Vụ mua condotel 'kẹt' tại Cocobay Đà Nẵng: 'Gỡ rối' tránh làm thêm rối

(PLVN) - Trách nhiệm lớn nhất của cơ quan quản lý nhà nước là nhanh chóng ban hành quy định pháp lý quy định rõ ràng về chính sách, quy chuẩn, vận hành, phân chia lợi nhuận, thuế… đối với condotel.
Những khối nhà condotel tại Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC.
Những khối nhà condotel tại Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC.

"Cú sốc" căn hộ khách sạn (condotel) sau sự "vỡ trận" dự án tổ hợp Cocobay (Đà Nẵng) đã được đoán định trước đây rất lâu, từ khi rộ lên làn sóng đầu tư dự án theo loại hình này ở các địa phương. Bởi những vướng mắc, tranh chấp ở các dự án condotel đã phát sinh, âm ỉ nhiều năm nay.

Ngay thời điểm loại hình căn hộ condotel sơ khai hình thành gần 4 năm trước, những bất cập, mập mờ trong hành lang pháp lý đã được các hiệp hội bất động sản, chuyên gia, luật sư cảnh báo.

Nhưng đến nay các cơ quan quản lý vẫn chưa ban hành các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn… để minh định rõ pháp lý loại hình bất động sản này.

Chính sự chần chừ, chậm đưa ra quy định pháp lý đã tạo lỗ hổng lớn để các chủ đầu tư "thao túng" thị trường.

Nhiều chủ đầu tư chỉ chú trọng xây dự án để bán mà không để ý đến phương án quản lý, vận hành. Không ít doanh nghiệp đưa ra mức lợi nhuận cam kết cao không tưởng.

Và khi pháp lý nhùng nhằng, sổ đỏ không được cấp, căn hộ bán chậm, dẫn đến vỡ trận kinh doanh, cam kết lợi nhuận.

Sự "vỡ trận" của Cocobay là đổ vỡ của hợp đồng dân sự giữa chủ đầu tư với khách hàng. Bởi vậy, khi hợp đồng kinh doanh "phá sản", cách tốt nhất là để người dân và chủ đầu tư tự thỏa thuận chọn phương án giải quyết tốt nhất. Nếu không vừa lòng nhau, tốt nhất hai bên đưa nhau ra tòa phân xử.

Nhà nước không thể can thiệp dễ dàng cho chủ đầu tư chuyển đổi dự án từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở, biến căn hộ du lịch thành căn hộ chung cư.

Hai loại hình công trình khác nhau nên khi phê duyệt các thiết kế dự án đều áp dụng những quy chuẩn, tiêu chuẩn về hạ tầng, công trình công cộng… khác nhau.

Việc điều chỉnh này sẽ kéo theo những hệ lụy nặng nề cho hạ tầng đô thị vốn đã quá tải nay gánh thêm những "căn hộ" chung cư bất đắc dĩ.

Nghiêm trọng hơn, sự can thiệp của Nhà nước không chỉ tạo ra tiền lệ xấu mà còn tạo ra cơ chế xin - cho, nguy cơ tham nhũng rất lớn.

Rõ ràng để các địa phương tự quyết định cấp hay không cấp sổ đỏ cho dự án condotel như vừa qua là không ổn. Pháp luật được áp dụng mỗi nơi một khác làm méo mó, bất bình đẳng môi trường đầu tư.

Trách nhiệm lớn nhất của cơ quan quản lý nhà nước là nhanh chóng ban hành quy định pháp lý quy định rõ ràng về chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn, vận hành, phân chia lợi nhuận, thuế… đối với loại hình bất động sản này.

Đây cũng là cách giúp các chủ đầu tư condotel tháo gỡ khó khăn. Đừng can thiệp "gỡ rối" cho một dự án "vỡ trận" điều chỉnh để rồi làm rối thêm thị trường.

Đọc thêm