Vụ Trưởng thôn “tham ô”: Vì sao Chủ tịch thị trấn thoát tội?

(PLO) - Cho rằng Vi Văn Thông (SN 1958) và Ngô Ngọc Oánh (SN 1981), nguyên Trưởng thôn và Phó thôn Nòn, thị trấn Thanh Sơn, Sơn Động, Bắc Giang có hành vi tham ô quỹ thôn 40 triệu đồng, TAND huyện Sơn Động đã xử phạt mỗi bị cáo 2 năm tù.
Công trình đường bê tông thôn Nòn.
Công trình đường bê tông thôn Nòn.

Trong khi hai bị cáo đang kêu oan thì một số người dân ở đây lại cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ lọt hành vi đồng phạm của nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Quang Sơn.

Nộp 60 triệu, viết phiếu thu 100 triệu

Theo Bản án sơ thẩm của TAND huyện Sơn Động thì vào năm 2012, khi thôn Nòn làm đường bê tông nông thôn, bị cáo Thông và Oánh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tự ý lấy quỹ của thôn do mình đang trực tiếp quản lý để sử dụng vào công việc gia đình, dẫn đến không nộp đủ  tiền về UBND thị trấn Thanh Sơn, không bàn giao được cho Ban Quản lý mới của thôn. Mặc dù Thông và Oánh chỉ nộp được về cho UBND thị trấn 60 triệu nhưng ông Nguyễn Quang Sơn (lúc đó là Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn) chỉ đạo cho kế toán viết phiếu thu “khống” số tiền là 100 triệu đồng. Sau đó, Thông và Oánh đã nộp phiếu thu này cho Ban Quản lý mới của thôn để giải trình về các khoản chi. 

Cho rằng việc không nộp tiền cho UBND thị trấn và chia nhau chiếm đoạt 40 triệu của Thông và Oánh trên đây đã phạm vào tội “tham ô”, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt mỗi bị cáo 2 năm tù. 

Về số tiền 60 triệu mà UBND thị trấn nhận được, Nguyễn Quang Sơn đã chỉ đạo giao chi trả tiền giám sát công trình cho một số cá nhân (trong đó Sơn được hưởng 1,4 triệu đồng). Cho rằng việc làm này là trái công vụ vì quyết định phê duyệt dự toán, quyết toán công trình không thể hiện khoản chi giám sát công trình, TAND huyện Sơn Động đã xử phạt Sơn 1 năm tù (cho hưởng án treo) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Người chỉ đạo viết phiếu thu thoát tội

Mặc dù tại các bản kết luận điều tra, Cơ quan CSĐT đều khẳng định, Nguyễn Quang Sơn với trách nhiệm là chủ tài khoản cơ quan thì đủ khả năng và có trách nhiệm biết rõ việc chỉ đạo kế toán viết phiếu thu khống 100 triệu và “lùi ngày” để giúp Thông và Oánh thông báo cho nhân dân thôn Nòn là đã nộp đủ tiền cho UBND thị trấn, nên Thông và Oánh mới tham ô được 40 triệu đồng. Hành vi trên của ông Sơn có dấu hiệu đồng phạm với hành vi phạm tội của Oánh và Thông.

Tuy nhiên, Cáo trạng của VKSND huyện Sơn Động chỉ truy tố Sơn về hành vi chi sai 32 triệu để hưởng lợi 1,4 triệu đồng chứ không truy tố về hành vi giúp sức cho Thông và Oánh trong việc tham ô. Khi xét xử sơ thẩm, HĐXX cũng cho rằng thời điểm lập phiếu thu khống thì Oánh và Thông đã chiếm đoạt được tiền, thiệt hại đã xảy ra. Mặt khác, Sơn vẫn yêu cầu Oánh phải nộp chậm, nộp dần cho đủ 100 triệu đồng nên hành vi của Sơn không cấu thành tội tham ô.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tàu - đại diện tổ kiểm tra tài chính thôn Nòn thắc mắc, không hiểu sao ông Sơn lại không bị truy tố và xét xử về hành vi giúp sức trong vụ tham ô này? Việc ông Sơn tạo điều kiện để Trưởng thôn và Phó thôn cũ hợp thức hóa chứng từ, che dấu khoản tiền 40 triệu đã được CQĐT kết luận rõ. Nếu không có hóa đơn khống này thì ông Thông, ông Oánh không thể “ỉm” mất 40 triệu này mà phải phải nộp trả đủ cho thôn khi bàn giao cho Trưởng thôn mới. Thử hỏi, lúc ông Thông, ông Oánh đến nộp cho xã tiền, ông Sơn thấy thiếu tiền, không ghi hóa đơn khống 100 triệu cho hai ông này thì làm sao có vụ tham ô này được.

Sai phạm bắt nguồn từ Chủ tịch thị trấn?

Kêu oan trong vụ án này, trong đơn kháng cáo của mình ông Thông và ông Oánh cũng cho rằng, sở dĩ hai ông giữ lại 40 triệu là thực hiện nội dung thỏa thuận trước đó giữa đơn vị thi công (Cty Đại Cường), ông Sơn (đại diện UBND thị trấn Thanh Sơn) và ông Thông, ông Oánh (đại diện thôn Nòn) rằng, Cty Đại Cường sẽ trích 5% giá trị hợp đồng (tương đương 40 triệu đồng) cho thôn Nòn. Chính vì vậy nên có việc hai ông chỉ nộp về xã 60 triệu chứ không phải 100 triệu như phiếu thu. Tuy thỏa thuận trên không lập bằng văn bản nhưng việc trích 5% như trên đã thể hiện rõ nội dung ghi chép của ông Thinh là “5% công trình (Đại trả) = 40.000.000 đồng” (tài liệu gốc hiện nay do ông Tàu đang giữ). Hai ông không có mục đích chiếm đoạt 40 triệu vì đây chỉ là sự hiểu sai về các khoản chi. Thực tế, khi bị thôn yêu cầu trả tiền và biết là giữ tiền sai quy định thì hai ông cũng trả lại tiền cho thôn sử dụng.

So sánh với vai trò của ông Sơn trong vụ án này, ông Thông cho hay: “Rõ ràng, ông Sơn biết rõ thỏa thuận trên nên mới để chúng tôi giữ lại 40 triệu và không hề có việc ông này thúc giục chúng tôi nộp tiếp cho đủ 100 triệu như bản án nêu. Thực tế, ngày 10/3/2012, công trình làm đường đã quyết toán xong, UBND thị trấn không có chủ trương thu số tiền 100 triệu của thôn Nòn nữa nhưng 5 tháng sau, ông Sơn vẫn chỉ đạo thu lại 60 triệu của thôn nhằm mục đích gì? Việc chúng tôi nộp 60 triệu, giữ lại 40 triệu là theo sự chỉ đạo của ông Sơn. Nếu bảo chúng tôi cố tình giữ lại 40 triệu là sai, là tham ô thì trách nhiệm trước hết là của ông Sơn. Còn nếu bảo hành vi của ông Sơn không gây thiệt hại về vật chất thì có nghĩa chúng tôi cũng không gây ra thiệt hại gì?.

Như vậy, không chỉ có một số người dân thôn Nòn mà hai bị cáo trong vụ án cũng thắc mắc về sự “thoát tội” của nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn trong vụ án này.

PLVN sẽ thông tin tiếp về diễn biến của phiên tòa phúc thẩm tới đây.

Đọc thêm