Xu thế không thể khác

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 15/1 vừa qua, trong văn bản báo cáo với Quốc hội, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết có nhiều ý kiến đề nghị cần sớm áp mức thuế cao hơn với người có nhiều nhà, đất.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương đề xuất các quy định về mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất; như yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW; để điều tiết chênh lệch địa tô có được do quy hoạch của Nhà nước.

Quy định này nhằm tránh tình trạng tổ chức, cá nhân thu gom đất, cản trở khả năng tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư khác có cùng năng lực hoặc năng lực tốt hơn để thực hiện các dự án đầu tư do lợi thế thuộc về người đang có quyền sử dụng đất.

Chủ trương áp thuế cao với những trường hợp nhiều nhà đất đã được Trung ương nêu trong Nghị quyết 18 giữa năm 2022. Tuy nhiên, đến nay chủ trương này vẫn chưa được quy định hóa thành các điều luật cụ thể. Một trong các lý do là quy định này nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt từ phía những người có nhiều nhà đất.

Quy định đánh thuế với nhà đất thứ hai trở lên, theo một số nhận định, là phù hợp thông lệ quốc tế. Về bản chất, đây là một sắc thuế tài sản, là sắc thuế thu trên người có tài sản, càng nhiều tài sản thì tiền thuế càng nhiều. Với người chỉ có một nhà đất để ở, không thuộc diện chịu thuế.

Về lý thuyết, thuế vừa là công cụ tạo công bằng xã hội, vừa là công cụ “kiềm” giá đất tăng bất thường, giảm đầu cơ, ngăn chặn sự thao túng thị trường, đưa bất động sản về giá trị thực. Thuế tài sản với nhà đất thứ hai là lý do khiến ở một số nước phát triển, có nhiều người giàu, nhưng giá đất không tăng nhiều so với thu nhập bình quân đầu người của quốc gia đó.

Tại Việt Nam, ý tưởng đánh thuế nhà đất thứ hai đã được đưa ra từ nhiều năm. Cuối 2009, dự án Luật Thuế nhà, đất đã được Bộ Tài chính lấy ý kiến, nhưng sau đó phải gác lại. Cuối 2022, UBND TP HCM từng có tờ trình gửi Chính phủ, trong đó đề xuất được quyết định chính sách thuế thu bổ sung với nhà đất thứ hai trở lên của người dân. Mục đích là thí điểm chính sách về thuế bất động sản làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung trong tương lai; đồng thời tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương, hạn chế tình trạng đầu cơ bỏ hoang nhà, đất ở trong các dự án như hiện nay. Tuy nhiên, nội dung này vẫn chỉ dừng lại ở mức đề xuất.

Tại Việt Nam, so với nhiều nước, về nhà đất có một số đặc điểm khác; như nhiều nhà ống, diện tích “tí hon”; nên có người có nhiều nhà, nhưng diện tích nhỏ; cũng có người chỉ 1 nhà, nhưng diện tích hàng nghìn m2. Vì vậy, có thể tính hạn mức sử dụng đất cho từng địa phương, nếu cá nhân dùng đất trong hạn mức sẽ tính thuế thấp, người sử dụng đất vượt hạn mức càng cao thì bị tính thuế cao hơn tương ứng. Hoặc cũng có thể tính thuế theo giá trị nhà đất, từ một mức khởi điểm nào đó thì bắt đầu áp thuế. Nói cách khác, để ra được quy định đánh thuế nhà đất thứ hai với nội dung phù hợp với đa số người dân, là rất kỳ công, phức tạp.

Còn một lý do khác, là tâm lý không ít người “tích lũy tài sản cho đời sau”, nhất là nhà đất. Ý tưởng đánh thuế nhà đất thứ hai đặc biệt bị những người này phản ứng. Nhưng để tạo công bằng xã hội, phù hợp thông lệ quốc tế, xu hướng của thế giới; và với những chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội như đã nêu trên; nhiều ý kiến cho rằng quy định đánh thuế nhà đất thứ hai sẽ sớm được đưa ra, xem xét ban hành, áp dụng trong thực tế.

Đọc thêm