Đẩy “vợ” vào con đường phạm tội
Theo cáo trạng, Nguyễn Tiến Mạnh (Giám đốc Cty Hoàng Long Luxury) cùng với Vũ Thùy Dương (bạn Mạnh) thành lập Cty Lữ Hành Việt. Dương là Giám đốc, còn Mạnh là Phó Giám đốc. Hai người bị VKS xác định đã đưa hối lộ để được cấp phép thực hiện chuyến bay. Trong đó, Mạnh đã đưa hối lộ hơn 27,8 tỷ đồng, Vũ Thùy Dương đã đưa hối lộ hơn 24,2 tỷ đồng.
Khi được tự bào chữa, Mạnh nói thời điểm đó rất khắc nghiệt, bị cáo chỉ thông qua Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) để xin cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước. Sau đó bị cáo mới biết Kiếm dùng một phần tiền để đưa hối lộ.
Bị cáo Mạnh mong Hội đồng xét xử (HĐXX) công minh, công tâm để giảm nhẹ hình phạt cho mình. Ngoài ra, bị cáo này còn xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Vũ Thùy Dương - người Mạnh gọi là vợ. Bởi theo lời Mạnh, Dương là người lệ thuộc và làm theo sự chỉ đạo. “Chính bị cáo đã đẩy vợ của mình vào con đường phạm tội dù vô tình”, Mạnh nói với giọng nghẹn ngào. Sau đó, Mạnh mong HĐXX rộng lượng khoan hồng cho Dương được ở ngoài xã hội, bảo đảm nghĩa vụ của mẹ đối với con, của con đối với cha mẹ…
Trước khi dừng lời, bị cáo Mạnh nói, trong suốt 2 năm dịch bệnh, toàn bộ nhân viên công ty không đòi hòi gì mà vẫn lao động làm việc để lo cho gia đình họ. Bị cáo nhận thấy bản thân đang nợ những con người đó và mong vợ được ở ngoài, cùng họ làm việc lo toan cho cuộc sống.
Bào chữa cho bị cáo Võ Thị Hồng (Giám đốc Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ phòng vé hàng không Minh Ngọc), LS bào chữa cho rằng, đa số những người đưa hối lộ đều không muốn phải đưa tiền, đây là việc bất khả kháng. Theo LS, bị cáo Hồng từng nộp 7 bộ hồ sơ nhưng không được phê duyệt.
Đưa tiền “như một thông lệ”
Bào chữa cho bị cáo Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Cty CP Giáo dục và Du lịch MasteLife), LS đề nghị HĐXX áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ, để thân chủ được mức án nhẹ nhất có thể. Trước đó, VKS xác định Trần Thị Mai Xa đã đưa hối lộ cho 8 cá nhân 19 lần với tổng số tiền hơn 8,1 tỷ đồng để được cấp phép 18 chuyến bay.
Theo LS, bị cáo Xa đã tiến hành các thủ tục xin cấp phép chuyến bay nhưng gặp muôn vàn khó khăn. Doanh nghiệp (DN) của bà Xa ngay lần đầu tổ chức chuyến bay đã thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng do không xin được cấp phép tổ chức chuyến bay. Bà Xa đã phải bán nhà để bù lỗ.
LS lấy ví dụ chuyến bay ngày 30/6/2021, khi chỉ còn 2 ngày nữa chuyến bay khởi hành nhưng lúc đó hồ sơ chưa được Cục Quản lý xuất nhập cảnh chấp thuận. Từ sự thất bại của chuyến bay trước, bà Xa đã phải đưa tiền. Từ đó, việc đưa tiền để thực hiện các chuyến bay đối với DN của bị cáo và DN khác đã trở nên “như một thông lệ”. Và theo LS, lý do bị cáo phải đưa tiền là bị ép buộc, nếu không đưa thì sẽ không tổ chức được chuyến bay.
Một LS khác bào chữa cho bị cáo Xa cho rằng mức đề nghị án của VKS hơi nghiêm khắc, chưa xem xét được tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. LS đề nghị HĐXX xem xét nguyên nhân, bối cảnh phạm tội “hơi khác biệt” của bị cáo Xa.
Tự bào chữa, bị cáo Xa xin được bổ sung một ý nhỏ để cảm thấy nhẹ lòng hơn. Theo bà Xa, bị cáo xin cấp phép chuyến bay vào tháng 6/2021, chuyến bay đầu tiên này cũng là lần đầu tiên bị cáo có hành vi vi phạm, nguyên nhân từ một văn bản từ chối của Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Thời điểm đó bị cáo đã lên Cục Quản lý xuất nhập cảnh gặp Vũ Sỹ Cường (nguyên cán bộ phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh). Lúc đó, Cường nói với bị cáo: “Sếp không biết doanh nghiệp là ai nên sếp đã từ chối văn bản”. “Bị cáo rất ấm ức vì mình làm điều tốt, theo chủ trương nhân đạo của Nhà nước mà tại sao lại bị từ chối vì lý do đó”, bà Xa nói. Tiếp lời, bà Xa bảo, sau đó bà được Cường cho biết, nếu muốn giải quyết nhanh, phải làm theo cơ chế “cảm ơn”, nếu không kịp sẽ khó lắm. Là người phụ thuộc để xin cấp phép, bà Xa buộc phải tìm mọi cách đi xoay tiền để được ý kiến đồng thuận.
Quá trình tự bào chữa, bà Xa cho biết, có một chuyến bay 240 chỗ, trong đó có khoảng 10 hũ tro cốt. “Như vậy có cấp thiết không? Bị cáo đã làm những việc thực ý nghĩa nhưng lại bị làm khó”, bị cáo Xa nói bằng giọng nghẹn ngào. Sau đó, bà Xa mong HĐXX đem lại công bằng, đồng cảm với DN.
Đến lượt mình, bị cáo Trần Quốc Tuấn (Giám đốc Cty CP Xúc tiến thương mại và Du lịch) cũng mong HĐXX xem xét thấu đáo về nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo. Sau đó, ông Tuấn nói, bản thân nhận ra rằng dù có mong muốn những điều tốt đẹp nhưng cách làm sai thì không thể chối cãi, phải nhận lỗi. Ông Tuấn mong HĐXX thấu hiểu và cũng xem xét cho bị cáo được áp dụng những tình tiết giảm nhẹ để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.