Xài bình nước Sơn Hà, EVN "có thưởng"!

Cách khuyến khích tiết kiệm điện của EVN chẳng khác gì bắt ép người tiêu dùng mua sản phẩm của Cty Sơn Hà nếu muốn tiết kiệm1 triệu đồng

Cách khuyến khích tiết kiệm điện của EVN chẳng khác gì bắt ép người tiêu dùng mua sản phẩm của Cty Sơn Hà nếu muốn tiết kiệm1 triệu đồng.

binhnuocnangluongmattroi
Trên thị trường, không chỉ có Cty Sơn Hà cung cấp bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời

Như Pháp Luật Việt Nam đã có bài phản ánh, ngày 28/01/2010, giữa Cty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà (Cty Sơn Hà) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện chương trình bình đun nước nóng dùng năng lượng mặt trời.

Với thỏa thuận này, EVN sẽ “hỗ trợ 1 triệu đồng cho khách hàng mua bình nước nóng năng lượng mặt trời của Cty Sơn Hà”. Dự kiến, số lượng bình nước nóng năng lượng mặt trời được hỗ trợ trên cả nước trong hai năm 2010 - 2011 là 20.000 bình. Tổng chi phí EVN hỗ trợ khách hàng cũng như quảng bá tuyên truyền là 24 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc hợp tác giữa hai doanh nghiệp bằng cách EVN “hỗ trợ” tiền cho khách hàng đang gây nên mối lo ngại về sự cạnh tranh thiếu bình đẳng, phân biệt đối xử đối với người tiêu dùng của Cty Sơn Hà. Ông Nguyễn Đình Hiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thì việc hỗ trợ kinh phí được tiến hành theo hình thức “hỗ trợ trực tiếp cho người mua”.

Điều này được hiểu, khách hàng có thể mua sản phẩm tiết kiệm năng lượng của nhà sản xuất bất kỳ nhưng vẫn nhận được kinh phí hỗ trợ. Trong khi đó, bản ký kết giữa EVN và Cty Sơn Hà chỉ “hỗ trợ 1 triệu đồng cho khách hàng mua bình nước nóng năng lượng mặt trời của Cty Sơn Hà”.

Theo PGS. TS Phạm Duy Nghĩa (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Luật Kinh doanh – ĐH Quốc Gia Hà Nội), để áp dụng Điều 13 Luật Cạnh tranh 2005 và các điều 29, 20 Nghị định số 116/2005/NĐ - CP hướng dẫn áp dụng Luật này, thì nếu có dấu hiệu lạm dụng vị thế độc quyền của EVN, cần xác minh các thị trường liên quan. Ông Nghĩa cho rằng, EVN không cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất bình nước nóng dùng năng lượng mặt trời.

Chỉ có các doanh nghiệp này cạnh tranh với Cty Sơn Hà, trong cuộc cạnh tranh này EVN là người ngoài. “Như vậy các doanh nghiệp cho là bị hại nếu có chứng cứ phải khiếu nại về hành vi của Cty Sơn Hà, chứ ít có cơ sở để khiếu nại về hành vi của EVN”, ông Nghĩa phân tích.

Cũng theo ông Nghĩa, với tư cách là doanh nghiệp khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, sạch và không hại môi trường, EVN có quyền tạo quỹ và sử dụng quỹ này. Theo đó, quỹ này nên để một đơn vị trung lập quản lý, tổ chức bình chọn công khai, mang tính cạnh tranh.

Theo phân tích của một luật sư, nếu khách hàng mua sản phẩm của doanh nghiệp khác và chứng minh được có các tính năng tương tự như của Cty Sơn Hà vẫn có khả năng đến EVN “đòi” 1 triệu đồng tiền hỗ trợ. Tham vấn ý kiến người tiêu dùng, một số cho biết cách khuyến khích tiết kiệm điện của EVN bằng thỏa thuận hợp tác nói trên chẳng khác gì bắt ép họ mua sản phẩm của Cty Sơn Hà nếu muốn tiết kiệm1 triệu đồng, trong khi đó, trên thị trường vẫn có nhiều sản phẩm của các nhà sản xuất khác để lựa chọn.

Ông Đào Thanh Hoài, Phó ban Kinh doanh EVN cho biết, sẽ trả lời nội dung mà Pháp Luật Việt Nam đề cập vào một dịp thích hợp.

Việt Hưng

Đọc thêm