Nguyễn Văn Thiệu - 'Bất chiến' tự nhiên thành, từ Đại tá bước lên ngôi Tổng thống

(PLO) -Nguyễn Văn Thiệu đã cai trị miền Nam trong 10 năm. Ngày 17/6/1965, Thiệu mua chuộc để được các tướng lĩnh tôn lên làm Quốc trưởng sau những vụ mặc cả kéo dài nhiều ngày, giúp loại trừ được kẻ địch là tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ. Hai năm sau, Thiệu mua chuộc để được bầu làm Tổng thống và lại tự làm cho mình tái đắc cử 30/10/1971.
Tổng thống Thiệu bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 2.
Tổng thống Thiệu bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ 2.

Nguyên là sĩ quan được Tổng thống Ngô Đình Diệm tín cẩn phong hàm đại tá, giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 5, Nguyễn Văn Thiệu đã tham gia đảo chính Diệm và được phong thiếu tướng.

Tiếp đó, qua những đợt phong tướng hàng loạt để mua chuộc quân đội của Nguyễn Khánh, chỉ một năm sau, Nguyễn Văn Thiệu lại được phong trung tướng. Khi Nguyễn Khánh bị trục xuất đi lưu vong làm đại sứ lưu động, Thủ tướng Phan Huy Quát và Quốc trưởng Phan Khắc Sửu từ nhiệm, năm 1965, Thiệu lại được các tướng lĩnh bầu làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo quốc gia (Quốc trưởng), tiếp đó là Tổng thống của miền Nam suốt hai nhiệm kỳ.

Vì sao con đường hoạn lộ của tướng Thiệu lại hanh thông thẳng tắp cho đến ngày sụp đổ? Điều gì đã giúp Thiệu vượt qua những tướng lĩnh khác cũng đầy tham vọng, lại có bề dày thành tích, hoặc trẻ tuổi nhưng năng nổ nhiệt huyết hơn? 

Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia 1965.
Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia 1965.

Ký giả người Pháp nhiều năm gắn bó với Việt Nam Jean Lartéguy trong tác phẩm của mình đã quy trách nhiệm sự thất bại của chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) cho Tổng thống Thiệu, bằng cách nói hình tượng “người chịu trách nhiệm làm cho tòa nhà sụp là viên tướng nhỏ con Nguyễn văn Thiệu. Ông ta đã giữ binh lính và nhân dân ở trong tình trạng ngủ mê cho đến cùng. Cho đến lúc rớt từ mái nhà xuống, ông ta đã có cái quyết định tai hại là ra lệnh rút khỏi cao nguyên mà không tham khảo ai hết, chẳng chuẩn bị gì hết”. 

Thế lực ngầm hỗ trợ

Nguyễn Văn Thiệu đã cai trị miền Nam trong 10 năm. Ngày 17/6/1965, Thiệu mua chuộc để được các tướng lĩnh tôn lên làm Quốc trưởng sau những vụ mặc cả kéo dài nhiều ngày, giúp loại trừ được kẻ địch là tướng không quân Nguyễn Cao Kỳ. Hai năm sau, Thiệu mua chuộc để được bầu làm Tổng thống và lại tự làm cho mình tái đắc cử 30/10/1971.

Nguyễn Văn Thiệu là người miền Trung, thuộc gia đình có đủ ăn. Thiệu theo học một lớp hàng hải và mong sẽ được chỉ huy một chiếc tàu buôn khi sự tình cờ đưa Thiệu tới trường Võ bị Đà Lạt. Thiệu có chân trong đảng Đại Việt, đảng quốc gia cực đoan và làm việc với người Nhật. Mạnh mẽ chống Pháp, ít ra cũng là trong lúc đầu, Đại Việt đào tạo một phần cán bộ chính trị và trí thức cho miền Nam.

Ngô Đình Diệm là một sự thừa kế của Đại Việt, Thiệu dẫu sao cũng dính líu tới gia đình họ Ngô. Và chính Diệm đưa Thiệu lên. Là sĩ quan theo quân đội Pháp, Thiệu làm cho người ta chú ý vì sự kín đáo và vì tính khép nép. 

Tướng Thiệu vận động tranh cử Tổng thống 1967.
 Tướng Thiệu vận động tranh cử Tổng thống 1967.

Jean Lartéguy đã tiết lộ thông tin khá lạ là, tại Đông Nam Á  người ta có thói quen đặt cọc một vài nhân vật bằng cách đưa họ lên, hi vọng rằng một trong những “con gà” đó sẽ lên cầm quyền và sẽ trả nợ gấp trăm lần.

Francis Koo, con của một gia đình quyền thế, là bạn thân của con trai Trưởng Giới Thạch đã đặt cọc vào Thiệu. Là người Hoa sinh tại Thượng Hải, học tại Pháp, ông ta chỉ là Đệ nhất Bí thư của Sứ quán Đài Loan tại Sài Gòn thời Diệm. Đó là cái bình phong. Thực tế ông ta điều khiển mạng lưới tình báo của nhiều nước, một thứ điều hợp viên phụ trách những hoạt động chính trị lớn lao.

Lúc đó, Thiệu mới là một sĩ quan cấp nhỏ dưới thời Diệm. Thiệu cưới một người vợ miền Nam, cùng theo đạo Công giáo. Thiệu là đại úy rồi leo tới đại tá, song vẫn dè dặt và kín đáo.

Trong Dinh Tổng thống, sự kín đáo và sự tận tụy khuyển mã của Thiệu khiến người khác hài lòng. Vì nhà vợ ít nhiều đã luôn luôn chạy theo quỹ đạo của nhà Ngô nên Thiệu được coi là người trong nhà của họ Ngô. 

Francis Koo là cố vấn và nâng đỡ Thiệu. Thiệu được giao chức vụ Chỉ huy đoàn vệ binh phủ Tổng thống. Thế là rốt cuộc, Thiệu đã giữ một chức vụ then chốt.

Đường binh nghiệp thênh thang

Khi Diệm bị đảo chính, lúc đầu Thiệu khôn ngoan đứng ngoài vụ âm mưu, chỉ đi theo phe nổi dậy khi đã hiểu (hoặc khi Koo cho biết) rằng phe ấy sẽ thắng vì được Mỹ yểm trợ. Nhưng lại chính Thiệu để cho hai anh em Diệm - Nhu trốn khỏi dinh để núp vào một nhà thờ tại Chợ Lớn. Sau đó, hai người bị chỉ điểm và bị bắt. 

Thiệu không chơi trội. Thiệu để cho những viên tướng khác múa rối trước sân khấu và cắn xé nhau chỉ trong ít lâu  Minh “cồ” (Dương Văn Minh) đã bị văng cùng với nhóm sĩ quan thân Pháp: Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân, Trần Văn Đôn và Tôn Thất Đính. Khánh “mập” và Minh “nhỏ” cũng bị đá.

Rồi xuất hiện Nguyễn Cao Kỳ với đám phi công chơi trò cao bồi trên đường phố Sài Gòn. Người ta bắt đầu nói tới Thiệu như là người duy nhất khả dĩ chấp nhận được trong nhóm quân nhân, vì những người kia đã quên chiến tranh mà chỉ nghĩ tới làm chính trị như làm gánh xiếc.

Đỗ Mậu cũng có nhận xét tương tự, dưới chế độ Diệm, đường binh nghiệp của Thiệu rộng mở thênh thang. Đang làm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh hành quân cho tướng Dương Văn Minh, nhờ các linh mục nâng đỡ bảo bọc, Thiệu được Ngô Đình Diệm cử giữ chức Chỉ huy trưởng trường Võ Bị Quốc gia Đà Lạt.

Ngày Diệm có ý định cử Thiệu giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 5, Diệm bảo Đỗ Mậu làm tờ trình về Thiệu. Trong mục ý kiến, Đỗ Mậu đã viết rằng: "Thiệu không theo một đảng phái nào mặc dù có người anh ruột theo đảng Đại Việt. Thiệu là một trong số sĩ quan ưu tú nhất của quân đội”.

Đầu năm 1963, sau khi về nắm chức Tư lệnh Sư đoàn 5, Thiệu đã đến văn phòng thăm xã giao, Đỗ Mậu cho Thiệu biết: "Số của Thiệu sắp đến thời làm rất lớn vào hàng văn võ song toàn, ít nhất cũng vào hàng Bộ trưởng Quốc phòng".

Thiệu rất ngạc nhiên không hiểu vì sao Đỗ Mậu biết được số tử vi, nghĩa là biết được ngày giờ sinh âm lịch của Thiệu. Tuy nhiên Thiệu vẫn dè dặt xin Đỗ Mậu đừng nói ra, sợ “ông Cụ (Tổng thống Diệm – NV) biết được ông sẽ chém đầu cả hai đứa mình". 

Theo Đỗ Mậu, thật ít ai có lá số tử vi đại quý cách như Thiệu, và đặc biệt là cung phúc đức cho Thiệu hưởng được hết âm đức của cha mẹ ông bà.

Số của Thiệu có đến bốn chữ “Tý”: Tuổi Giáp Tý 1924, sinh vào giờ Tý (nửa đêm), tháng Tý (tháng 11 âm lịch), và cung Mệnh cũng nằm ở Tý. Lại nữa mệnh của Thiệu lại là mệnh Kim, mà lại nằm ở cung Thuỷ là rất đắc cách.

Năm 1965, Thiệu 41 tuổi đi vào cung Thổ, mà Thổ lại sinh Kim, lại gặp Khoa, Quyền, Lộc, Binh, Hình, Tướng, ấn hội chiếu là thượng cách, vì thế Thiệu giữ chức Chủ tịch Uỷ ban lãnh đạo quốc gia rồi lên chức Tổng thống.

Hết đại hạn ở cung Thổ (năm 1975), Thiệu 51 tuổi đi vào cung hoả, mà hoả thì đốt cháy kim nên Thiệu mất chức Tổng thống. Tuy nhiên vì cung Phúc Đức là gốc của lá số cho nên tuy hết làm Tổng thống, Thiệu vẫn thụ hưởng giàu sang an nhàn cho đến năm 1985, nghĩa là vào hạn Chính hoả ở cung Ngọ, Thiệu sẽ gặp nhiều tai họa và sẽ bị "thiêu đốt” trong đại hạn này (từ 1985 đến 1995). 

Có một điều Đỗ Mậu vô ý là dù quen biết Thiệu đã lâu ngày nhưng mãi cho đến khi nhìn Thiệu qua màn ảnh truyền hình mới thấy được cặp mắt của Thiệu “láo liên", biểu hiện sự gian trá và làm cho Thiệu trở thành tay gian hùng, tham nhũng.

Về việc Thiệu tham gia đảo chính, Đỗ Mậu cho biết, sau khi bàn bạc với tướng Đô, Khiêm và đã được đồng tình, từ văn phòng Nha An ninh Quân đội, Đỗ Mậu gọi điện thoại mời Thiệu  đang là Tư lệnh Sư đoàn 5 ở Biên Hoà , vờ bảo lên gặp gấp vì có thư nặc danh tố cáo Thiệu tham nhũng. Độ vài tiếng đồng hồ sau, Thiệu đã có mặt.

Vừa bắt tay Thiệu, Đỗ Mậu vừa nghiêm giọng: "Tôi mời anh lên đây để bắt giam vì anh đang âm mưu tổ chức đảo chính”, Thiệu tuy hơi biến sắc nhưng cũng giả vờ tìm cách thoái thác. Đỗ Mậu vội trấn tĩnh Thiệu. Là người quyền biến và có ý thức chính trị nên Thiệu hỏi: "Anh nghĩ gì về thể chế tương lai sau khi hạ được chế độ Diệm?”.

Đỗ Mậu trả lời: "Tất nhiên là thể chế dân chủ, tạo điều kiện và sinh hoạt thuận tiện cho công cuộc đại đoàn kết quốc gia…”. Tuy nhiên, Đỗ Mậu  nói tiếp: "Chưa bắt được cọp hãy khoan nói đến chuyện lột da, chúng ta hãy bàn chuyện tổ chức và hành động để loại trừ lực lượng chính trị và quân sự của Nhu trước đã".

“Tứ trụ triều đình”

Năm 1966, nền Đệ nhị Cộng hoà ra đời với vấn đề với tấm giấy khai sinh chính trị đề tên "chế độ Nguyễn Văn Thiệu”. Theo Đỗ Mậu, để nhận diện chế độ này không thể theo phương pháp thông thường đặt nặng vấn đề cứu xét các chính sách, thẩm định các cơ cấu chính quyền hay phân tích cái văn kiện căn bản về hành chính và tư pháp, mà phải nhìn thành phần nhân sự lãnh đạo ở thượng tầng, và cái thế lực hậu thuẫn chế độ đó ở hạ tầng quần chúng. 

Thật vậy, kể từ năm 1954, chính trị miền Nam là một loại chính trị mà lực vận động chính là nhân sự. Chính sách, đường lối, sách lược, phương tiện... đều đã bị Mỹ âm thầm hay công khai nắm lấy để điều động, cho nên trong mỗi giai đoạn, với mỗi chế độ đều có một khuôn mặt Việt Nam tiêu biểu, đều có một lực lượng Việt Nam nổi bật lên, và chỉ cần xét khuôn mặt đó, lực lượng đó là có thể thấy được chân tướng chính trị và văn hoá của chế độ này. Đó là quy luật đặc thù của chính trị miền Nam từ sau 1954. 

Chế độ Thiệu cũng không nằm ngoài quy luật dó, cho nên chỉ cần điểm mặt thành phần lãnh đạo làm việc cho Thiệu và vì Thiệu, chỉ cần lôi ra ánh sáng thế lực hậu thuẫn cho chính quyền quân phiệt đó là có thể xác định được chế độ Thiệu có phải là một chế độ “Diệm không Diệm” không? 

Vậy thì những ai làm việc cho Thiệu? Trong Dinh Độc Lập có cố vấn an ninh tình báo kiêm cố vấn quân sự là Đặng Văn Quang, người con nuôi của chị ruột Tổng thống Diệm và là thân mẫu của Giám mục Bùi Văn Lương thời Diệm.

Ngoài những chức vụ chính thức, Quang còn có những nhiệm vụ bí mật là thiết lập kế hoạch và phối hợp công tác của các cơ quan chính quyền để triệt phá các thành phần đối lập với chế độ. Quang cũng là người điều động một hệ thống tổ chức buôn thuốc phiện lậu để chia lời với Thiệu như Ngô Đình Nhu trước kia buôn thuốc phiện lậu để làm giàu.

Cố vấn phụ trách kinh tài là dược sĩ Nguyễn Cao Thăng, Giám đốc hãng thuốc O.P.V, người Phú Cam, từng làm dân biểu gia nô và kinh tài cho anh em Diệm.

Nhiệm vụ chính trị của Thăng là xây đựng cho Thiệu một nghị viện bù nhìn. Chính Thăng thay Thiệu để giao thiệp, mua chuộc, hướng dẫn và kiểm soát nghị viện để hướng định chế gọi là "dân cử" này ủng hộ đường lối của Thiệu. 

Khi Thăng bất thình lình chết vì bệnh ung thư thì phụ tá của Thăng trong Dinh Độc lập là Nguyễn Văn Ngân lên thay thế. Ngân là người Nghệ Tĩnh, bà con của Linh mục Cao Văn Luận. Đúng như giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ đã nói trong tác phẩm "Những ngày cuối cùng của VNCH", thì hết Thăng rồi đến Ngân chính là những người nắm giữ tay hòm chìa khoá của cái quỹ chi tiền cho các dân biểu, nghị sĩ và các lực lượng thân chính. 

Cố vấn chính trị và là tối cao quân sự của Thiệu một cách không chính thức trong Dinh Độc lập là Linh mục Cao Văn Luận, nguyên là một công thần của nhà Ngô. Cao Văn Luận may mắn được anh em Diệm cho làm Viện trưởng Viện đại học Huế, nhưng đến năm 1963, trước cao trào đấu tranh dũng mãnh của sinh viên và trí thức miền Nam, Luận phải miễn cưỡng gia nhập theo nên bị nhà Ngô cắt chức Viện trưởng. 

Sau này, Cao Văn Luận bị chỉ trích thái độ chống chính quyền Diệm trước kia nên tìm cách liên hệ để tiến thân với Thiệu, cuối cùng được Thiệu tín nhiệm. Nhờ cái “mác” Viện trưởng Viện đại học cũ, lại nhờ đi ngoại quốc nhiều nên Luận được Thiệu giao cho nhiệm vụ đặc biệt là giao thiệp, liên lạc với các chính khách Hoa Kỳ, đặc biệt với Toà thánh La Mã. 

Vào tầm ngắm của CIA

Như vậy, trong một chế độ mà các quyết định sinh tử liên hệ đến vận mệnh quốc gia tập trung vào một người chứ không phải vào những Hội đồng an ninh, Hội đồng nội các… như chế độ Thiệu thì vai trò cố vấn trong những buổi họp kín giới hạn mới là vai trò mấu chốt.

Mà bốn người cố vấn quân sự, chính trị, kinh tài và tình báo tuy xuất thân từ những môi trường khác, sinh hoạt trong những lĩnh vực khác nhau, tiến thân từ những trình độ khác nhau nhưng lại có một yếu tố chung rất nổi bật, đó là Tôn giáo, nhờ thế họ bước lên được vị trí gần nhất xung quanh Tổng thống Công giáo của nền Đệ nhị Cộng hoà. Họ cần Thiệu cũng như Thiệu cần họ trong cái thế thoả hiệp để san sẻ quyền lực và củng cố quyền lực. 

Khi đã có "tứ trụ triều đình", cũng như Diệm ngày xưa trong chính sách nhân lực, cả cái hệ thống vận hành trung cấp ở dưới phải là các linh mục và các tín đồ Thiên chúa giáo khác. Trước hết là linh mục Nhuận và nhóm Nguyễn Đức Xích phụ trách việc theo dõi, dò xét các đảng phái, tôn giáo và những thành phần đối lập rồi báo cáo thẳng cho Đặng Văn Quang.

Thiếu tá Nguyễn Đức Xích được Thiệu và Quang cho giữ chức "giám sát" trong cơ quan giám sát viện, phụ tá bí mật cho ông Nguyễn Xuân Tích là bà con của Thiệu giữ chức Chủ tịch viện giám sát. Người phụ tá miền Trung cho Linh mục Nhuận có tên là Huỳnh Bút (biệt hiệu là Hoàng ái Việt) quê tỉnh Quảng Ngãi, vốn là một cán bộ Việt Nam Quốc dân Đảng từng được Ngô Đình Cẩn mua chuộc trước kia. 

Một linh mục khác là Linh mục Bửu Dưỡng, vị cố vấn bí mật đặc trách văn hoá giáo dục cho chính quyền Thiệu. Bửu Dưỡng là người đã cùng với Ngô Đình Nhu khai sinh ra cái “quái thai” "Chủ nghĩa Nhân vị Duy linh" và yểm trợ cho chế độ Diệm tiến hành sách lược "Công giáo hoá miền Nam".

Tuy nhiên, tất cả những lực lượng ủng hộ và ngay bản thân của Thiệu cũng nằm trong vòng kiểm soát của CIA.

Theo hồ sơ mật CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn vào tháng 6/1965, các tướng trẻ giải tán chính phủ dân sự và thành lập Hội đồng Lãnh đạo quốc gia do tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch (tương đương với Tổng thống) và tướng Kỳ giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (tức Thủ tướng), CIA đã bắt đầu lưu ý đến Thiệu. Theo CIA, rất khó phán đoán Thiệu vì ông ta kín đáo và trong thành phần phụ tá cận kề ít có người giao tiếp với CIA.

Nhận định chung của CIA, Thiệu là người thận trọng, đa nghi quá mức cần thiết. Trái lại, Kỳ rất dễ biết vì có nhiều nhân sự thân cận Kỳ có quan hệ với CIA. Theo CIA, Kỳ là một phi công giỏi, có khả năng lôi kéo người khác, nhưng không có kinh nghiệm hành chính và thích làm chuyện giật gân nguy hiểm. Kỳ thích uống rượu, đánh bạc và phụ nữ.

Đặc biệt là đại sứ Bunker là người ủng hộ Thiệu, trong khi đó cánh tay phải của Kỳ là tướng Nguyễn Ngọc Loan, lại là cái gai trong mắt của CIA./.(Còn tiếp)

Đọc thêm