Mùa Giáng sinh và 'viễn cảnh phố phường xấu xí'

Những hình ảnh xấu xí đã làm cho nhiều người dân Thủ đô và những du khách từ nơi khác không khỏi ngán ngẩm, càng là ngày lễ càng tránh ra đường để “rước” thêm phiền phức. 
Noel tại các khách sạn, trung tâm thương mại.
Noel tại các khách sạn, trung tâm thương mại.

Trong nhiều năm gần đây, cứ đến đầu tháng 12, khắp phố phường Hà Nội đều dễ nhận thấy không khí Giáng sinh rộn ràng, nhộn nhịp. Lễ Giáng sinh đã trở thành một lễ hội văn hóa cộng đồng, đặc biệt đối với người trẻ. Nhưng chúng ta cũng đang thấy một ngày lễ ý nghĩa đang bị lợi dụng, biến tướng và ngày càng trở nên “vô hồn” đối với người Việt.

Giáng sinh kiếm “bộn tiền”

Khung cảnh trang hoàng rực rỡ, âm nhạc rộn ràng chỉ riêng ở dịp Noel từ các tuyến phố sầm uất đến các văn phòng, trường học, cửa hàng, trung tâm thương mại, công viên, khách sạn… Ngày lễ Giáng sinh càng đến gần, thị trường Noel đã sôi động, nhộn nhịp khách. Đặc biệt những năm gần đây, người dân Thủ đô có một cái thú “chơi thông lạ”.

Ngoài dòng thông thật nhập khẩu từ châu Âu có giá từ 2-20 triệu đồng/cây là thú yêu thích của người có tiền thì năm nay, cây tùng tuyết cũng là mặt hàng đặc biệt hút khách, giá cả phải chăng, mà so với cây thông giả vẫn “có hồn và đẳng cấp hơn”. 

Nắm bắt được xu hướng đó, các cửa hàng cây cảnh tại Hà Nội đã bắt đầu cho ra đời những sản phẩm mới với đầy đủ kích thước, mẫu mã khác nhau. Được biết, mẫu cây bán chạy nhất cao khoảng gần 1m, bao gồm cả trang trí, giá dao động từ 300.000-700.000 đồng/cây tùy theo chiều cao và yêu cầu của khách. Nhiều người dân thậm chí còn phải đi “săn lùng” hoặc đặt trước thì mới có hàng bởi “hàng về đến đâu, khách mua hết đến đó”. 

Đối với những địa điểm truyền thống như các khu phố Hàng Mã, Chả Cá, Hàng Lược, Lương Văn Can, Tô Hiệu… cũng đã tràn ngập những phụ kiện, quần áo Noel, thiệp Giáng sinh, đồ chơi, đồ trang trí sặc sỡ, cầu kỳ như cành cây, lá khô, thông nhựa, dây xoắn, hoa tuyết, hoa chuông… cùng đủ loại cây thông lấp lánh đèn màu để phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của đông đảo dòng người từ khắp nơi đổ về.

Dịp Giáng sinh hàng năm cũng là thời điểm các trung tâm thương mại, công viên, khách sạn, siêu thị được trang hoàng lộng lẫy, lãng mạn để giới trẻ đến check-in. Họ sẵn sàng đầu tư những hạng mục trang trí hoành tráng, cầu kỳ, đẹp mắt và càng lung linh về đêm, mà dễ nhận thấy nhất vẫn là những cây thông Noel khổng lồ hoặc những tiểu cảnh trang trí biểu tượng Giáng sinh như ông già tuyết cưỡi tuần lộc, vòng lá mùa vọng treo trước cửa ngôi nhà tuyết, những chiếc bít tất màu đỏ treo gần lò sưởi, ngôi sao Giáng sinh, chuông Thánh đường…

Đồng thời tung ra nhiều chương trình vui chơi, khuyến mại hấp dẫn nhằm “quyến rũ” khách hàng mua sắm sầm uất hơn. Ví dụ như trải nghiệm Cung điện mùa đông tại Royal City, Thủy cung hiện đại lớn nhất Việt Nam cùng Thiên đường vui chơi dành cho cả gia đình – VinKE tại Times City hoặc không gian “Giáng sinh trên dải ngân hà” đẹp rực rỡ tại AEON Mall Long Biên, Check-in “cây thông ngược” trong ngôi làng Giáng sinh châu Âu tại Pullman Hanoi…

Ngoài ra, như hàng năm, lễ Noel cùng với giáo dân theo đạo lễ Giáng sinh sẽ được tổ chức tại Nhà thờ Lớn Hà Nội; còn ở Nhà thờ Giáo xứ Cửa Bắc diễn ra chợ Giáng sinh kiểu Đức lần thứ 2; chợ phiên Giáng sinh thưởng thức 1000 món ngon ngày lễ tại Hoa Lư, Lê Đại Hành và nhiều hội chợ Giáng sinh khác tại các khách sạn, trường học.

Ở Trung tâm TP Hà Nội – phố đi bộ Hồ Gươm và nhiều khu phố khác cũng có nhiều quảng cáo hứa hẹn những tiết mục văn nghệ đặc sắc, tặng quà, vui chơi… đón Giáng sinh, mừng năm mới.

Ngày lễ của người “ham vui”?

Từ nhiều năm trước đây, Giáng sinh vẫn được coi là ngày lễ của những người theo đạo Công giáo hay Tin lành. Nhưng đến nay, lễ Giáng sinh dần dần được chấp nhận và coi như một lễ hội, một dịp sinh hoạt văn hoá cộng đồng chung, đặc biệt đối với người trẻ.

Đáng nói, không ít trường hợp tham gia lễ hội hiện nay chỉ là chạy theo xu hướng thời thượng, lấy lễ hội là cái cớ để ăn chơi tụ tập, không hề có chút hiểu biết, thái độ trân trọng đối với ý nghĩa văn hóa – tôn giáo đằng sau lễ hội.  

Nhiều người trẻ đi chơi mà không hiểu mình đi chơi vì cái gì, để làm gì. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng Noel ở Việt Nam “trống rỗng, vô nghĩa”, “không còn đơn thuần là một ngày lễ mang tính tôn giáo”, “chỉ dành cho những người... ham vui”.

Mặt khác, ở những năm trước, cùng với không khí nhộn nhịp, rộn ràng ngày lễ là rất nhiều hình ảnh phản cảm, thiếu ý thức của đông đảo người đi lễ hội như ùn tắc giao thông kéo dài, đỗ xe “bát nháo”, chen lấn ùn đẩy, hái hoa bẻ cành, xô xát cãi nhau, văng tục chửi bậy, lợi dụng đông đúc để sàm sỡ phụ nữ...

Theo đó, những hàng quán vỉa hè, quán rong phục vụ trà đá, bia hơi, đồ ăn vặt khác cũng tăng “đột biến”, chèo kéo, bắt chẹt khách trong những ngày lễ khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát kịp. 

Đồng thời, thực khách ăn xong vẫn cứ có thói quen xả rác ngay tại chỗ hoặc ra đường phố gây nhiều bức xúc với các nhân viên dọn vệ sinh và du khách tham quan. Mặt khác, cũng gây nhức nhối chính là những hành vi tình trạng trẻ em, thanh, thiếu niên và thậm chí vài người lớn leo trèo, phá hoại cảnh quan nơi công cộng để chụp ảnh hoặc đơn giản chỉ… cho vui.

Những hình ảnh xấu xí đã làm cho nhiều người dân Thủ đô và những du khách từ nơi khác không khỏi ngán ngẩm, càng là ngày lễ càng tránh ra đường để “rước” thêm phiền phức. 

Không thể phủ nhận, dù ít hay nhiều, lễ Giáng sinh đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá của người dân. Nhưng đồng thời, những hình ảnh trên cũng cho thấy một ngày lễ ý nghĩa đang bị lợi dụng, biến tướng và ngày càng trở nên “vô hồn” đối với người Việt. 

Đọc thêm