưa từng tham gia và đặt bút ký vào biên bản bất kỳ cuộc hoà giải nào trước năm 2017 (tới 2018 bà Châu mới khởi kiện - NV).

Bà Ba cho rằng có người giả mạo chữ ký của mình trong biên bản hòa giải ngày 6/6/2003. (Ảnh: Sang Xuân)

Bà Ba cho rằng có người giả mạo chữ ký của mình trong biên bản hòa giải ngày 6/6/2003. (Ảnh: Sang Xuân)

Hiện ông Nguyễn Văn Nhe, cán bộ địa chính ghi biên bản và ký xác nhận trong biên bản trên hiện đang bị đề nghị truy tố trong vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức xảy ra tại UBND xã Long Tiên” theo Kết luận điều tra 13/BKL-CSKT ngày 15/2/2024 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang. Vì vậy, bà Ba đề nghị cần giám định “biên bản ghi ngày 6/6/2003 của UBND xã” để xác định bà có bị giả chữ ký hay không, ai đã làm giả chữ ký?

Theo ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hiệp Đức: “Toàn bộ phần đất bà Ba được cấp sổ đỏ hiện nay, trước đây đều là đất hoang, sau này bà Ba tự khai hoang, góp phần lập ấp”.

Bà Ba cho hay đã có đơn gửi VKSND cấp cao, TAND cấp cao tại TP HCM đề nghị kháng nghị Bản án 493/2023/DS-PT của TAND Tiền Giang.

Luật sư Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn LS TP HCM) cho rằng, với những căn cứ bà Ba đưa ra, thì cơ quan có thẩm quyền cần thiết kháng nghị giám đốc thẩm với vụ án này; để vụ việc được xem xét lại một cách khách quan, phù hợp chứng cứ, đúng pháp luật; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các bên.

Đọc thêm