Tại Kỳ họp thứ 3 QH khóa XIV đang diễn ra, góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, nhiều ĐBQH yêu cầu Dự thảo Luật có những quy định cụ thể để đảm bảo có căn cứ xử lý hình sự ngay nếu phát hiện hành vi vi phạm ATTP gây hậu quả nghiêm trọng.
“Nếu gây ngộ độc cho 21 người trở lên thì không có trong khung hình phạt?”
Tại buổi công bố Báo cáo “Quản lý nguy cơ ATTP ở Việt Nam - những thách thức và cơ hội” do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank - WB) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hồi tháng 4, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng đại diện Khu vực Đông và Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế cho biết, trong năm 2014-2015, thống kê chưa đầy đủ cho thấy, Việt Nam có 370 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 10.000 ca mắc, 66 ca tử vong.
Trong các báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp của QH khóa và trên nghị trường QH, vấn đề ATTP luôn có độ “nóng” không hề giảm trước những lo lắng về sức khỏe và chất lượng giống nòi trước sự đe dọa công khai, không thể kiểm soát của thực phẩm bẩn. Nguyên nhân của tình trạng vi phạm ATTP đã được phân tích rất nhiều, trong đó phải kể đến nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cả của người tiêu dùng.
Theo nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc định lượng để làm căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về ATTP là cần thiết, khả thi, tránh việc mở rộng phạm vi về đối tượng xử lý hình sự, trong đó có nhiều hộ nông dân, cá nhân sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ. BLHS chỉ nên xử lý các trường hợp vi phạm quy định về ATTP mà thực phẩm có giá trị lớn, thu lợi bất chính lớn, hậu quả gây ngộ độc cho nhiều người, gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác…
Các trường hợp khác chưa đến mức xử lý hình sự thì cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là xử lý hành chính nghiêm cũng đủ răn đe, phòng ngừa và hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm về ATTP. Do vậy, Điều 317 của Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng định lượng cụ thể các trường hợp xử lý hình sự và bổ sung một số hành vi như ý kiến ĐBQH đã nêu trên.
Đa số ĐBQH tán thành với Điều 317 của Dự thảo Luật sau khi được chỉnh lý, nhưng vẫn băn khoăn trước những quy định định lượng trong điều này. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) đề nghị phải cân nhắc kỹ lưỡng để không quá hình sự hóa, rộng hóa và không thực thi khi thực hiện.
Phân tích cụ thể, ĐB chỉ ra: “Khoản 1, điểm a, b, c, d, e đều có quy định, gây ngộ độc từ 5 đến 20 người, rất vô lý. Như vậy, nếu 21 người trở lên thì không có trong khung hình phạt? Hoặc khoản 2 cũng vậy, gây ngộ độc từ 21 đến 100 người, từ 101 người trở lên là không có khung hình phạt. Như vậy, vừa dài mà lại không phù hợp. Từ 5 người trở lên là được rồi, cần gì phải là 5 đến 20 người. Tôi đề nghị chỗ này cần phải xem xét để điều chỉnh lại”.
Không để thực phẩm “bẩn” “qua mắt” cơ quan chức năng
Thời gian qua lực lượng chức năng của nhiều tỉnh, TP đã bắt được nhiều vụ sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật vẫn còn sống đã bị cơ quan chức năng buộc đưa đi tiêu hủy nhưng một số người dân vẫn giữ lại để chế biến thực phẩm. Điển hình gần đây ở Cao Bằng đã phát hiện 4 tấn thịt lợn đã bốc mùi hôi thối cùng nhiều thịt thành phẩm và thịt hun khói tại huyện Trùng Khánh.
“Điều đáng lo ngại là, những sự việc tương tự đã qua mắt được cơ quan chức năng, được tiêu thụ trót lọt và ngang nhiên xuất hiện trên bàn ăn của các nhà hàng và các cửa hàng bán thức ăn đường phố” – bà ĐB Mai Thị Phương Hoa (tỉnh Nam Định) phản ánh.
Vì vậy, dù Điều 317 của Dự thảo Luật đã bổ sung hành vi cấm sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân bị tiêu hủy để sản xuất trong kinh doanh thực phẩm nhưng bà Hoa đề nghị “để không xử lý hình sự tràn lan thì cần bổ sung một số tình tiết như đã xử lý hành chính mà vẫn vi phạm gây ngộ độc cho 5 người trở lên...”
Với việc dự thảo bổ sung một số loại thực phẩm vi phạm về vệ sinh ATTP như động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy hoặc thực phẩm chế biến từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh, ĐB Phạm Trí Thức (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, việc quy định như vậy vẫn chưa đầy đủ, thiếu tính khái quát và trùng lặp với quy định về hành vi bị cấm trong Luật ATTP. Vì vậy, ĐB đề nghị không nên liệt kê cụ thể các trường hợp không bảo đảm ATTP mà chỉ quy định về hậu quả phù hợp với từng công đoạn như sản xuất, chế biến, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Thực tế trong thời gian qua có những vụ ngộ độc thực phẩm gây chết người vì sử dụng thực phẩm chất lượng không đảm bảo do lỗi của người sản xuất đã vi phạm quy trình sản xuất, chế biến không đúng quy định, không kiểm định nguyên liệu, không kiểm định chất lượng thực phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ, nên đã không biết rõ việc sử dụng nhầm nguyên liệu hay không rõ đã sử dụng hóa chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Dẫn ví dụ vụ dùng cồn công nghiệp thay cho cồn thực phẩm để pha chế rượu nhưng không biết dẫn đến chết người, có vụ chết nhiều người, nhưng cơ quan tư pháp rất khó xử vì theo Điều 244, BLHS năm 1999, hành vi của người chế biến, cung cấp thực phẩm do làm sai quy trình chế biến, thiếu trách nhiệm như trường hợp nêu trên mà gây hậu quả rất nghiêm trọng sẽ không bị xử lý hình sự, ĐB Đỗ Thị Lan (tỉnh Quảng Ninh) đề nghị bổ sung hành vi vi phạm các quy định về quy trình chế biến thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng vào khoản 1 Điều 317 để quy định xử lý hình sự đối với tội phạm này.
Để áp dụng trên thực tiễn được thuận lợi, nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm về vệ sinh ATTP nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho cộng đồng, ĐB Bạch Thị Hương Thủy (tỉnh Hoà Bình) đề nghị Dự án Luật cần xem xét cân nhắc hoàn thiện các quy định phù hợp vì “thực tế cho thấy tội vi phạm về ATTP rất khó chứng minh hậu quả vì có những loại thức ăn khi ăn vào cơ thể từ 5 đến 10 năm hoặc có những trường hợp lâu hơn mới phát sinh bệnh. Do đó, không phải trường hợp nào cũng thấy ngay được hậu quả để xem xét và định tội”.
Cùng với đó, để xảy ra thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân không nhỏ là từ công tác quản lý nhà nước và việc xử lý chưa nghiêm. Do đó, “nếu chúng ta làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước và tăng cường hiệu quả xử lý hành chính sẽ góp phần hạn chế đáng kể tình trạng này” – bà Thủy nêu ý kiến.