Xúc phạm nhà báo, phạt 20 triệu đồng?

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản và thông tin điện tử đang được các nhà làm luật nghiên cứu. Tuy nhiên, có điều bất cập là quy định về ấn đề phản quyền tác phẩm. Nếu buộc phải tuân thủ đúng “ba-rem” này, sẽ có rất nhiều tác phẩm báo chí bị triệt tiêu tính thời sự, sáng tạo và khi ấy không ít nhà báo, phóng viên chỉ là những nhân viên hành chính đơn thuần, viết bài như... chép chính tả.

Dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản và thông tin điện tử đang được các nhà làm luật nghiên cứu.

Tuy nhiên, có điều bất cập là quy định về ấn đề phản quyền tác phẩm. Nếu buộc phải tuân thủ đúng “ba-rem” này, sẽ có rất nhiều tác phẩm báo chí bị triệt tiêu tính thời sự, sáng tạo và khi ấy không ít nhà báo, phóng viên chỉ là những nhân viên hành chính đơn thuần, viết bài như... chép chính tả.

Theo lý giải của một thành viên Ban soạn thảo, những quy định tại dự thảo sẽ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí được tiến hành một cách dễ dàng nhất. Nhưng nhìn vào nội dung mà dự thảo này đề cập, có khá nhiều quy định đang gây khó cho hoạt động tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên.

Hoạt động báo chí bên hành lang Quốc hội - phỏng vấn Bộ trưởng Vương Đình Huệ

Nhiều quy định gây khó

Cái khó đầu tiên đó là quy định của dự thảo yêu cầu người viết không được“tự ý thêm, bớt hoặc thể hiện sai ý của người trả lời phỏng vấn trên báo chí”. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tự ý thêm bớt mà làm sai ý của người trả lời phỏng vấn thì nên phạt; còn thêm, bớt để cho bài phỏng vấn hay hơn, có tính logic hơn nhưng không làm sai ý của người trả lời thì không cần thiết phải áp dụng mức chế tài từ 5-10 triệu đồng như dự thảo đề xuất.

Bởi trên thực tế, một buổi trao đổi trực tiếp với người được phỏng vấn có thể kéo dài vài tiếng đồng hồ, lượng chữ sau khi phóng viên bóc băng có thể lên tới vài nghìn từ. Nếu để nguyên bài phỏng vấn thì “đất” đâu để tải cho hết? Ngược lại, nếu cắt bớt lượng chữ thì chắc chắn nhiều bài phỏng vấn của phóng viên sẽ bị cơ quan chức năng xử “trảm”.

Tương tự, dự thảo Nghị định cũng quy định: Khi khai thác các văn kiện, tài liệu của tổ chức, tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang chờ kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải nêu rõ xuất xứ của các văn kiện, tài liệu, thư riêng này.

 “Quy định như vậy rõ ràng là gây sức ép cho đội ngũ nhà báo, phóng viên. Trường hợp do mối quan hệ cá nhân mà phóng viên tiếp cận được nguồn tin từ bản kết luận điều tra của một vụ án nhưng vì giữ bí mật nên phóng viên không nêu người cung cấp thông tin thì sẽ bị phạt hay sao? Trong khi Điều 7 Luật Báo chí quy định rõ: Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên... Thế thì quy định tại dự thảo Nghị định có mâu thuẫn với quy định của Luật Báo chí? ”- một nhà báo chia sẻ.

Theo ý kiến này, một khi luật pháp đã quy định “báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin” (Điều 7 Luật Báo chí) thì quy định trên rõ ràng không phù hợp và có phần đi ngược lại quy định của luật nội dung.

Như vậy, nếu báo chí quá phụ thuộc vào nguồn tài liệu từ cơ quan chức năng, chỉ được sử dụng những thông tin “nguội” (đợi sau khi cơ quan chức năng công bố mới được đăng) hoặc không được chủ động xử lý bài phỏng vấn (cấm thêm, bớt) thì hoạt động tác nghiệp của báo chí không khác gì nhân viên hành chính; nhà báo chỉ biết viết bài như chép chính tả.

Được bảo vệ trên...giấy?

Khi dự thảo Nghị định được công bố lấy ý kiến nhân dân, làng báo đã tỏ ra phấn khởi trước một loạt hành vi vi phạm quyền tác nghiệp của báo chí được đề xuất nâng mức chế tài.

Đơn cử như hành vi xúc phạm, danh dự nhân phẩm của nhà báo (mức độ xâm phạm nhẹ nhất) thì mức phạt cũng có thể lên tới 20 triệu đồng. Nhưng rồi ngay tức thì, quy định trên đã khiến không ít người thất vọng, bởi chế tài trên như một thứ hàng xa xỉ, rất ít khi được áp dụng.

Bằng chứng là ngay giữa tháng 3 này, tại một cuộc họp báo, một lãnh đạo của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Bộ Công an) đã gọi một số phóng viên là “thiểu năng.. gì đó”. Rõ ràng, đây là một sự xúc phạm lớn đến đội ngũ nhà báo và phóng viên đang tác nghiệp, nhưng rồi vị này chẳng hề bị xử lý về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo, thậm chí một sự nhắc nhở rút kinh nghiệm cũng không có.

“Tôi cảm thấy ngạc nhiên và bức xúc trước lời phát biểu của ông Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội. Có thể khẳng định đây là lời phát biểu xúc phạm đến danh dự của người làm báo và khó có thể chấp nhận được” - ông Hà Minh Huệ - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - nhấn mạnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Huệ cũng cho biết, ông sẽ có kiến nghị gửi Bộ Công an có biện pháp xử lý hành vi trên của vị Cục phó này.

Dù dư luận đã lên tiếng mạnh mẽ và hành vi xúc phạm này được nhiều nhà báo có mặt ghi âm hẳn hoi; có nghĩa là bằng chứng đã rành rành ra đấy, nhưng có thấy cơ quan chức năng nào xử lý? Vậy thì những trường hợp phóng viên đi tác nghiệp một mình mà gặp cảnh tương tự nhưng không có bằng chứng cụ thể (ghi âm, ghi hình) thì cơ quan chức năng chắc sẽ từ chối giải quyết vì... thiếu chứng cứ cụ thể.

Ngoài những điều bất ổn trên, có những quy định tại dự thảo không thật sự cần thiết. Chẳng hạn, quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 7 buộc phải ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả của tin, bài khi sử dụng để đăng phát trên báo chí. “Quy định này  sẽ gây khó khăn cho phóng viên khi có những thông tin nhạy cảm hoặc không muốn công khai tên phóng viên viết bài vì sự việc đang còn tiếp diễn. Chỉ cần Tổng biên tập nắm rõ ai viết bài đó là được, và quy định này đã được nói tại điểm c rồi (“sử dụng tin, bài để đăng phát trên báo chí nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả, nhóm tác giả”).

Để đảm bảo hoạt động của phóng viên được thuận lợi hơn, theo tôi điểm b này không cần thiết phải nêu ra”- ông Huệ đề xuất.

Đức Duy