Hành động hợp lòng dân

(PLO) - Những ai có “tư duy nhiệm kỳ” thì không xứng đáng với vị trí của mình, đó là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Quốc hội và việc thu hồi các quyết định bổ nhiệm người nhà sai là hành động cụ thể, hợp lòng dân.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dường như cùng một thời điểm, khi trên diễn đàn Quốc hội phê phán sự bám rễ của cái “tư duy nhiệm kỳ” gây tổn hại cho công việc quản lý xã hội thì tại một cuộc hội thảo được mở ra cũng luận bàn về cái “tư duy nhiệm kỳ” gắn liền với sự thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ.

“Tư duy nhiệm kỳ” thể hiện rất rõ ở hai lĩnh vực: Dự án và bổ nhiệm cán bộ. Dự án là làm kinh tế, hưởng “hoa hồng”, “lại quả” từ các nhà đầu tư, để lại “dấu ấn” trong nhiệm kỳ của mình. Bổ nhiệm người nhà, họ hàng, người thân tín vào những chức vụ có nhiều lợi lộc cũng là làm chính trị, thêm vây cánh, “làm phúc” mà hưởng lộc, kế lâu dài. Biểu hiện rõ nhất của “tư duy nhiệm kỳ” là sự tranh thủ ở các “hoàng hôn nhiệm kỳ” xuất hiện những “chuyến tàu vét” trong cả lĩnh vực dự án, bổ nhiệm hoặc biên chế.

Điều đáng mừng là dù trên diễn đàn Quốc hội hay trên bàn nghị sự của cuộc hội thảo khoa học thì “tư duy nhiệm kỳ” được nhận diện sâu sắc, vạch ra những thuộc tính của nó cùng với tác hại mà nó gây ra đối với sự quản lý nhà nước, xã hội và phát triển đất nước, đặc biệt, là tác nhân trực tiếp và nguy hại đối với việc làm giảm sút niềm tin nơi nhân dân và thanh danh cần phải có của chính quyền.

Những ai có “tư duy nhiệm kỳ” thì không xứng đáng với vị trí của mình, đó là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Quốc hội và việc thu hồi các quyết định bổ nhiệm người nhà sai là hành động cụ thể, hợp lòng dân.

Ở một diễn biến khác tại nước ngoài, không liên quan nhưng cũng rất đáng cần liên hệ. Tổng thống Pháp vừa đắc cử, ông Emmanuel Macron trong động thái đầu tiên của mình đã cho soạn thảo một bộ luật về đạo đức hóa bộ máy nhà nước. Theo đó, lãnh đạo hoặc quan chức không được tuyển dụng người nhà, không nắm giữ các cương vị khác tại doanh nghiệp hoặc tổ chức, không kiếm tiền bằng việc khác, bắt buộc công khai thu nhập và tài sản...

Khởi đầu nhiệm kỳ cầm quyền, Tổng thống Pháp quyết định dùng bộ luật “đạo đức hóa” này như một hành động thực hiện sự cam kết khi tranh cử, làm trong sạch bộ máy nhà nước, ngăn chặn lòng tham và lấy lại niềm tin của dân chúng. Rất đáng để chúng ta tham khảo, đặc biệt trong bối cảnh chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ.