“Bật” bất cứ điều gì
Trước ý kiến của bà Xuân, bên cạnh một số ý kiến phản biện văn minh khi cho rằng đề xuất không khả thi và thiếu thực tế… Còn lại là cả đám đông, từ những người có học thức, trình độ cao với ngôn ngữ thô tục để thóa mạ, sỉ nhục ý tưởng của bà Xuân.
Việc bà đưa ra đề xuất về vấn đề nóng, hóc búa đối với chính quyền TP HCM thời gian qua là điều hoàn toàn bình thường. Đề xuất được đưa ra cũng có thể đúng, có thể sai, có thể hợp lý hoặc không thiết thực, nhưng việc một đại biểu của nhân dân đưa ra quan điểm, ý kiến là cần thiết.
Trong câu chuyện về ý tưởng trang bị lu hứng nước mưa để chống ngập của vị đại biểu này, nhiều người chẳng cần suy nghĩ, thậm chí không cần hiểu ngọn ngành câu chuyện, ngay lập tức lao vào chửi bới ầm ĩ trên các trang mạng xã hội, trên các diễn đàn không chính thức. Họ xem mình như thể là nhà khoa học “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”.
Có thể nói, sự việc của đại biểu Hồng Xuân, là kịch bản lặp lại của vô số những câu chuyện tương tự trước đó. Mỗi khi một đề xuất, ý kiến được đưa ra là dư luận lập tức lao vào phản đối. Từ đề xuất gộp chung Tết dương lịch và âm lịch, cấm xe máy… cho đến gần đây là đề xuất phí chia tay, dùng lu chống ngập. Những “anh hùng bàn phím”, những “đại biểu facebook” chỉ chực chờ đề xuất nghe có vẻ “trái lỗ tai” là lao vào chửi bới, sỉ nhục người nêu ý tưởng…
Đành rằng, việc khen chê ở mạng hay đời sống xã hội đều là chuyện bình thường. Tuy nhiên, việc có nhiều người, đám đông đã thực hiện tranh luận kèm theo cả sự mỉa mai, nhục mạ cá nhân, không có tính lắng nghe, dường như đã đi quá xa. Dẫu cho việc khen chê, yêu ghét chính là quyền của mỗi cá nhân.
Và ở trong không gian mạng, điều đó cũng hoàn toàn được tự do như ngoài đời. Song, phía sau mỗi cái tên dù ảo hay thật trên mạng xã hội, đều là những con người bằng xương, bằng thịt! Họ cũng có cảm xúc và bị tổn thương… Có nhiều người đã rơi vào trầm cảm, tuyệt vọng.
Những bạn trẻ thanh thiếu niên thậm chí tự tử bởi không đủ sức vượt qua những áp lực vô hình… Khi mà sự công kích của những người không rõ mặt, biết tên, đã dẫn tới những con người thật phải hứng chịu bi kịch, thậm chí là thất bại.
Còn nhớ, Hoa hậu Hoàn vũ 2017 H’Hen Niê, ngay sau khi đăng quang, đã lập tức phải đối mặt với hàng loạt bình luận ác ý, thậm chí mang tính xúc phạm về nhan sắc trên mạng xã hội. Nhưng chính H’Hen Niê vượt qua 94 người đẹp khác để có mặt trong Top 5 thí sinh xuất sắc nhất chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2018. Thành tích này của H’Hen Niê là cao nhất của đại diện Việt Nam khi tham gia đấu trường nhan sắc này…
Xả những bức bối trong nội tâm của họ?
Một bạn chia sẻ trên cộng đồng mạng: Dường như có một số người lấy việc chê bai, chửi bới làm niềm vui, làm chỗ để xả đi những bức bối trong nội tâm của họ. Mỗi một ngày không chê bai, phê phán, chửi bới được một quan chức, một bộ ngành, một tổ chức, một người nổi tiếng, một văn nghệ sĩ, một hot girl hay một sự việc, một hiện tượng xã hội nào đó dường như là họ cảm thấy thiếu thiếu, thấy bức bối.
Tôi có cảm giác như công việc thường xuyên, lớn nhất trong ngày của họ là xem trên TV, trên báo chí xem có ai đó phát biểu câu nào hơ hớ, câu nào dậy sóng hoặc là một tai hoạ thiên nhiên, một vụ tiêu cực nào đó của xã hội để lấy tứ viết một bài chê bai, phê phán, vùi dập người đó hoặc khái quát hoá lên thành bản chất của xã hội.
Bất kể người bị phê phán chức vụ gì, học hàm, học vị gì, tuổi tác bậc ông, bậc cha hay bậc chú đều bị gán cho các từ “ngu”, “dốt”, “đần”, “đê tiện”, “vô liêm sỉ”, “vô cảm”...., thậm chí còn bị gọi là thằng, là con.
Xã hội nào cũng có mặt tốt, mặt xấu, thế nhưng nhiều người không tin bất cứ thông tin tốt nào. Và họ luôn “bắt” người khác cũng phải ồn ào theo mình đầy ác ý. Chẳng hạn ở vụ cháy rừng khắp bắc Miền trung vừa qua, dù đã cháy qua mấy ngày ở Hồng Lĩnh ( Hà Tĩnh) nhưng cộng đồng mạng không mấy quan tâm.
Rồi đến một ngày, cư dân mạng như mới sực tỉnh, đồng loạt “thương xót”… Thậm chí, ai không “đồng ca” sẽ bị xỉa xói. Đơn cử MC Phan Anh bị cư dân mạng chỉ trích gay gắt vì tỏ ra ít quan tâm đến vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh, trong khi từng bày tỏ cảm xúc mãnh liệt khi hay tin cháy nhà thờ Đức Bà ở Paris hồi tháng 4/2019.
Giữa ồn ào, MC Phan Anh đã lên tiếng. Anh lý giải việc chia sẻ cảm xúc “lòng quặn đau như muốn khóc” khi nhà thờ Đức Bà bị cháy là do vô tình trực tiếp chứng kiến đám cháy, lại đang đi cùng vợ là con chiên của Chúa, cùng với sự cộng hưởng cảm xúc của mọi người xung quanh vào thời khắc đó. Anh thừa nhận anh không cập nhật tin cháy rừng ở Hà Tĩnh thường xuyên một phần vì tự ái nghĩ rằng sao mình phải làm theo lời người khác và sợ nếu mình bày tỏ sự đau xót rồi lại bị chửi là giả tạo, hay lại bị nghi ngờ là kêu gọi từ thiện.
Khi biết được thông tin này, rất nhiều sao Việt như hoa hậu H’Hen Niê, Đỗ Mỹ Linh, Hoàng Thùy, ca sĩ Phương Thanh, Nam Thư… cùng người dân cả nước đều lo lắng và hướng về miền Trung. Hoa hậu H’Hen Niê xót xa viết: “Rừng không còn nhiều lại bị cháy, thương quá. Đất nước Việt Nam tôi ơi. Cùng cầu nguyện để lửa không cháy thêm và cảm ơn các anh hùng đã nỗ lực dập tắt đám lửa”.
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cũng chia sẻ những hình ảnh đám cháy cùng dòng chia sẻ: “Thương quá miền Trung ơi, vùng đất luôn chịu nhiều thiên tai nhất cả nước. Mong cho đám cháy sớm được dập tắt hoàn toàn để người dân và bà con bớt mệt”.
MC Phan Anh có lẽ là người phải hứng chịu chỉ trích từ antifan nhiều nhất. Những bài viết trên facebook cá nhân của Phan Anh bị rất nhiều dân mạng để lại bình luận với thái độ mỉa mai, thậm chí chửi bởi, nhục mạ với những lời lẽ rất khó nghe.
Không chỉ MC Phan Anh, diễn viên Anh Đức cũng gặp phải trường hợp tương tự. Một người đã để lại bình luận với thái độ mỉa mai trên bài đăng của nam diễn viên: “Anh ơi, núi Hồng Lĩnh mấy triệu năm đang cháy, anh có đến chia buồn với người dân hay chia sẻ bài để các bạn hiểu hơn về môi trường không anh. Mấy hồi nhà thờ Đức bà Paris thấy anh khóc mướn nhiều quá nên mình hỏi thăm”…
Trả lời phỏng vấn PV về việc mạng xã hội (MXH) “lên đồng tập thể” trước đề xuất của đại biểu HĐND TP HCM Phan Thị Hồng Xuân là dùng lu để chống ngập nước, PGS.TS Nguyễn Văn Dững, giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng “đây là điều đáng tiếc”.
Theo ông Nguyễn Văn Dững: MXH nổi sóng giận dữ, chỉ trích, theo tôi có thể do tiềm ẩn tâm trạng thiếu lành mạnh trong xã hội chúng ta. Một số facebookers hình như luôn chờ sẵn có sự việc là….”bật”, kể cả những trí thức, những người có học hành đàng hoàng. Mặt khác, hình như trong xã hội đang tiềm ẩn tâm lý phản đối tất cả, dù là các đề xuất cá nhân, dù là nghe chưa tường hay chưa xem xét thấu đáo, cũng đã bùng lên làn sóng phẫn nộ, chỉ trích gay gắt…
Không thể phủ nhận những phản biện, cũng như sức ép của mạng xã hội cũng tạo nên những cuộc tẩy chay chống lại những hành động xấu xí như nạn ấu dâm và sự thô lô, sàm sỡ trong thang máy… Thế nhưng, mạng xã hội cũng là nơi cái xấu được phơi bày. Đó là sự hoài nghi tất cả, bất chấp nghĩa cử hay những điều tốt đẹp, họ sẽ lái theo chiều hướng xấu.
Họ tự cho mình quyền phán xét và lăng mạ người khác, khóc cùng khóc, cười cùng cười như lên đồng vậy thôi… Nhưng tất cả những điều đó là phông văn hóa, là cái tôi ngạo nghễ, là cái nhìn khắt khe của mỗi người và họ lấy họ làm thước đo cho người khác. Họ nghĩ lên mạng họ là người hùng, “ thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Và họ tin, chẳng ai nhìn thấy mình, nên họ xả láng rủa xả, trút giận lên bất cứ ai…
Trong khi, xã hội phát triển, chính là khi bạn tôn trọng sự đa dạng, khác biệt và cả trái chiều. Đó là sự biết lắng nghe, sự bình tĩnh trước mọi vấn đề của cuộc sống. Bởi bạn lên mạng để vui, để học hỏi, để hiểu biết hơn, chứ không phải để lăm le đi thóa mạ người khác, hay chạy khắp các diễn đàn để gây chiến…
Cuộc sống giống như gương soi, khi bạn mỉm cười, bạn sẽ nhận được nụ cười, sự thân thiện và ấm áp của người khác… Và làm “ sứ mệnh” của một “người hùng” ảo, bật lên với bất cứ chuyện gì triền miên mãi, mà chẳng có giải pháp gì, bạn có vui hơn không?...