Vụ lão nông gần 7 năm bị “hành”: TAND tỉnh Lâm Đồng vi phạm nghiêm trọng tố tụng

(PLO) - Bằng sự  vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, thu thập tài liệu, trưng cầu giám định cẩu thả, thiếu trách nhiệm, HĐXX tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Lâm Đồng đã dẫn gia đình người nông dân Hoàng Quý vào một mê hồn trận những hệ lụy. Vi phạm này đã bị TAND Tối cao tuýt còi, chỉ tên vi phạm. 
Ông Hoàng Quý cung cấp chứng cứ cho phóng viên
Trước khi phiên xét xử phúc thẩm (lần 1) diễn ra, Bùi Văn Hòa có cung cấp chứng ký ghi âm được cho là cuộc hội thoại giữa bà Bùi Thị Thanh (chị gái Hòa) với bà Đặng Thị Chung (vợ ông Hoàng Quý). 
Hòa cho rằng đoạn ghi âm trên có nội dung trao đổi giữa bà Thanh và bà Chung về việc Hòa nợ tiền mua bán đất. 
Trước khi diễn ra phiên xử thì ngày 1/7/2009, thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng, Văn Thị Xin có quyết định số 786/QĐ-TCGĐ về việc yêu cầu giám định, quyết định trưng cầu giám định gửi Phòng 3- Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an yêu cầu giám định giọng nói của hai người là bà Bùi Thị Thanh và Đặng Thị Chung. 
Quyết định trưng cầu này của thẩm phán Văn Thị Xin ghi rõ: Đối tượng gửi giám định là: “Đĩa CD- R80 hiệu KACHI”.
Cũng trong ngày 1/7/2009, Thẩm phán Văn Thị Xin cũng ký quyết định số 786/QĐ-TCGĐ gửi Phòng 3- Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, yêu cầu giám định giọng nói. Nhưng đối tượng gửi giám định lại là: Máy ghi âm.
Như vậy, cùng một số quyết định, cùng ngày, cùng thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng ký lại có hai vật cùng giám định khác nhau về đối tượng gửi giám định.
Sự cẩu thả, tùy tiện của thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng lộ rõ khi tại văn bản số 115/C54 (P2), Bộ Công an cho biết là sau khi phát hiện có sự khác biệt giữa mẫu cần giám định ghi trên quyết định trưng cầu giám định và mẫu gửi giám định thực tế nhận được, Viện Khoa học hình sự đã yêu cầu (qua điện thoại) TAND tỉnh Lâm Đồng viết lại quyết định trưng cầu trên cho đúng. 
Thay vì phải hủy quyết định trưng cầu cũ, ban hành quyết định trưng cầu mới thì thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng làm cái việc giản đơn là chỉnh sửa từ đĩa CD sang máy ghi âm. 
Việc làm này đã vi phạm trắng trợn nguyên tắc ban hành văn bản, hoạt động tố tụng. 
Hơn nữa, trong vụ giám định này thay vì cơ quan trưng cầu giám định, TAND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có trách nhiệm, thẩm quyền.
Nhận thấy phiên tòa phúc thẩm (lần 1), HĐXX, TAND tỉnh Lâm Đồng đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng, làm cho việc giải quyết vụ án không đúng pháp luật, ngày 9/6/2010, TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị số 403 chỉ rõ cấp phúc thẩm có vi phạm về tố tụng.
Bản kháng nghị này của TAND Tối cao cũng chỉ rõ việc tòa án cấp phúc thẩm đã gửi địa CD- R80 mà ông Hòa nộp để giám định theo Quyết định trưng cầu giám định số 786/QĐ-TCGĐ ngày 1/7/2009, nhưng tại bản kết luận giám định số 1894/C21 (P3) ngày 15/9/2009 của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an lại ghi đối tượng gửi giám định là: Máy ghi âm kỹ thuật số (MP3) hiệu CENIX. Tại sao có sự khác biệt này chưa được toàn án cấp phúc thẩm xem xét, làm rõ. 
TAND Tối cao cũng khẳng định nội dung ghi âm cuộc nói chuyện qua điện thoại này chưa thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể về khoản tiền 1,656 tỉ đồng mà ông Hòa khai là tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất. 
Với những “vết đen” cho một bản án trên, ngày 27/9/2010, TAND Tối cao có quyết định Giám đốc thẩm số 666 quyết định hủy bản án dân sự phúc thẩm số 159/2009 của TAND tỉnh Lâm Đồng… giao TAND huyện Di Linh, Lâm Đồng, xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, sau hơn 2 năm vụ kiện của lão nông Hoàng Quý lại quay lại vạch xuất phát và tiếp tục kéo dài. 
Diễn biến tiếp theo vụ kiện này là việc các kết quả giám định cho thấy tài liệu mà Bùi Văn Hòa (Hòa “mèo”) cung cấp cho tòa án có dấu hiệu bị làm giả, việc các cơ quan tiến hành hoạt động tố tụng tại tỉnh Lâm Đồng tiếp tục diễn “xiếc” trên khát vọng, ý chí làm rõ sự thật, đòi đồng tiền mồ hôi, nước mắt từ lao động nông nghiệp của lão nông Hoàng Quý.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm