Vụ tranh chấp đất ở Trà Vinh: “Họa vô đơn chí”

(PLO) - Đất được chính quyền xác nhận, nhưng sau đó sổ đỏ lại được cấp cho người khác, trong khi người được xác nhận trước đó không hề hay biết? “Họa” không dừng lại khi bị tòa xử thua, gia đình này còn bị người hàng xóm tranh chấp rằng bị thiếu đất?
Bà Ngọc Anh trong góc sau ngôi nhà được xây dựng và ở ổn định mấy chục năm qua
Bà Ngọc Anh trong góc sau ngôi nhà được xây dựng và ở ổn định mấy chục năm qua

Chứng nhận cho người này, cấp sổ đỏ cho người kia

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (SN 1958), gia đình bà sinh sống tại 29 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 7, TP Trà Vinh từ năm 1974. Năm 1991, cán bộ Sở Địa chính xuống đo đạc đất đai, bố bà là Nguyễn Đình Cán đã kê khai đăng ký vào sổ bộ địa chính phần đất nông nghiệp (ao) diện tích khoảng 64m2, tại bản đồ 728, tờ bản đồ 18C.

Năm 1995, bố bà làm giấy xin chứng nhận ruộng đất và được khóm xác nhận, phường 7 chứng nhận về việc sở hữu hợp pháp diện tích đất 855m2, trong đó có 64m2 đất ao. Năm 2004, khi xin cấp sổ đỏ  đất ở và đất nông nghiệp thì ngã ngửa vì năm 2002 phần đất ao đã được cấp sổ đỏ cho bà Trần Thị Lê, trú cùng địa phương.

Năm 2006, gia đình bà Ngọc Anh khởi kiện ra TAND thị xã Trà Vinh, yêu cầu bà Lê trả lại phần đất ao 60m2. Toà án đo đạc và thẩm định diện tích tranh chấp là 49m2, thuộc thửa 50, tờ bản đồ 56 đã được UBND thị xã Trà Vinh cấp cho bà Lê và cho rằng, biên bản xác định mốc giới, ranh giới thửa đất cũng thể hiện ông Cán đã ký giáp ranh và năm 2005 vợ con ông Cán cũng thống nhất với khảo sát của phường, tức thừa nhận phần đất tranh chấp là của bà Lê.

Từ đó, toà bác yêu cầu của bà Ngọc Anh và tuyên bố phần đất tranh chấp diện tích thực đo 49m2 (biên bản thẩm định, định giá ngày 19/10/2006) thuộc quyền sử dụng của bà Lê. Bà Ngọc Anh không đồng tình với phán quyết trên và cho rằng, bố bà ký giáp ranh năm 1995 vì đất ao của gia đình giáp ranh với đất ao các hộ xung quanh, trong đó có bà Lê. Hơn nữa, việc mẹ và em bà ký đơn hoà giải năm 2005 không có giá trị pháp lý, bởi chưa được sự uỷ quyền của bố bà.

Bà Ngọc Anh kháng cáo, tại phiên toà phúc thẩm năm 2007, TAND tỉnh Trà Vinh cho rằng năm 1991, ông Cán có đăng ký kê khai nhưng không sử dụng đất. Sau này khi bà Lê kê khai đo đạc, ông Cán có ký tứ cận tiếp giáp nên việc cấp sổ đỏ cho bà Lê là đúng quy định pháp luật, từ đó bác kháng cáo của gia đình bà Ngọc Anh. Lập luận của Toà khiến bà Ngọc Anh bức xúc: “Tòa cho rằng bố tôi kê khai đất năm 1991, nhưng không sử dụng là không đúng, vì năm 1995 bố tôi trồng rau trên đất ao thì xung đột với ông Nguyễn Văn Chiến là chủ đất liền kề và có đánh ông này, bị lập biên bản”.

Mua không được nên tranh chấp?

Năm 2008, bà Lê bán thửa đất 50, tờ bản đồ 56 (trong đó có phần đất ao) cho bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, sau đó bà Thảo tặng cho em trai. Bà Ngọc Anh cho biết, bà Thảo từng ngỏ ý mua một phần diện tích đất của gia đình bà tại vị trí nằm giáp ranh với phần đất ao, nhưng gia đình không đồng ý. Cuối năm 2016, bà Thảo xây công trình trên đất ao theo mốc mà trước đó năm 2006, TAND thị xã Trà Vinh đã xác định. Tuy nhiên, sau đó bà Thảo cho rằng đất của mình bị thiếu và “nghi” phần sau ngôi nhà gia đình bà Ngọc Anh nằm trên đất em trai mình.

Tháng 12/2016, bà Thảo làm đơn gửi lên UBND phường 7, yêu cầu xác định ranh giới đất. Phường đã tiến hành hoà giải 2 lần, tại biên bản ngày 14/12/2016, bà Thảo đại diện cho em trai yêu cầu gia đình bà Ngọc Anh trả lại phần đất 11m2. 

Trao đổi với phóng viên, bà Thảo cho rằng trước đây gia đình bà Ngọc Anh đề nghị bán đất cho bà. Còn về căn cứ để đòi đất, bà Thảo cho biết khi đo đất thì thấy thiếu 11m2 nên “phỏng đoán” gia đình bà Ngọc Anh lấn đất, còn không hề có căn cứ nào cụ thể.

Yêu cầu của bà Thảo khiến bà Ngọc Anh bức xúc, bởi căn nhà gia đình bà đang ở đã có từ hàng chục năm, TAND thị xã Trà Vinh cũng đã xác định mốc để tính diện tích tranh chấp nằm ngoài bức tường nhà bà 36cm. Ngoài ra, 2 cấp toà sơ thẩm và phúc thẩm cũng đã xác định diện tích tranh chấp thực tế chỉ có 49m2, bà Lê là bị đơn cũng đồng tình với điều này. 

“Ngôi nhà gia đình tôi đang ở trước đây toà đã xác định không hề liên quan gì đến việc tranh chấp, tức cột mốc nằm phía ngoài bức tường, nay bà Thảo cho rằng một phần nhà tôi nằm trên đất của bà ta là không thể chấp nhận. Đúng là “họa vô đơn chí”, bà Ngọc Anh bức xúc.

Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP HCM), thực tế nhiều thửa đất đã được cấp sổ đỏ nhưng vẫn xảy ra tình trạng thừa, thiếu diện tích do nhiều nguyên nhân như: sai sót do cách đo vẽ, sai mốc, thửa này lấn thửa kia…

Tuy nhiên, nếu mốc giới đã được xác định vẫn cố định thì có thể xảy ra ở lý do khác, phần diện tích với thửa khác. Khi bản án của tòa có hiệu lực thì các bên phải tôn trọng quyết định này, trong đó có phần vị trí mốc giới của các thửa đất, trường hợp đương sự có căn cứ thì phải làm đơn theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Trong vụ việc này, bà Thảo cần xác định đúng nguyên nhân về diện tích thiếu hụt 11m2, bởi có nhiều nguyên nhân chứ không phải mặc định thiếu hụt diện tích là do bị lấn chiếm, trong khi đó một thửa đất có thể tiếp giáp nhiều thửa liền kề.

Đọc thêm