Xét xử nhóm cán bộ đòi 'lại quả' 33% giá trị gói thầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các bị cáo thừa nhận các hành vi thỏa thuận chia phần trăm tiền "lại quả" của DN trúng thầu; đưa thông tin cho DN trước khi dự án được công khai; tự lập khống hồ sơ để rút tiền thanh quyết toán dự án dù không thực hiện để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Các bị cáo tại phiên xử.
Các bị cáo tại phiên xử.

TAND TP Đà Nẵng mới tuyên phạt Hồ Văn Khoa (51 tuổi, cựu Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ); Võ Thiên Sinh (46 tuổi, cấp phó của Khoa) cùng mức án 9 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Với vai trò đồng phạm, Võ Thành Quý (38 tuổi, cựu Trưởng Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) bị phạt 7 năm tù; Trần Phước Mỹ (50 tuổi, cấp phó của Quý) lĩnh 5 năm tù.

Liên quan vụ án, Hoàng Ngọc Tiến (35 tuổi, Phó GĐ Cty ALDES) bị tuyên 2 năm tù; Phan Văn Tiến (36 tuổi, cựu chuyên viên Phòng QLĐT) 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Võ Thành Quý nhận 2 năm tù; cùng về tội Tham ô tài sản.

Bị cáo Nguyễn Đặng Nhất Duy (43 tuổi, Phó GĐ Cty TNHH Thy Nghĩa Hưng) lĩnh 8 năm tù về tội Đưa hối lộ.

Theo HĐXX, các bị cáo là người có hiểu biết, biết hành vi của mình là sai nhưng vẫn bất chấp để thực hiện gây thiệt hại lớn, làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận cần có bản án nghiêm khắc.

Theo cáo trạng, trong hai năm 2021 - 2022, UBND quận Cẩm Lệ có hai gói thầu duy tu, nạo vét bùn các tuyến mương, cống thoát nước đường dưới 10,5m (đường có tên) trên địa bàn quận. Tổng giá hai gói thầu này hơn 16,4 tỷ đồng.

Đây là các gói thầu dịch vụ phi tư vấn, cung cấp dịch vụ công ích, thực hiện theo phương thức 1 giai đoạn, 1 túi hồ sơ và lần đầu tiên thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng. Phòng QLĐT được giao nhiệm vụ làm bên mời thầu, thực hiện các công tác đấu thầu.

Sau khi phê duyệt dự toán, Khoa chỉ đạo Sinh và Lê Hoài Nam (Trưởng Phòng QLĐT, đã chết) nghiên cứu, tìm nguồn thu cho các hoạt động riêng của UBND quận. Duy biết thông tin sẽ tổ chức đấu thầu thoát nước đã tìm gặp Lê Hoài Nam để nhờ giúp đỡ khi dự thầu.

Lê Hoài Nam đã chỉ đạo Mỹ và Tiến hỗ trợ cung cấp các thông tin liên quan đến gói thầu cho Duy để có lợi thế khi dự thầu. Từ tháng 2/2021, Lê Hoài Nam bị bệnh nên giao lại công việc cho Quý tạm thời phụ trách.

Sinh đã chỉ đạo Mỹ sau khi chấm thầu, thương thảo hợp đồng xong thì gọi DN lên làm việc trực tiếp để thỏa thuận việc sẽ phải trích lại bao nhiêu phần trăm số tiền trúng thầu cho UBND quận, trước khi ký ban hành quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Theo cáo trạng, Khoa, Sinh, Quý, Mỹ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, chủ động liên lạc, tiếp xúc với Duy, yêu cầu trích lại 33% khi DN trúng gói thầu. Sau khi đạt được thỏa thuận, bốn bị cáo đã lập hồ sơ để phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu liên danh trúng thầu theo trình tự, thủ tục quy định. Sau đó, các bị cáo đã nhận hối lộ của Duy ở hai gói thầu với tổng số tiền hơn 3,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, với gói thầu giám sát dịch vụ duy tu, nạo vét bùn các tuyến mương, cống thoát nước năm 2021, Quý đã câu kết với Tiến lấy pháp nhân Cty ALDES để lập khống hồ sơ thi công và thanh quyết toán, tham ô hơn 195 triệu đồng tiền ngân sách. Hai người này chia nhau theo tỷ lệ 7/3. Quá trình thực hiện có sự giúp sức của Tiến.

Tại phiên xử, các bị cáo thừa nhận các hành vi thỏa thuận chia phần trăm tiền "lại quả" của DN trúng thầu; đưa thông tin cho DN trước khi dự án được công khai; tự lập khống hồ sơ để rút tiền thanh quyết toán dự án dù không thực hiện để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Riêng Khoa nói bản thân không trao đổi, bàn bạc về tỷ lệ phần trăm và không gặp gỡ DN; việc nhận hàng trăm triệu đồng mỗi lần là "quà cáp của DN biếu mỗi khi đến các dịp lễ, Tết nên vẫn nhận bình thường mà không nghĩ là tiền hối lộ".

Khoa cho biết "đã xấu hổ và ân hận", quá trình làm việc liên quan đến các gói thầu đã giao nhiệm vụ cho cấp dưới, nhưng thiếu kiểm tra, mong tòa xem xét về hành vi thiếu trách nhiệm trong quá trình quản lý. Tuy nhiên, VKS khẳng định việc truy tố bị cáo Khoa và thuộc cấp về tội Nhận hối lộ là đúng người, đúng tội.

Đọc thêm