Bi can Trương Tuấn Dũng, nguyên là Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Mường La, kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của huyện đã bị khởi tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngày 7/6/2018, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra Kết luận điều tra vụ án đề nghị truy tố. Tuy nhiên, sau khi thụ lý vụ án, ngày 3/8/2018 Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La ra Quyết định số 05/2018/HSST- QĐ trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Theo yêu cầu của Tòa án, Cơ quan an ninh điều tra cần làm rõ việc “xem xét việc hỗ trợ, bồi thường đối với các hộ dân khác theo kế hoạch số 41/ KH-UBND ngày 15/4/2014 của UBND huyện Mường La có sai phạm không? Nếu có thì xác định mức đó sai phạm và xem xét trách nhiệm của các bị can và các đối tượng liên quan” và “làm rõ động cơ, mục đích phạm tội của các bị can? Có việc cấu kết, trao đổi, thỏa thuận giữa các bị can với các hộ dân về việc bồi thường, hỗ trợ không? Nếu có thì được hưởng lợi bao nhiêu", đồng thời “Xem xét trách nhiệm của công ty cổ phần tư vấn và đo đạc Bảo Bình”.
Mới đây, UBND tỉnh Sơn La có công văn số 3011/UBND-NC gửi Công an tỉnh và Viên KSND tỉnh đề nghị VKSND tỉnh và Công an tỉnh xem xét, giải quyết đơn kêu oan của anh Trương Thành Công cho bố mình. UBND tỉnh yêu cầu hai cơ quan trên báo cáo trước ngày 15/9/2018.
Bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 05/KLĐT-PA92 ngày 07/06/2018 của Cơ quan An Ninh điều tra Công an Tỉnh Sơn La (PA92 Sơn La) và bản cáo trạng số 69/CT-VKS-P1 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La (VKS Sơn La) ngày 11/07/2018 khẳng định hậu quả thiệt hại trong vụ án này là diện tích đo đạc sai là gần 170 nghìn mét vuông.
Từ việc đo đạc lập bản đồ địa chính sai nêu trên đã dẫn tới việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ sai cho các hộ, trong đó có hộ Đèo Văn Ban đã được bồi thường, hỗ trợ sai là hơn 1,2 tỷ đồng. VKSND tỉnh Sơn La kết luận, nguyên nhân gây ra hậu quả thiệt hại xuất phát từ Kế hoạch 41/KH-UBND ngày 15/04/2014 do ông Trương Tuấn Dũng ký ban hành.
Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến,thuộc Văn phòng Luật sư Đức Thịnh, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thì bản Kế hoạch số 41/KH-UBND mà ông Dũng ban hành không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không phải là một quyết định hành chính và không có tính chất bắt buộc các cơ quan, đơn vị dưới quyền phải thực hiện. Nội dung của Kế hoạch 41/KH-UBND ngày 15/04/2014 do ông Trương Tuấn Dũng ký ban hành cũng đã yêu cầu rõ việc đo đạc phải “đảm bảo đúng diện tích thực tế của hộ”.
Kế hoạch phối hợp phải được các bên thống nhất trước khi triển khai thực hiện với một khoảng thời gian phù hợp cho công tác chuẩn bị và được điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp với thực tế triển khai công việc. Chính vì vậy có thể thấy bản Kế hoạch số 41 không bắt buộc, chỉ đạo các cơ quan cấp dưới thực hiện các công việc theo lộ trình cụ thể mà chỉ mang tính đề xuất để các cơ quan thực hiện tham khảo các công việc, lộ trình đã nêu, đồng thời yêu cầu phải đảm bảo tính chính xác.
"Các cơ quan được nêu tại bản Kế hoạch số 41 có quyền làm theo hoặc không làm theo nếu không thống nhất được việc phối hợp thực hiện.Ngoài ra, ông Dũng không có lời nói hoặc văn bản chỉ đạo nào đo đạc diện tích đất của hộ gia đình ông Đèo Văn Ban. Sau khi đo đạc, ông Dũng cũng không phải là người phê duyệt kết quả đo đạc, không phải là người ký các quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ, bồi thường chi tiết và cũng không ký quyết định thu hồi đất chi tiết", Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến đánh giá.
Còn Luật sư Luật sư Cao Thị Hồng Nhật, Công ty Luật TNHH Tài Nguyên thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thì “văn bản trả lời số 952/STP-XDKTVB ngày 25/10/2017 của Sở tư pháp Tỉnh Sơn La nêu rõ, kế hoạch 41/KH-UBND không phải là một quyết định mệnh lệnh hành chính mang tính bắt buộc những cơ quan chức năng liên quan hoặc cấp dưới phải thực hiện". Nghĩa là, văn bản này chỉ là một văn bản mang tính đề xuất về lộ trình, kế hoạch cho các đơn vị trên địa bàn huyện cùng nhau phối hợp triển khai những ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 617/UBND-KTN ngày 18/3/2014.
Chính vì vậy, phần cuối của Kế hoạch số 41/KH-UBND có ghi rõ nội dung là “kế hoạch phối hợp phải được các bên thống nhất trước khi triển khai thực hiện với một khoảng thời gian phù hợp cho công tác chuẩn bị và được điều chỉnh thường xuyên cho phù hợp với thực tế triển khai công việc”.
Câu hỏi đặt ra ở đây là việc thực hiện Kế hoạch 41 được triển khai đồng bộ với hơn 600 hộ dân, nhưng việc sai sót lại chỉ ở 1 hộ dân gây ra thiệt hại với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng thì không thể kết luận do Kế hoạch 41 và người ký kế hoạch 41 gây ra. Đây là vấn đề cần được điều tra làm rõ để tránh làm oan sai và cũng không để lọt người, lọt tội.