Có hay không việc “bao che” sai phạm?
Ngày 1/3/2016, báo PLVN đăng tải bài viết: “Hải Dương: Xưởng nhuộm hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường” phản ánh việc cơ sở nhuộm màn tuyn của ông Đặng Đức Đãm (xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách) thải khói khét ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và xả nước ra kênh mương chung ảnh hưởng đến chất lượng hoa màu. Người dân địa phương đã kiến nghị sự việc đến cơ quan chức năng nhưng đến nay tình hình không mấy được cải thiện.
Sau rất nhiều lần liên hệ đặt lịch làm việc và phải được sự sắp xếp của Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, ngày 1/4, PLVN mới có buổi làm việc chính thức với lãnh đạo huyện Nam Sách.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tiến Khắc – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách khẳng định những nội dung báo PLVN phản ánh là hoàn toàn đúng, cơ sở nhuộm màn tuyn của ông Đặng Đức Đãm hoạt động khi chưa được phê duyệt đề án bảo vệ môi trường là sai. Ông Khắc cho biết, thời gian tới, UBND huyện Nam Sách sẽ đưa ra hình thức xử lý phù hợp.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Tiến Hoan - Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Sách cho biết, trong quá trình hoạt động, vào tháng 4/2015, bể chứa nước thải bị lún đáy gây rạn nứt, làm tràn nước thải ra mương nước phía Đông.
Đến tháng 6/2015, UBND xã Hợp Tiến và Phòng TN&MT huyện Nam Sách đã tiến hành lập biên bản, thu giữ ống nước khi nhiều lần phát hiện cơ sở bơm nước thải ra mương nước bên ngoài. Tại thời điểm này, hệ thống xử lý nước thải của cơ sở chưa hoàn thiện. Để khắc phục tình trạng trên, cơ sở tạm thời đào thêm 2 ao lớn trong khuôn viên để đựng nước thải từ hoạt động tẩy, nhuộm màn tuyn.
Xưởng nhuộm màn tuyn đang hoạt động |
Tại bản báo cáo ngày 31/3/2016 của Phòng TN&MT huyện Nam Sách cho hay, vào ngày 1/7/2015, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách đã tổ chức cuộc họp với các cơ quan chuyên môn của huyện, Đảng ủy, UBND xã Hợp Tiến, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Tè và hộ ông Đãm. Sau cuộc họp, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách đã yêu cầu đến ngày 10/7/2015, cơ sở này phải hoàn thành và đưa vào sử dụng hết công suất hệ thống xử lý nước thải; đến hết tháng 8/2015, cơ sở phải xử lý xong nước thải chứa tại 2 ao nói trên, tiến hành san lấp 2 ao; đồng thời phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết.
Vào ngày 25/3/2016, UBND huyện phối hợp với Chi Cục bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Hải Dương), Văn phòng UBND tỉnh đã làm việc với ông Đãm. Tại thời điểm kiểm tra, hệ thống xử lý nước thải tập trung của hộ ông Đãm đang vận hành, nước thải được xử lý theo đúng quy trình. Theo đó, một trong hai ao chứa nước đã được ông Đãm cho san lấp trả lại mặt bằng. Hộ ông Đãm vẫn chưa hoàn thiện Đề án bảo vệ môi trường trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ông Hoan cho rằng, tiến độ xử lý của cơ sở nhuộm như vậy là chưa được đảm bảo yêu cầu nhưng “ghi nhận” việc ông Đãm chủ động đào tạm thời 2 ao lớn để đựng nước thải.
Việc đề án bảo vệ môi trường chưa được phê duyệt nhưng cơ sở vẫn hoạt động, ông Hoan cho biết, thời gian tới, phòng TN&MT huyện sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn chủ cơ sở sớm hoàn thiện các thủ tục giấy tờ có liên quan. Nếu chậm xử lý, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện tiến hành xử phạt cơ sở.
Hệ thống xử lý nước thải đã đi vào hoạt động
Tại cơ sở nhuộm, theo quan sát, khu vực lò đốt than cung cấp nhiệt và hơi nước cho quá trình giặt, tẩy, nhuộm, khói nhả ra mù mịt. Có khoảng chục người lao động vận hành máy móc nhưng không được trang bị bảo hộ lao động. Hệ thống xử lý nước thải của cơ sở đã đi vào hoạt động.
Ông Đãm phủ nhận việc cơ sở nhuộm màn của mình gây ô nhiễm môi trường và “biện minh” việc đề án bảo vệ môi trường chưa được phê duyệt là do phía đơn vị tư vấn hoàn thiện chậm!
Trước đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Hải – Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương cho biết, cơ sở nhuộm màn tuyn trên được UBND huyện Nam Sách cho thuê đất, cấp phép đầu tư hoạt động. Thủ tục liên quan đến đề án bảo vệ môi trường do Sở TN&MT tỉnh Hải Dương phê duyệt. Việc cơ sở nhuộm hoạt động khi đề án bảo vệ môi trường chưa được phê duyệt là sai pháp luật và cần xử lý nghiêm.
Không chỉ vậy, ông Vũ Mạnh Tưởng - Phó Chi cục trưởng Chi Cục bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Hải Dương) còn khẳng định theo Điều 9, Khoản 2 Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đối với hành vi không lập lại ĐTM của dự án theo quy định, cơ sở nhuộm bị xử phạt từ 180 đến 200 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt hành vi này thuộc trách nhiệm UBND tỉnh Hải Dương. Trường hợp cần thiết có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo Khoản 3 là đình chỉ hoạt động.
Dư luận cho rằng, trong vụ việc cơ sở nhuộm màn tuyn của ông Đãm chưa hoàn thiện đề án bảo vệ môi trường đã đi vào hoạt động và không bị xử phạt là có sự “bao che” của chính quyền địa phương.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.