Xây dựng cầu qua sông Đa Độ (Hải Phòng): Gần 10 năm chưa hoàn tất việc giải phóng mặt bằng?

(PLVN) - Đến nay, đã qua gần 10 năm triển khai nhưng Dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường 403 giai đoạn II (dự án) trên địa bàn xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng vẫn chưa hoàn thành.  Một trong những nguyên nhân của việc chậm trễ trên được cho là có sự mập mờ trong việc xác định nguồn gốc đất và bố trí đất tái định cư.
Phần diện tích 125m2 được bà Điển dựng nhà bếp, bể nước và chuồng trại chăn nuôi.
Phần diện tích 125m2 được bà Điển dựng nhà bếp, bể nước và chuồng trại chăn nuôi.

Thiệt hại do chậm giao đất tái định cư 

Hai năm sau khi UBND TP Hải Phòng có thông báo về việc thu hồi đất thực hiện dự án (đoạn từ phà Dương Áo đến kênh Hòa Bình trên địa bàn xã Đông Phương), cuối năm 2013, UBND huyện Kiến Thụy ra Quyết định số 1717/QĐ-UBND thu hồi 235m2 đất của gia đình ông Nguyễn Văn Thụy và bà Nguyễn Thị Điển tại thửa đất số 132, tờ bản đồ số 1, thôn Lạng Côn, xã Đông Phương (gồm 110m2 đất ở được UBND huyện giao năm 1984 và 125m2 đất ở tự sử dụng ngoài diện tích được giao).

Sau đó, ông Thụy, bà Điển được nhận hơn 800 triệu đồng tiền bồi thường và được giao 1 lô đất tái định cư (có thu tiền sử dụng đất).

Đáng nói, dù ông Thụy và Điền được chính quyền địa phương xác nhận sử dụng ổn định, không có tranh chấp 125m2 đất ở nói trên từ năm 1991 nhưng chỉ UBND huyện Kiến Thụy hỗ trợ 50% mức giá đất ở vì căn cứ theo quy định khoản 4 Điều 14 Nghị định 184/2007/NĐ-CP và Điều 1 Quyết định số 1263/2010/QĐ-UBND của UBND TP Hải Phòng. 

Theo luật sư Phạm Văn Hóa (Đoàn Luật sư Hải Phòng), việc áp dụng quy định trên là không chính xác bởi trong quá trình sử dụng đất, gia đình ông Thụy chưa bao giờ bị lập biên bản vi phạm hành chính do bị coi là lấn chiếm đất. Đồng thời, tổng diện tích đất ở của gia đình ông Thụy không quá 300m2 (không quá hạn mức đất ở tại địa phương là 500m2/hộ) nên 125m2 đất mà ông Thụy san lấp và sử dụng làm đất ở ổn định phải được coi là đất ở hợp pháp và được bồi thường 100% giá đất khi bị thu hồi. 

Ngoài 235m2 đất bị thu hồi nói trên, gia đình ông Thụy còn mất 55m2 (hiện đang là sân bê tông của gia đình) do bị UBND huyện Kiến Thụy coi là “đất nằm trong hành lang an toàn giao thông đường 361”. Tuy nhiên, theo gia đình ông Thụy thì UBND huyện Kiến Thụy cần làm rõ việc quy hoạch hoặc cắm mốc giới và thời gian nào. Nếu quy hoạch có sau thời điểm gia đình sử dụng đất ổn định thì không thể coi là gia đình ông “lấn chiếm” được, cần có quyết định thu hồi và bồi thường đầy đủ. 

Một thiệt thòi nữa cho gia đình ông Thụy là việc Quyết định thu hồi đất được ban hành vào năm 2013 nhưng phải đến tháng 5/2018 thì việc giao đất tái định cư mới được thực hiện. Lúc này, gia đình ông Thụy phải nộp tiền sử dụng đất theo giá năm 2018 (cao hơn nhiều so với giá năm 2013).

Lý giải cho việc chậm trễ giao đất tái định cư, ông Đỗ Thái Quyến, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Kiến Thụy cho hay “do dự án khó khăn về nguồn vốn ngân sách, đồng thời việc lựa chọn, bố trí tái định cư cần tuân thủ quy trình nghiêm ngặt nên địa phương mất khá nhiều thời gian để thực hiện”. 

7 năm không được nhận Quyết định phê duyệt phương án bồi thường?

Trong đơn gửi tới cơ quan điều tra vào tháng 4/2020, ông Thụy cho biết, “Tất cả các hộ dân bị thu hồi đều không nhận được Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư”.

Đến ngày 12/8/2020, khi được lực lượng chức năng huyện Kiến Thụy thông báo lần 2 về việc tháo dỡ công trình, di chuyển tài sản trên đất thu hồi và bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án thì gia đình ông Thụy mới biết đến  Quyết định 1719/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đất đai và tài sản gắn liền trên đất do UBND huyện Kiến Thụy ban hành ngày 13/12/2013. 

Theo đó, có 4 hộ gia đình có đất bị thu hồi với tổng diện tích 599m2 và kinh phí bồi thường, hỗ trợ là khoảng 2,3 tỷ đồng. Trong số này, gia đình ông Phạm Văn Hiền bị thu hồi khoảng 99m2 (trên tổng số 289m2 đất ở) và được UBND huyện Kiến Thụy giao 142m2 đất tái định cư (có thu tiền sử dụng đất). Trong 99m2 đất bị thu hồi, UBND huyện Kiến Thụy xác định có 50m2 là đất ở, còn lại là đất tự sử dụng trước năm 1993 và không có nhà ở, tài sản trên đất. 

Nhận thấy việc đền bù, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân là không đúng và thiếu công bằng, tháng 3/2020, ông Thụy và bà Điển đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. 

Trong khi đó, luật sư Phạm Văn Hóa cho rằng, theo quy định tại Điều 4 Nghị định 197/2004/NĐ-CP và Điều 18 Thông tư 14/2009/TT-BTNMT của Bộ TN&MT thì hộ ông Hiền không thuộc diện được bố trí tái định cư do không phải di chuyển chỗ ở.

Đọc thêm