Dự án “ma” được Lan Phương Real quảng cáo
Khu đất này được Cty TNHH Địa ốc Lan Phương – Lan Phương Real (trụ sở 19 Nguyễn Văn Đậu) tự giới thiệu là chủ đầu tư dự án “Khu dân cư (KDC) Golden City”. Cty Lan Phương này, bà Phước có 30% vốn góp. Tuy nhiên, đây là dự án “ma”, thực tế là khu phân lô tách thửa của bà Phước.
Bà Phước không phải chủ sử dụng khu đất; chưa hợp thửa; chưa chuyển đổi mục đích thành 100% đất ở; chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng vẫn được UBND huyện Củ Chi cho phép đầu tư hạ tầng.
Trả lời PLVN, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi thừa nhận việc làm trên là có vi phạm, không phù hợp với các quy định tại Quyết định 60/2017/QĐ-UBND năm 2017 đã được Thanh tra TP chỉ ra tại Kết luận 08/KL-TTTP-P3 ngày 15/6/2020.
Theo đó, Kết luận 08 của Thanh tra TP nói về việc UBND huyện Củ Chi vi phạm quy định về tách thửa như sau:
UBND huyện Củ Chi chưa xây dựng Kế hoạch để triển khai thực hiện; chưa ban hành Kế hoạch thực hiện tách thửa cụ thể từng năm theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Quyết định 60/2017/QĐ-UBND; Chưa xây dựng kế hoạch tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu vực quy hoạch chức năng đất dân cư hiện hữu; đất dân cư hiện hữu kết hợp chỉnh trang, kể cả đất dân cư xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở thuộc trường hợp được tách thửa theo Quyết định 60 để làm cơ sở quản lý đô thị theo quy hoạch được duyệt trong công tác tách thửa đất ở, kết hợp với công tác chỉnh trang đô thị.
Việc tách thửa có nhiều vi phạm. Thứ nhất, cho phép tách thửa đất nông nghiệp thành đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật khi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, không thực hiện đúng khoản 2 Điều 1 và khoản 1 Điều 5 Quyết định 60. UBND huyện Củ Chi đã duyệt 18/51 trường hợp mà sổ đỏ là đất nông nghiệp hoặc vừa là đất ở nhưng có một phần diện tích đất nông nghiệp.
Thứ hai, cho phép tách thửa đất ở không phù hợp quy hoạch được duyệt, không đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Quyết định 60.
Thứ ba, chấp thuận phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật không gửi hồ sơ lấy ý kiến Sở Quy hoạch – Kiến trúc.
|
Bên phải đường là khu đất đầu tư hạ tầng dang dở do kết luận thanh tra, bên trái là khu đất đã hoàn thiện trước khi có Kết luận thanh tra 08. |
Thất thoát tiền tỷ chuyển đổi mục đích
Theo Quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Quyết định 60 thì bà Phước phải chuyển đổi đủ 40.869m2 đất thành đất ở mới được chấp thuận chủ trương và cấp phép đầu tư hạ tầng để phân lô tách thửa.
Nhưng bằng cách nào đó, bà Phước được UBND huyện Củ Chi mà trực tiếp là ông Nguyễn Hữu Hoài Phú (Chủ tịch UBND tại thời điểm đó) và ông Nguyễn Việt Dũng (Phó Chủ tịch UBND thời điểm đó) cho phép đầu tư mà không cần chuyển đổi 100% thành đất ở.
Đối chiếu theo căn cứ pháp luật và văn bản cho phép của UBND huyện Củ Chi thì bà Phước được hưởng lợi, còn Nhà nước bị thất thoát số tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với diện tích 19.482m2.
Căn cứ Quyết định 51/2014/QĐ-UBND năm 2014 và sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 30/2017/QĐ-UBND ngày 22/7/2017 về giá đất thì vị trí 1 tuyến đường Nguyễn Kim Cương có giá là 660.000 đồng, vị trí 4 là 295.000 đồng. Như vậy, Nhà nước thất thoát ít nhất là 5,7 tỷ đồng.
Ngoài khu đất trên, bà Phước còn được chấp thuận đầu tư hạ tầng thửa 52, 57, 64 và 66 tờ bản đồ 30 (cách khu đất 40.869,78m2 chừng 100m) với diện tích khoảng 8.100m2 vào tháng 4/2018. Mặc dù các thửa đất này không đứng tên chủ sử dụng là bà Phước, bà Phước chỉ được ủy quyền; nhưng khi báo cáo đến Sở Quy hoạch – Kiến trúc để xin hướng dẫn, UBND huyện Củ Chi ghi “khu đất của bà Phước” để xin hướng dẫn về tách thửa có hình thành đường giao thông.
Diện tích 8.100m2 này, UBND huyện Củ Chi cũng cho phép bà Phước chỉ chuyển đổi một phần sang đất ở. Hiện nay, khu 8.100m2 này vẫn chưa được nghiệm thu hạ tầng và chưa được tách từng thửa riêng.
Luật sư đánh giá “dấu hiệu tội phạm”
LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP HCM) đánh giá: “Từ 2017, bằng Quyết định 60 quy trình tách thửa có hình thành đường giao thông đối với cá nhân được UBND TP quy định rất chặt và rõ ràng. Quy trình được thực hiện như sau: Chủ sử dụng có khu đất 100% đất ở xin chủ trương đầu tư hạ tầng. UBND quận/huyện rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xem xét việc kết nối hạ tầng (kết nối với đường đi hiện hữu) và xin ý kiến hướng dẫn của Sở Quy hoạch – Kiến trúc”.
“Sau đó, chủ sử dụng đất lập 1/500, xin giấy phép đầu tư hạ tầng. Sau khi đầu tư hạ tầng xong, UBND quận/huyện nghiệm thu hạ tầng, ra quyết định thu hồi đất đối với đất dùng làm hạ tầng, công viên, cây xanh. Bước cuối cùng là nộp hồ sơ tách thửa”.
“Ngay từ bước đầu tiên là chủ sử dụng đất và có 100% đất ở, bà Phước đã không đáp ứng được. Nhưng không hiểu tại sao UBND huyện Củ Chi lại cho phép đầu tư hạ tầng. Theo tôi, việc làm này của UBND huyện Củ Chi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, có dấu hiệu “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 219 BLHS 2015”.
Ngoài khu đất nêu trên được giới thiệu là Golden city. Ngay sát bên cạnh, là một khu đất gần 5ha được giới thiệu là dự án Diamond City Củ Chi mặc dù đứng tên các sổ đỏ là của ông Phan Hải Lâm nhưng thực tế là của bà Nguyễn Thị Phước. Ông Lâm là PGĐ của Cty TNHH Sản xuất - Thương mại Lan Phương (bà Phước là GĐ). Khu đất này đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, được cấp sổ đỏ từng lô và cũng có những dấu hiệu vi phạm.
PLVN sẽ thông tin trong các bài sau.
Một số vi phạm tại “khu đất bà Phước”
Thứ nhất: Được đầu tư hạ tầng khi chưa chuyển đổi thành 100% đất ở, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Thứ hai: Mỗi thửa đất đứng tên một chủ sử dụng khác nhau, ủy quyền cho bà Phước thực hiện xin phép đầu tư hạ tầng. Nhưng UBND huyện Củ Chi lại gộp chung tất cả thửa nêu trên thành “khu đất của bà Nguyễn Thị Phước” khiến nhiều thửa đất không tiếp giáp đường đi vẫn trở thành có đường đi để được chuyển một phần lên đất ở.
Thứ ba: Khu đất nằm trong quy hoạch xây dựng 1/2000 là khu tái định cư Tân Thạnh Tây – Tân Phú Trung nhưng vẫn cấp phép cho bà Phước để phân thành hàng trăm lô dùng để kinh doanh bất động sản.
Thứ tư: Đầu tư hạ tầng trước – chuyển đổi mục đích một phần thành đất ở sau (ngược quy trình theo Quyết định 60).