Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.
Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)

Hiệu quả của những Ngôi nhà Ánh Dương

Tháng 7/2022, tại lễ ký kết hợp tác giữa Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Quỹ dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) cho dự án chống bạo lực giới tại Việt Nam, câu chuyện của bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) đã khiến không ít người sững sờ.

“Bạo lực giới ở Việt Nam đã ở một tầm khác. Những người có các hành động bạo lực ấy đã hiểu rất rõ việc họ làm là vi phạm luật pháp nên mới tìm trăm mưu ngàn kế thoát thân như vậy. Một trường hợp bị bạo lực giới mà tôi biết, người chồng lôi chị ấy vào một góc khuất không có camera. Mỗi một cú đá hay đấm vào người chị, anh ta lại hét lớn “anh yêu em” hay “anh vô cùng yêu em” để tránh bị ghi âm” - bà Vân Anh kể.

Qua câu chuyện của bà Vân Anh, có thể thấy Việt Nam không còn ở trong giai đoạn đầu cần phổ biến kiến thức cơ bản về bình đẳng giới và bạo lực giới nữa. Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, gần 2 trong số 3 phụ nữ Việt Nam (62,9%) đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực về thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý và hoặc bạo lực kinh tế trong cuộc đời.

Trong khuôn khổ dự án “Xây dựng mô hình ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” do KOICA tài trợ, giai đoạn 2017 - 2021 với tổng kinh phí là 2,5 triệu USD, tháng 4/2020, Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên được thành lập tại Quảng Ninh. Trung tâm cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và thích hợp, bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, các dịch vụ xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, bảo vệ của công an, dịch vụ pháp lý, tư pháp, chuyển tuyến… cho phụ nữ và trẻ em gái đang bị hoặc có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình, trên nguyên tắc lấy người bị bạo lực là trung tâm, được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, quyền riêng tư, bảo mật.

Sau 2 năm thành lập và hoạt động, mô hình đã khẳng định hiệu quả, tính ưu việt trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới. Cụ thể, trong công tác tiếp nhận, cung cấp dịch vụ trợ giúp người bị bạo lực trên cơ sở giới, số lượng người tiếp cận thông tin qua tổng đài 19.065 cuộc gọi; trong đó tư vấn, cung cấp thông tin, kết nối trợ giúp cho 516 trường hợp; số người lên tiếng tố cáo và sử dụng dịch vụ trợ giúp tại Ngôi nhà Ánh Dương 33 người; số người được hỗ trợ tại cộng đồng 17 người; số người gây bạo lực được tư vấn, can thiệp 12 người.

Để “ánh dương” luôn tỏa sáng đẩy lùi bạo lực

Với hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA, mô hình Ngôi nhà Ánh Dương đã được nhân rộng tại Thanh Hóa, TP HCM và Đà Nẵng. Thông tin tại Hội thảo quốc gia “Chia sẻ kinh nghiệm vận hành và nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tại Việt Nam” do Bộ LĐ-TB&XH, UNFPA, KOICA phối hợp tổ chức ngày 25/5/2023 cho biết, tính đến nay, 4 Ngôi nhà Ánh Dương đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 60 người bị bạo lực giới tại Ngôi nhà Ánh Dương và gần 1.100 người bị bạo lực giới tại cộng đồng. Ngoài ra, đường dây nóng của các Ngôi nhà Ánh Dương đã tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ cho hơn 20 nghìn cuộc gọi từ người bị bạo lực.

Theo bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, mặc dù 4 Ngôi nhà Ánh Dương đang hoạt động hiệu quả, song nhu cầu hỗ trợ của người bị bạo lực giới vẫn còn rất cao. Do đó, UNFPA kêu gọi nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa nhằm phát hiện ngăn chặn hành vi bạo lực và hỗ trợ người bị bạo lực này đến các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bởi thực tế cho thấy, những nạn nhân của bạo lực giới đa phần đều gặp phải các tổn thương từ thể chất tới tinh thần. Vì thế, việc trị liệu, hỗ trợ cho các nạn nhân bạo lực gia đình thường trải qua một thời gian dài, bền bỉ.

Tại Hội thảo ngày 25/5, theo ông Cho Han-Deog - Giám đốc quốc gia của KOICA Việt Nam, dù con số tiếp cận còn khiêm tốn, song đây là mô hình cần thiết để hỗ trợ nạn nhân có một cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn. Do đó, KOICA sẽ tiếp tục tài trợ 5 triệu USD để nhân rộng mô hình Ngôi nhà Ánh Dương tại tỉnh Hà Tĩnh và Khánh Hòa. Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh và Khánh Hòa cũng cho biết đã sẵn sàng cơ sở vật chất và cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện cho Ngôi nhà Ánh Dương được phát triển tại địa phương.

Được biết, ở góc độ pháp luật, để ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, Việt Nam đã có khá đầy đủ hành lanh pháp lý như: Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống mua bán người, Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ ban hành phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2030, Quyết định số 2232/QĐ-TTg ngày 28/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 -2025... Việc triển khai các mô hình bước đầu cho thấy những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế chất lượng và tiêu chuẩn dịch vụ còn thấp, thiếu các quy chuẩn trong vận hành và cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới, cơ chế phối hợp liên ngành hỗ trợ nạn nhân chưa được ban hành dẫn đến trong quá trình phối hợp còn lúng túng…

Vì thế, theo bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, với quan điểm lấy người bị bạo lực là trung tâm trong quá trình cung cấp dịch vụ, việc thảo luận các giải pháp nhằm nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa như Ngôi nhà Ánh Dương là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới được tiếp cận các dịch vụ tổng hợp, thiết yếu và có chất lượng. Để làm được điều này đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là phải có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong việc hỗ trợ người bị bạo lực giới.

Đọc thêm