Gương sáng Pháp luật

Vượt gian khó đưa pháp luật đến với bà con vùng sâu, vùng xa

(PLVN) - Là Trưởng phòng Tư pháp của huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình, anh Phạm Đăng Quyên được đánh giá là có cách điều hành linh hoạt, để lại nhiều dấu ấn trong lĩnh vực tư pháp, cùng tập thể Phòng đạt được nhiều thành tích, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành Tư pháp nói chung và sự phát triển tư pháp địa phương nói riêng.

Chu toàn các nhiệm vụ được giao trong công tác tư pháp

Với chức trách nhiệm vụ được giao là Trưởng phòng Tư pháp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân (UBND) huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật…, anh đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định phê duyệt chương trình trọng tâm công tác Tư pháp hàng năm trên địa bàn huyện Tân Lạc.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trên địa bàn nhờ đó đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo chất lượng văn bản và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở huyện, tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng.

Anh Phạm Đăng Quyên cùng bà con xã Gia Mô trong buổi trợ giúp chia sẻ pháp lý, nơi đây chủ yếu là người dân tộc Mường.

Anh Phạm Đăng Quyên cùng bà con xã Gia Mô trong buổi trợ giúp chia sẻ pháp lý, nơi đây chủ yếu là người dân tộc Mường.

Công tác hành chính tư pháp trên địa bàn huyện Tân Lạc trong những năm qua cũng luôn được anh Quyên quan tâm, chú trọng. Công tác này đã đi vào nền nếp, đã giải quyết kịp thời các yêu cầu của người dân về lĩnh vực hộ tịch. Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng lên, hạn chế những vi phạm pháp luật xảy ra, giúp người dân tự bảo vệ được quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình khi tham gia vào các quan hệ dân sự. Kết quả đạt được đã góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường pháp lý lành mạnh, thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Theo anh Phạm Đăng Quyên, cá nhân anh còn chú trọng, quan tâm và thường xuyên kiểm tra công tác chứng thực tại cơ sở để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc và có biện pháp tháo gỡ kịp thời nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Công tác chứng thực trên địa bàn huyện Tân Lạc luôn thực hiện đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu của cá nhân và tổ chức đến giao dịch. Đến thời điểm hiện nay, ngành Tư pháp huyện Tân Lạc đã áp dụng phần mềm chứng thực và cơ bản giải quyết thủ tục hành chính về chứng thực ở mức độ 3,4 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tổ chức đến giao dịch.

Đồng thời, kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ về chứng thực cho các cơ sở, đồng thời chủ động nắm tình hình hoạt động chứng thực trên địa bàn, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp các địa phương tổ chức thực hiện tốt hơn công tác này.

Bên cạnh đó, công tác hoà giải ở cơ sở vẫn tiếp tục được duy trì. Năm 2019, do có sự quan tâm của Phòng Tư pháp và cá nhân anh Phạm Đăng Quyên, số vụ việc được tiếp nhận hòa giải là 20 vụ, góp phần ổn định trật tự xã hội trên địa bàn huyện.

Trao đổi với phóng viên, anh Phạm Đăng Quyên cho rằng việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức là việc làm vô cùng cần thiết nhằm phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng cán bộ để những “nhân tố” này phát huy tốt nhất khả năng, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Tư pháp.

Việc phân tích kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ thường xuyên giúp cán bộ, công chức điều chỉnh hoạt động công tác để người lao động biết tự đánh giá kết quả làm việc để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu trong công tác. Đặc biệt, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, hình thức; gắn liền việc khen và thưởng một cách hợp lý và xứng đáng, sao cho phong trào thi đua thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người đoàn kết, cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngoài ra, việc kiện toàn bộ máy cũng được anh Phạm Đăng Quyên quan tâm chỉ đạo thực hiện sát sao. Song song với việc nâng cao năng lực nghiệp vụ chuyên môn, Phòng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm, xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ chủ động, sáng tạo “vì dân phục vụ”. Phòng cũng tạo điều kiện và khuyến khích đội ngũ cán bộ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ chính trị.

Quyết tâm biến khó khăn thành động lực

Trong số các nhiệm vụ được giao, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là lĩnh vực mà anh Quyên dành nhiều tâm sức và nhắc đến nhiều. “Xuất phát từ đặc điểm ở nhiều vùng khó khăn, trình độ hiểu biết pháp luật của bà con còn hạn chế nên làm thế nào để pháp luật được đưa vào thực tiễn, đưa vào đời sống, để bà con hiểu và làm đúng là điều rất khó”.

Anh Phạm Đăng Quyên cùng đoàn cán bộ địa phương đến xã Đông Lai để trợ giúp pháp lý cho bà con nơi đây, con đường dẫn tới xã không thể đi bằng các phương tiện mà phải đi bộ cả vài cây số lầy bùn đất mỗi khi trời mưa.

Anh Phạm Đăng Quyên cùng đoàn cán bộ địa phương đến xã Đông Lai để trợ giúp pháp lý cho bà con nơi đây, con đường dẫn tới xã không thể đi bằng các phương tiện mà phải đi bộ cả vài cây số lầy bùn đất mỗi khi trời mưa.

Xác định công tác PBGDPL là khâu quan trọng hàng đầu, là cầu nối giữa hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật. Vì vậy, trong những năm qua, công tác PBGDPL tiếp tục được chú trọng đẩy mạnh thực hiện.

Cùng đồng nghiệp và các cấp chính quyền cơ sở, anh Phạm Đăng Quyên luôn nỗ lực tìm tòi, đổi mới các hình thức PBGDPL với những nội dung thiết thực cho từng đối tượng, địa bàn như in ấn tờ rơi, tờ gấp, đẩy mạnh tuyên truyền qua phương tiện truyền thông, hòa giải cơ sở, trợ giúp pháp lý, tổ chức các hội thi từ cấp cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Tất cả đều với mục đích duy nhất là làm sao để tuyên truyền, PBGDPL đến bà con hiệu quả nhất.

Trên cương vị người đứng đầu, trong bối cảnh nguồn lực của các cơ quan nhà nước nói chung và ngành Tư pháp nói riêng còn nhiều khó khăn, anh Phạm Đăng Quyên đã cùng tập thể lãnh đạo Phòng tích cực tìm tòi, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh công tác tư pháp về cơ sở, thường xuyên nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác tư pháp ở cơ sở để từ đó có biện pháp chỉ đạo, tháo gỡ.

Theo anh Phạm Đăng Quyên, cá nhân anh cảm thấy tự hào vì ngành Tư pháp đã góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương, góp phần vào thành công chung của Bộ, ngành Tư pháp. “Chúng tôi có thuận lợi là luôn được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Sở Tư pháp và sự phối kết hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, kết quả của những thành công của ngành Tư pháp huyện Tân Lạc còn là sự cộng hưởng của một tập thể thực sự đoàn kết, chung sức, chung lòng”.

Hành trình cống hiến từ khi còn là một chuyên viên chập chững vào nghề, đến nay trên cương vị người đứng đầu ngành Tư pháp của một huyện, điều chưa bao giờ vơi cạn ở vị Trưởng phòng này là sự nhiệt huyết, đam mê với công việc và sự nỗ lực không ngừng. “Ngành Tư pháp hiện còn nhiều khó khăn, nhưng tôi nghĩ rằng trong khó khăn mới thể hiện rõ nhất ý chí vươn lên, biến khó khăn thành động lực”, anh Quyên nói và cười hiền khi chia sẻ với chúng tôi.

Đọc thêm