Theo đó, tòa tuyên Trần Khắc Hiệp (nguyên Trưởng Ban QLDA Nghi Sơn), Lê Xuân Hoàng (nguyên Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán của Ban QLDA Nghi Sơn) cùng mức án 4 năm tù về tội “Lập quỹ trái phép”.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tấn (nguyên Nhân viên Phòng tài chính kế toán Ban QLDA Nghi Sơn) bị tuyên 2 năm tù cùng về tội danh trên.
Bởi theo HĐXX, hành vi của các bị cáo vi phạm việc quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho nhà nước... Trong đó, HĐXX không chấp nhận việc kêu oan của bị cáo Nguyễn Mạnh Tấn. Bị cáo Tấn kêu oan tại tòa, cho rằng nếu không làm theo chỉ đạo của cấp trên thì sẽ bị đuổi việc. Ông Tấn khẳng định bản thân không được bàn bạc hay hưởng lợi gì. Việc nhận, giữ và chi tiền chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Trước đó, trong phần tranh luận, luật sư Nguyễn Đức Toàn - bào chữa cho bị cáo Tấn cho rằng việc truy tố ông Tấn về tội “Lập quỹ trái phép” là không đúng với sự thật khách quan của vụ án.
Theo luật sư, có dấu hiệu quy chụp hành vi của bị cáo Tấn là giúp sức cho Tôn Anh Thi, Lê Xuân Hoàng và Trần Khắc Hiệp trong khi Tấn không được bàn bạc, thống nhất, không biết được và không thể biết nguồn gốc của số tiền lãi phát sinh đó được hình thành đúng pháp luật hay không. Bởi đây là trách nhiệm của Trưởng Ban QLDA. Mọi việc Tấn thực hiện đều theo phân công, chỉ đạo của cấp trên đưa ra. Với cương vị là nhân viên thực hiện công việc theo hợp đồng lao động, Tấn không thể không tuân thủ.
Ngoài ra, luật sư còn cho rằng cần điều tra, xác minh làm rõ trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khác có liên quan; cần xác định rõ trách nhiệm (nếu có) của cán bộ, nhân viên, lãnh đạo của MB Thanh Hóa và xác định có hay không các hành vi vi phạm khác (nếu có) của các cá nhân trong vụ án.
Bên cạnh đó, luật sư Toàn còn nêu quan điểm, cần căn cứ theo các quy chế, quy định của PVN để đối chiếu và xác định việc bị cáo Tấn thực hiện theo sự chỉ đạo của Trưởng ban QLDA vi phạm quy định hay hành vi chỉ đạo thực hiện của Trưởng ban QLDA Nghi Sơn đối với Tấn là vi phạm? Trong trường hợp này, Tấn có phải chịu trách nhiệm gì trong việc thực hiện đúng theo chỉ đạo của Trưởng Ban hay không?...
Do đó, luật sư Toàn đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được HĐXX chấp nhận.
Đối với ông Tôn Anh Thi, HĐXX TAND TP Hà Nội không xem xét vì trước đó VKSND Tối cao có quyết định đình chỉ bị can với ông Thi.
Theo cáo trạng, Ban quản lý dự án Công trình liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Ban QLDA Nghi Sơn) là đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Đây là đơn vị sự nghiệp kinh tế, hạch toán phụ thuộc, có con dấu riêng để giao dịch, được mở tài khoản tại hệ thống Ngân hàng…
Trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2015, lợi dụng chức vụ Trưởng Ban QLDA Nghi Sơn, được PVN ủy quyền để đàm phán, ký, thực hiện hợp đồng với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và sau khi nhận được tiền thanh toán cho Hợp đồng san lấp mặt bằng hoàn thiện và Hợp đồng nạo vét công trình biển gói BoQ2, Tôn Anh Thi, Trần Khắc Hiệp đã có hành vi làm trái quy định pháp luật.
Theo cáo trạng, Tôn Anh Thi, Trần Khắc Hiệp đã bàn bạc, thống nhất với Lê Xuân Hoàng sử dụng tổng số tiền 1.600 tỷ đồng từ nguồn tiền nêu trên và 50 tỷ đồng từ nguồn tiền PVN cấp để ký 81 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với MB Thanh Hóa và Ngân hàng TMCP Đại Dương chi nhánh Thanh Hóa tổng số tiền ghi trên các hợp đồng là 2.491 tỷ đồng trong thời gian ngắn để lấy chênh lệch lãi suất có kỳ hạn với lãi suất không kỳ hạn tổng cộng hơn 20 tỷ đồng.
Số tiền trên được để ngoài hệ thống sổ sách kế toán của Ban QLDA Nghi Sơn, chi tiêu trái phép, gây thiệt hại cho PVN hơn 20 tỷ đồng.