Xôn xao Nghệ An: “Thánh nổ” đã xuất ngoại sau khi bị tố lừa người đi nước ngoài

(PLVN) - “Nổ” mình có thể đưa người đi du học, lao động tại các nước châu Á và châu Âu, Lê Như Phúc đã chiếm đoạt của nhiều nạn nhân với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Khi bị người lao động đòi lại tiền đã đặt cọc, gã giám đốc trẻ nhanh chân bỏ ra nước ngoài. Vì tin tưởng Phúc là chỗ thân quen, nhiều người đã rơi vào cảnh nợ nần.
Các nạn nhân yêu cầu Lê Như Phúc phải hoàn trả lại số tiền đã lấy
Các nạn nhân yêu cầu Lê Như Phúc phải hoàn trả lại số tiền đã lấy

Giám đốc bị tố lừa đảo

Theo đơn trình báo của anh Võ Xuân Hoàng (SN 1984), trú phường Bến Thủy, TP Vinh (Nghệ An), qua người thân giới thiệu anh biết Lê Như Phúc (SN 1992), trú phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò (Nghệ An) có khả năng đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nên tìm gặp. 

Tại buổi gặp, Phúc giới thiệu là Giám đốc của công ty CP Kết nối nhân lực quốc tế Happy có trụ sở tại TP Vinh, chuyên đưa người đi làm việc, học tập tại các nước châu Âu và châu Á. Anh Hoàng hỏi mình có sang Hàn Quốc làm việc được không thì Phúc khẳng định có và yêu cầu nộp tiền cọc.

Qua 5 lần chồng tiền từ tháng 6 đến tháng 9/2018, anh Hoàng đã đưa cho Phúc 18.800 USD và 12 triệu đồng (tổng cộng hơn 430 triệu đồng).

“Tại mỗi đợt, Phúc đều viết giấy nhận tiền và cam kết nếu không đi được sẽ hoàn trả lại tiền. Hơn nữa, lần nào đến nộp tiền tôi đều được Phúc cho ký vào một số giấy tờ như chi phí làm Visa, hợp đồng với công ty. Nhưng sau này, tôi mới biết rằng tất cả những giấy tờ đó đều do Phúc “vẽ” ra để tôi tin tưởng mà đóng tiền”, anh Hoàng tường trình lại sự việc.

Hết thời gian chờ đợi nhưng không xuất ngoại được, anh Hoàng liên lạc với Phúc để đòi lại số tiền đã đặt cọc. Lúc này, Phúc hứa đến ngày 23/5/2019 sẽ hoàn trả lại tiền cho anh Hoàng. Tuy nhiên, đến ngày hẹn nhưng không thấy động tĩnh gì từ Phúc khiến anh Hoàng lo lắng nên liên tục gọi điện, nhắn tin thậm chí đến văn phòng công ty nhưng không giải quyết được việc gì.

Từ đó đến nay, anh Hoàng không hề có thông tin gì về Phúc. Lo lắng, người đàn ông này đã nhiều lần tìm đến nhà bố mẹ và vợ con của Phúc để đòi lại số tiền đã mất nhưng không được. Không còn cách nào khác, anh Võ Xuân Hoàng đã làm đơn trình báo cầu cứu cơ quan công an. 

Cùng chung hoàn cảnh đó là hai anh em Lê Văn Công (SN 1995) và Lê Văn Du (SN 1998), cùng trú xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Qua bạn bè giới thiệu, hai anh em này biết đến Phúc nên tìm đến nhờ đưa sang Hàn Quốc lao động và sang Canada du học. Trước những lời hứa chắc nịch của Phúc, anh em Công, Du đã nhiều lần đưa cho Phúc với tổng số tiền 333 triệu đồng. 

“Để có khoản tiền đó, gia đình tôi phải cắm hai sổ đỏ vào ngân hàng. Giờ Phúc bỏ trốn nên chúng tôi đang phải nai lưng làm việc để trả nợ ngân hàng. Cuộc sống khó khăn, chúng tôi mới quyết định xa xứ, nhưng lại gặp kẻ lừa đảo”, anh Công thở dài. 

Ngồi cạnh bên, bà Mạnh Thị Hoa (SN 1970) trú thị xã Cửa Lò cũng đang sầu não vì bị Phúc lừa, chiếm đoạt số tiền lớn. Theo lời bà Hoa, sau khi nghe Phúc hứa sẽ đưa con trai bà đi du học Canada với chi phí 400 triệu đồng, ngày 4/12/2018 bà đã đặt cọc trước 117 triệu đồng. Đến ngày 2/1/2019, Phúc tiếp tục yêu cầu bà Hoa đưa thêm 264 triệu đồng, hứa đến tháng 4/2019 con trai bà sẽ bay sang Canada. 

Các lần giao dịch này, Phúc đều viết giấy nhận tiền, có phiếu thu và đưa ra văn bản gọi là “hợp đồng đặt cọc và cam kết”. Phúc tự xưng là giám đốc Công ty CP kết nối nhân lực quốc tế Happy, nhưng không ghi địa chỉ công ty, không có con dấu. Sau khi nhận tổng cộng số tiền 381 triệu đồng từ bà Hoa, Phúc đã cắt liên lạc. 

Theo đơn trình báo và cầu cứu tập thể của 11 người ở tỉnh Nghệ An tổng số tiền mà họ nộp cho Lê Như Phúc để làm thủ tục đi XKLĐ, du học là hơn 2,3 tỷ đồng. Trong đó, nhiều hoàn cảnh khó khăn, phải vay ngân hàng, cắm sổ đỏ để có tiền đưa cho Phúc.

Người dân “quây” nhà đòi trả lại tiền

Những người đặt cọc tiền đều cho rằng vì tin tưởng Phúc là chỗ thân quen nên không mảy may nghi ngờ. Hơn nữa, việc thấy Phúc ăn mặc lịch sự, bảnh bao, thường xuyên thay đổi ô tô đắt tiền khiến các nạn nhân càng tin vào công việc của Phúc. Nhưng thực ra, các xe ô tô mà Phúc dùng để đi gặp gỡ những người có nhu cầu đi XKLĐ đều thuê mượn. Họ chỉ biết điều đó khi sự việc bị vỡ lỡ.

Cầm trên tay tập hồ sơ, tài liệu liên quan những lần giao dịch giữa mình với Phúc, anh Hoàng buồn rầu, khi biết mình bị lừa đảo vội tìm đến văn phòng công ty. Tuy nhiên, lúc này bảng hiệu hoành tráng mà trước đó Phúc quảng cáo không còn nữa, mặt bằng cũng được bàn giao cho người khác.

Tìm gặp vợ của Phúc thì người phụ nữ này trả lời không biết việc làm của chồng và hiện hai bên đã li hôn nên không có quan hệ gì với nhau. Theo anh Hoàng đó là sự chối bỏ trách nhiệm vì trước đó người vợ đã nhiều lần tham gia vào công việc và giao dịch nhận tiền của Phúc với khách hàng.

“Giờ đây, chúng tôi yêu cầu Phúc phải hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt. Hiện nay, mỗi tháng riêng tôi phải trả lãi hơn 4 triệu đồng. Từ ngày xảy ra sự việc, cuộc sống của gia đình chúng tôi bị đảo lộn, tinh thần bất an vì Phúc”, lời anh Hoàng.

Với hy vọng vớt vát lại số tiền đã mất, thời gian gần đây nhiều người đã tìm đến nhà Phúc yêu cầu trả lại tiền. Những người này đã gây áp lực với người thân của Phúc, đồng thời đeo biển với nội dung “Yêu cầu anh Lê Như Phúc trả lại tiền cho chúng tôi”.

Được biết, trong các loại giấy tờ giao dịch, hoặc là nhận tiền viết bằng tay hoặc phiếu thu, có hợp đồng nhưng tất cả đều do Phúc tự soạn thảo hoặc mua sẵn rồi viết vào, không có đầy đủ tư cách pháp nhân. Vì quá tin tưởng nên những người tìm đến Phúc để làm hồ sơ, thủ tục đi XKLĐ ra nước ngoài đều không tìm hiểu kỹ càng trước khi “sập bẫy” lừa. 

Sau khi biết bị lừa đảo, các nạn nhân đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, đồng thời tìm đến nhà bố mẹ của Phúc tại thị xã Cửa Lò để gây áp lực, đòi trả lại tiền mà Phúc đã chiếm đoạt. Thời gian đầu, khi mới chỉ có một vài người tìm đến, bố mẹ đối tượng này đã nhận nợ, viết giấy cam kết sẽ thay con trai hoàn trả tiền. Tuy nhiên, càng về sau thêm nhiều người tìm đến, hai ông bà biết không có khả năng trả nợ thay con nên khóa cửa, không tiếp ai. 

Liên quan đến sự việc này, Đại úy Nguyễn Hữu Cường, Phó trưởng Công an phường Nghi Hải cho biết, từ khoảng tháng 4/2019 đến nay, thi thoảng tại nhà riêng của bố mẹ Phúc ở khối Hải Thanh xuất hiện một số người tập trung trước nhà để đòi nợ. Đến nay, biết không có khả năng trả nợ thay con trai nên hai ông bà đã treo biển bán nhà. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã nhiều lần về địa phương để xác minh vụ việc. 

Thông tin từ cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An cho biết đã tiếp nhận, thụ lý đơn của các nạn nhân và đang tích cực điều tra, xử lý vụ việc theo thẩm quyền. Hiện nay, Lê Như Phúc không có mặt tại địa phương nên công tác điều tra đang gặp khó khăn. 

Trong khi đó, theo nguồn tin từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Lê Như Phúc đã làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài.

Báo PLVN sẽ thông tin.

Đọc thêm