Tết này, con có về không?

(PLO) -"Tết này, con có về không?” có lẽ là câu nói trăn trở nghe đến mủi lòng của bậc làm cha, làm mẹ khi Tết đến Xuân về. Chẳng biết những đứa con đi học, đi làm xa nhà có về đón Tết hay không? Mong mỏi lớn nhất cha mẹ lúc này không phải tiền của, vật chất mà chính là sự quây quần ấm áp, thiêng liêng bên những đứa con, ăn chung bữa cơm gia đình ngày Tết.
Hình minh họa - Internet
Hình minh họa - Internet

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, ai cũng phải tất bật với bộn bề công việc và vòng xoáy cuộc đời. Những đứa con đi học xa nhà hay vì cuộc sống thiếu thốn, khó khăn, nhiều người phải rời bỏ quê hương, bôn ba rày đây mai đó tìm kế mưu sinh cũng đều làm nao lòng cha mẹ. Ngày tiễn con đi nước mắt lưng tròng rồi rưng rưng lăn đều trên má. Những ngày sau đó là vô vàn cung bậc nhớ, thương, mong chờ. Cha mẹ đã ngậm ngùi nuốt nước mắt để “con gà con” rời đôi cánh chở che của mẹ. 

Nỗi lòng của cha mẹ bao nhiêu đứa con có thể hiểu được. Nhiều đứa mải mê với sự náo nhiệt chốn thành thị mà quên nơi quê nhà có cha mẹ già đang trông chờ họ từng ngày. Có đứa đi học rồi lại về quê xin việc để được sống gần chăm sóc cho cha mẹ lúc tuổi già nhưng cũng có những đứa con đi học, rồi ở trên thành phố phát triển sự nghiệp, lấy vợ, lấy chồng, định cư trên chốn phồn hoa đô hội mặc cho những bậc cha mẹ mòn mỏi chờ đợi tin con. Có đứa một năm về đôi ba bận, có đứa hai ba năm liền chẳng thấy về. 

Tết là dịp đoàn tụ để mọi người dù ở đâu cũng hội tụ quây quần về nơi “chôn rau cắt rốn”, hưởng trọn một mùa Tết an lành, hạnh phúc. Đối với cha mẹ cuộc sống chỉ cần giản dị như thế. 

Ai có dịp về những vùng quê Nam bộ sẽ thấy, khoảng độ đưa ông Táo về trời (23 tháng chạp), những căn nhà dẫu nhỏ, dẫu ọp ẹp nhưng đã nô nức không khí Tết. Mọi thứ cha mẹ đã chuẩn bị chu đáo tất từ lâu. Những chậu mai vàng được tỉa lá bắt đầu khoe sắc, những nụ hoa đã lú nhú những cánh hoa xuân. Tiết trời hơi se lạnh, gió thổi nhè nhẹ làm lòng người nôn nao. Và cũng là khi cha mẹ lại bắt đầu “điệp khúc chờ con”. 

Hình ảnh này quen thuộc lắm. Hai người già ngồi hỏi han nhau không biết thằng Hai, con Ba, con Tư Tết này có về không? “Thằng Hai tệ thiệt, tui nhớ con, nhớ cháu đứt ruột mà một năm về có một lần hà, có khi không có lần nào nữa” hay “Cái gì cũng có, chỉ thiếu chúng nó!”. 

Hay có những đứa con gọi về cho cha mẹ nói: “Tết này con không về. Cha mẹ ở dưới quê ăn tết vui vẻ nhe!”. 

Ai cũng biết được định luật của tạo hóa, thời gian cứ chảy trôi không ngừng nhưng mấy ai có thể kịp nhìn lại để cảm nhận sự già nua từng ngày của cha mẹ. Trên mái tóc xanh ngày nao giờ đây đã phủ đầy sương tuyết của thời gian. Trên bàn tay đã xuất hiện đồi mồi. Sức khỏe yếu dần theo những cái lạnh phong sương và thời gian khắc nghiệt. Có ai hiểu rằng, cha mẹ sẽ chẳng còn bao nhiêu thời gian để chờ đợi và mong mỏi con nữa. Đến một ngày nào đó, không còn nghe được câu hỏi nghe đến xót xa “Tết này! Con có về không” thì lúc đó hối hận để quay về với cha mẹ liệu có còn kịp?

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Vì vậy hãy yêu thương, trân trọng những tình cảm thiêng liêng xung quanh, nếu một mai nó có lỡ mất đi chúng ta cũng không hối hận vì những gì ta đã sống./.

Đọc thêm